Năm 2008, được sự thống nhất từ chủ trương của Tỉnh ủy Tỉnh Đồng Nai; được Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai đã chọn 3 tổ đại biểu để triển khai thí điểm giám sát của tổ đại biểu; đến năm 2009, Thường trực HĐND tỉnh mở rộng ra 5/11 tổ đại biểu. Qua sơ kết đánh giá cho thấy, việc triển khai hoạt động giám sát của tổ đại biểu phù hợp với yêu cầu thực tế, thể hiện sự linh hoạt trong phương thức giám sát; phát huy vai trò, trách nhiệm của đại biểu trong việc xem xét, đánh giá và xử lý những vấn đề KT - XH, QP - AN tại địa phương. Từ đầu nhiệm kỳ 2011 - 2016, hoạt động giám sát của tổ đại biểu được mở rộng ra 11/11 tổ đại biểu trong phạm vi toàn tỉnh.
Sau khi được thành lập và ngay từ đầu năm, các tổ đại biểu căn cứ vào nghị quyết HĐND tỉnh về chương trình hoạt động, chương trình giám sát năm và tình hình thực tế trên địa bàn để xây dựng kế hoạch giám sát của tổ, ít nhất có một cuộc khảo sát, giám sát trong 1 quý; trường hợp địa bàn có nhiều vấn đề phát sinh cần tổ chức khảo sát, giám sát thì số lượng có thể tăng thêm do Tổ trưởng quyết định sau khi thống nhất với các thành viên trong tổ.
Qua tổ chức 137 cuộc khảo sát, giám sát sâu, rộng trên các lĩnh vực, tập trung vào một số địa phương trọng điểm có bức xúc, các tổ đã có 792 ý kiến, kiến nghị khắc phục một số hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện tại cơ quan, đơn vị được giám sát. Các kết luận, kiến nghị của tổ đại biểu yêu cầu sửa chữa, khắc phục những sai sót trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ được các cơ quan chịu sự giám sát triển khai thực hiện và có thông báo biện pháp khắc phục.
Quá trình các tổ giám sát, các đại biểu chuyên trách của HĐND tỉnh được phân công phối hợp đều tham dự, có nhiều ý kiến đóng góp vào hoạt động của tổ. Thường trực HĐND tỉnh thường xuyên theo dõi, chỉ đạo các ban và Văn phòng trong công tác phối hợp, tham mưu, giúp việc cho các tổ. Công tác chuẩn bị, phục vụ cho việc thí điểm của tổ chu đáo, kịp thời, thể hiện vai trò tham mưu, giúp việc của Văn phòng.
Qua hoạt động giám sát của tổ đại biểu HĐND tỉnh cho thấy, chất lượng hoạt động của tổ đại biểu được nâng lên, các đại biểu thể hiện tinh thần trách nhiệm, phát huy được sức mạnh tập thể, thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao hơn so với trước khi chưa nhân rộng mô hình thí điểm; đại biểu HĐND nâng cao nhận thức, nắm vững về những chính sách, chủ trương, luật pháp của Nhà nước trên mọi lĩnh vực (không bó hẹp trong phạm vi hoạt động chuyên môn), từ đó phát huy vai trò, trách nhiệm của mình. Thảo luận tại kỳ họp có chiều sâu, do các đại biểu có điều kiện nắm rõ tình hình KT - XH tại địa phương và tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Giám sát của tổ đại biểu cũng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND tỉnh, xem xét, đánh giá chính xác tình hình KT - XH, QP - AN của địa phương.
Tuy nhiên, hoạt động của tổ đại biểu HĐND chưa mạnh, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đòi hỏi ngày càng cao của cử tri và xã hội. Cái khó trong hoạt động của tổ đại biểu HĐND có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về mặt pháp lý, Luật Tổ chức HĐND và UBND không quy định; Quy chế hoạt động của HĐND có nêu một số nhiệm vụ nhưng còn chung chung, quy định tránh nhiệm của Tổ trưởng, Tổ phó chưa rõ. Nói là tổ đại biểu HĐND nhưng toàn bộ các thành viên điều hoạt động kiêm nhiệm, tính chất công việc, vị trí công tác lại khác nhau; thành viên của mỗi tổ không ổn định do sự biến động về tổ chức cán bộ, chủ yếu đối với cán bộ chủ chốt cấp huyện nên việc triệu tập họp tổ mỗi quý một lần rất khó khăn.
Tổ đại biểu HĐND tỉnh không phải là cơ quan của HĐND tỉnh, do đó thủ tục ban hành quyết định giám sát, thông báo kết luận giám sát và văn bản đôn đốc việc thực hiện kiến nghị sau giám sát đều do Thường trực HĐND tỉnh ký ban hành, từ đó hạn chế tính chủ động của tổ đại biểu. Chuyên viên Văn phòng giúp việc cho tổ đại biểu HĐND phải tham mưu nhiều lĩnh vực giám sát, do đó không tránh khỏi những hạn chế. Hoạt động giám sát của tổ đại biểu dù đã được tăng cường bằng nhiều hình thức nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Việc thực hiện kiến nghị giám sát của các đơn vị nhìn chung còn chậm, việc theo dõi, đôn đốc còn có những hạn chế nhất định.
Để chức năng giám sát của HĐND cấp tỉnh, trong đó có hoạt động giám sát của tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh thực hiện có hiệu quả, yêu cầu thực tế đặt ra hiện nay là cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về chức năng giám sát của HĐND cũng như tổ đại biểu HĐND; quy định một chương riêng về hoạt động giám sát của đại biểu HĐND, tổ đại biểu HĐND, tạo cơ sở pháp lý cho các đại biểu, tổ đại biểu HĐND hoạt động, và phát huy tinh thần, trách nhiệm. Bởi thực tế đã chứng minh, đại biểu HĐND, tổ đại biểu HĐND là nhân tố quan trọng nâng cao hiệu quả giám sát của HĐND.
HĐND mỗi cấp cần có văn bản hướng dẫn hoạt động của tổ đại biểu HĐND. Theo đó, quy định cho các tổ đại biểu HĐND thực hiện giám sát, việc họp định kỳ, lịch tiếp công dân của từng đại biểu, thời gian gửi báo cáo, tổng hợp ý kiến cử tri, biên bản họp tổ và phiếu chất vấn của tổ đại biểu HĐND đến Thường trực HĐND cùng cấp để chuyển cơ quan chức năng trả lời. Bên cạnh đó, các tổ đại biểu cần có quy định chặt chẽ lịch sinh hoạt, lịch tiếp dân, công tác tiếp xúc cử tri, phối hợp giám sát, chất vấn, thảo luận tổ cũng như thảo luận tại hội trường để phát huy tinh thần trách nhiệm của đại biểu.