Thí điểm cách thức hỗ trợ mới

- Thứ Bảy, 20/03/2021, 08:29 - Chia sẻ

Nguyễn Quang Đồng - Chuyên gia chính sách công

Đề xuất của Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội về gói 6.000 tỷ đồng đào tạo lại lao động cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid - 19 từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đang được doanh nghiệp và các bên quan tâm.

Về mặt thời điểm lẫn tính cần thiết, đây là bước đi đúng đắn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động một cách thiết thực. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ việc triển khai chưa thành công gói hỗ trợ 20.000 tỷ đồng trong năm 2020, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để hỗ trợ đến được doanh nghiệp kịp thời và đúng “địa chỉ”.

Điều lo ngại lớn nhất của mọi gói hỗ trợ bao giờ cũng là làm sao để tiền đến đúng doanh nghiệp, đúng người lao động cần hỗ trợ thực sự, chứ không phải lợi dụng có gói hỗ trợ để lấy tiền và sử dụng cho mục đích khác. Một gợi ý về cách thức triển khai có thể thí điểm là cấp “phiếu đào tạo” (voucher) thay vì cấp tiền mặt trực tiếp cho đối tượng được nhận. Cụ thể, người lao động ở doanh nghiệp A được cấp 1 phiếu (1 voucher) trị giá x tiền; họ tự chọn cơ sở đào tạo phù hợp với nhu cầu và học ở đó. Cơ sở đào tạo, ví dụ cơ sở B, sau khi cung cấp dịch vụ đào tạo sẽ nhận phiếu và đến Quỹ Bảo thất nghiệp để nhận tiền.

Cách làm này khắc phục được một số điểm thiếu hiệu quả của hình thức hỗ trợ trực tiếp. Đầu tiên, người lao động được thụ hưởng đồng thời chịu trách nhiệm về quyết định lựa chọn đào tạo sao cho tốt nhất cho tương lai của mình. Nhà nước không phải lo người lao động sử dụng sai mục đích số tiền đó: Nhận tiền rồi sử dụng mục đích khác thay vì đi học (do không qua cấp tiền trực tiếp). Thay vào đó, người lao động được khuyến khích tính toán, tìm hiểu và chịu trách nhiệm chọn khóa học phù hợp cũng như cơ sở đào tạo cung cấp dịch vụ tốt nhất. Nhà nước như vậy vẫn  bảo đảm được tính nhân văn: Hỗ trợ cho công dân của mình mà vẫn tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đối tượng nhận hỗ trợ.

Về phía các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đào tạo, họ buộc phải cạnh tranh để cung cấp dịch vụ tốt nhất, từ đó thu hút được học viên, có “voucher” và qua đó nhận được hợp đồng (gián tiếp) từ ngân sách nhà nước. Đây là cách giúp Chính phủ tài trợ phát triển thị trường dịch vụ đào tạo nghề một cách cạnh tranh và minh bạch hơn. Sẽ không còn chuyện doanh nghiệp B, nhờ mối quan hệ xin - cho, “thân hữu” với cơ quan cấp ngân sách mà nhận được hợp đồng cung cấp dịch vụ đào tạo. 

Vận dụng nguyên tắc này cho thiết kế chương trình hỗ trợ đương nhiên sẽ còn cần những điều chỉnh cho phù hợp, bao gồm đánh giá chi tiết để thiết kế chương trình. Tuy nhiên, về mặt dài hạn, yêu cầu đổi mới cách thức hỗ trợ đào tạo nghề đi kèm với thúc đẩy một thị trường đào tạo nghề cạnh tranh, với các doanh nghiệp tư nhân cung cấp dịch vụ đào tạo có chất lượng là xu thế cần được quan tâm. Bước vào Cách mạng công nghiệp 4.0, với công nghệ tự động hóa phát triển, chuỗi giá trị có thể thay đổi, các nhà máy có thể dịch chuyển trở lại các nước phát triển và đe dọa việc làm của người lao động ở Việt Nam. Thêm vào đó, công nghệ số cũng dự báo thay đổi kỹ năng làm việc của người lao động và đe dọa an toàn việc làm của lao động trong ngành dịch vụ. Nhu cầu tái đào tạo, đào tạo kỹ năng sẽ trở thành xu hướng cấp bách để bù đắp những thiếu hụt kỹ năng này.

Đổi mới cách thức thực thi chính sách hỗ trợ là cần thiết và điều đó cần bắt đầu từ những thí điểm. Khi bàn thảo về các gói hỗ trợ, việc thí điểm hoàn toàn là cần thiết ở thời điểm này.