Tản mạn

Thi ca

- Thứ Năm, 15/04/2021, 08:25 - Chia sẻ
Trên instagram và twitter trong ngày Glück giành giải Nobel, hàng nghìn người đăng lên những áng thơ của Glück, dù họ không phải giới phê bình và bình thường cũng chẳng quan tâm mấy tới thi ca...

Ghét nhà thơ chắc không ai hơn triết gia Plato. Ông bảo là một nhà nước lý tưởng không có chỗ cho các nhà thơ. Nói chung là theo Plato thì thi ca là một thứ nguy hại cho xã hội, làm hỏng những tâm hồn tốt đẹp nhất, thơ ca lừa lọc chúng ta, khiến ta cảm thông với những kẻ than vãn hay những ham muốn bất chính và cười nhạo trước những nền móng của thế giới. 

Năm 1991, tạp chí Atlantic Monthly đăng tải một bài tiểu luận mang tên “Thơ ca có thể nào quan trọng không?”. Bài tiểu luận bất ngờ trở thành bài báo được phản hồi nhiều nhất trong lịch sử tờ tạp chí này. Trong bài viết ấy, tác giả Dana Gioia khẳng định, thơ ca đã không còn ở trung tâm đời sống tri thức nữa mà đã trở thành một nhóm “tiểu văn hóa”. "Tôi cũng, không ưa nó: có những thứ quan trọng hơn nhiều so với ngón lừa bịp này”, Marianne Moore, nữ thi sĩ nổi danh từng thắng giải Pulitzer và Giải Sách Quốc gia viết trong bài thơ nổi tiếng nhất của bà mang tên “Thơ ca”.

Trong bối cảnh thi ca như vậy, năm ngoái, Viện Hàn lâm Thụy Điển trao cho một nhà thơ nữ giải Nobel Văn học. Và lạ là khi Louise Glück được trao giải Nobel, không ai không phục kết quả đó. Bà được vinh danh vì “giọng thơ riêng biệt mà với vẻ đẹp mộc mạc đã khiến sự tồn tại cá thể trở thành phổ quát”. 

Trong câu ấy, hãy chú ý nhất đến từ “vẻ đẹp mộc mạc”. Louise Glück nói bà sinh ra trong thế hệ mà người ta đã “thiếu kiên nhẫn với cái đẹp”. Và tôi tin chiến thắng của Louise Glück rất quan trọng đối với văn chương, bởi trong thứ thi ca trữ tình của Glück, văn chương không bị lạm dụng thành điều gì khác, nó chỉ là nó, trong sự im lặng mênh mông, Glück kiên tâm đợi cái đẹp từ từ hiển lộ, không thúc giục, không gồng gánh, không đào bới, không xới tung tất cả để tìm kiếm một điều gì hay một phán quyết gì.

Thơ của Glück kiệm lời, gọn gàng, không đánh đố sự hiểu biết của người đọc, song vẫn chan chứa sự mơ hồ và những khoảng trống câm lặng khó minh định. Trên instagram và twitter trong ngày Glück giành giải Nobel, hàng nghìn người đăng lên những áng thơ của Glück, dù họ không phải giới phê bình và bình thường cũng chẳng quan tâm mấy tới thi ca.

Chúng ta sống trong một thế giới bùng nổ công nghệ và khoa học kỹ thuật, mọi khẳng định đều cần con số, mọi kết luận phải có chứng cứ, tất cả đều duy lý. Đặc điểm của văn minh là trật tự, là những công thức, là sự tính toán tỉ mỉ và chính xác mọi thứ, là những dữ kiện khoa học xác thực. Đó không phải những điều kiện ưu ái để nảy nở thi ca - thứ đại diện cho xúc cảm, cho bản năng (vâng, điều này Plato vẫn đúng), nhưng thơ Glück, bằng cách nào đó, cho thấy con người vẫn là con người, dù nền văn minh có biến họ thành những kẻ sống có trật tự đến đâu thì sâu trong họ vẫn có những cảm thức mơ hồ không thể cắt nghĩa và cũng không cần cắt nghĩa, những cảm thức ấy đôi khi không hữu ích cho ai, nhưng chúng đẹp đẽ và chân thành.

Hiền Trang