Soi mình trong sự tín nhiệm của Nhân dân

Theo đuổi vì quyền lợi của người dân

- Chủ Nhật, 21/03/2021, 06:30 - Chia sẻ
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa cho rằng, 10 năm qua là một bước chuyển dài, một sự thay đổi rất lớn trong hoạt động của Quốc hội, đòi hỏi của cử tri thì ngày càng cao. Thực tế đó buộc các đại biểu Quốc hội phải không ngừng nỗ lực để hoàn thành trọng trách cử tri giao phó. Hai khóa làm đại biểu Quốc hội, bà nhận ra rằng, là đại biểu của dân sẽ không có thời gian trống và cũng không thể nói là nhàn. Khi theo đuổi nội dung nào đó phải xem xét vấn đề toàn diện, đấu tranh đến cùng vì quyền lợi của người dân.

Tâm huyết, thời gian, kiến thức và cả sự kiên cường

- Là đại biểu Quốc hội Khóa XIII, XIV, bây giờ bà còn nhớ mình đã cam kết với cử tri những gì cách đây 5 năm, 10 năm, khi vận động bầu cử không?

- Có chứ. Tôi nhớ 3 ý lớn mà mình đã hứa sẽ thực hiện nếu trở thành đại biểu Quốc hội. Thứ nhất, tôi cam kết luôn gắn bó với dân, đem tâm tư, nguyện vọng của dân đến với Quốc hội. Những vấn đề người dân còn bức xúc, băn khoăn, chúng tôi sẽ tiếp nhận để chuyển đến các cấp ủy, chính quyền và cơ quan Trung ương tùy theo nội dung thuộc cấp nào, theo dõi, đôn đốc họ giải quyết. Thứ hai, với trách nhiệm được Đảng và Nhà nước phân công, như ở Khóa XIV là Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, tôi sẽ luôn trau dồi để đóng góp tốt nhất xây dựng cơ chế, chính sách cho các lĩnh vực mà Ủy ban phụ trách một cách sâu sắc, trách nhiệm. Và cuối cùng, nghiên cứu những vấn đề lớn của đất nước để tham gia quyết định tại các phiên họp của Quốc hội cũng như trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Hoàng Thị Hoa khảo sát di sản văn hóa Huế năm 2018
Ảnh: Ng.Anh

- Đến thời điểm này nhìn lại, bà đã hoàn thành được lời hứa với cử tri?

- Có thể mong muốn lớn hơn, kỳ vọng cao hơn, nhưng tôi nghĩ là mình đã cố gắng hết sức để thực hiện tốt nhất những cam kết đó. Trong cả hai nhiệm kỳ, không chỉ với cử tri Bắc Giang - nơi tôi ứng cử, mà đến đâu nghe thấy những điều bất bình, những vụ việc cử tri bức xúc hoặc đang gặp vướng mắc, tôi đều quan tâm, phản ánh. Ở Bắc Giang thì huyện nào có vấn đề gì, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đều tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền, theo bám sát sao.

Hầu hết các vấn đề đều được giải quyết nhanh gọn, các cơ quan chức năng cơ bản rất quan tâm đến những kiến nghị của đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, tôi phụ trách việc giải quyết đơn thư gửi đến Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, qua đơn thư cử tri gửi đến, chúng tôi thâm nhập thực tế thì thấy đây đó còn có một số địa phương giải quyết vấn đề mất dân chủ, chưa vì người dân, thiếu trách nhiệm. Đó là điều tôi cảm thấy chưa thật hài lòng, vì là đại biểu của dân mà có những bức xúc của dân mình đã có ý kiến nhưng không giải quyết được.

- Cuộc sống vốn không phải lúc nào cũng được như chúng ta mong muốn. Trong suốt 10 năm làm đại biểu của dân, đã khi nào bà phải đứng trước lựa chọn hoặc là quyền lợi của người dân, hoặc là quyền lợi của một nhóm người nào đó? Và trong trường hợp đó (nếu có), bà lựa chọn như thế nào?

- Rất may trong thời gian làm đại biểu Quốc hội tôi không bị rơi vào tình huống đó. Tuy nhiên, quá trình tham gia xây dựng luật, nhiều khi mình cũng phải theo bám, kiên trì, đấu tranh để có những quy định vì quyền lợi của số đông người dân. Chẳng hạn như khi thẩm tra dự án Luật Quảng cáo, có ý kiến khác nhau về quy định cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 12 hay 24 tháng tuổi? Hay khi cho ý kiến Bộ luật Lao động, quy định lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 4 tháng hay 6 tháng? Tôi đã phải tìm hiểu toàn diện các vấn đề này, đi khảo sát, thăm dò ý kiến chuyên gia và cả đối tượng sẽ chịu tác động, để đưa ra ý kiến và theo đuổi bảo vệ các quy định có lợi cho trẻ em Việt Nam cũng như phụ nữ Việt Nam. Làm được như vậy đòi hỏi đại biểu phải có tâm huyết, thời gian, kiến thức và đôi khi cả sự kiên cường.

Tạo điều kiện tốt hơn cho đại biểu chuyên trách

- Để có thể theo đuổi đến cùng các vấn đề như bà vừa nêu, nếu không phải đại biểu chuyên trách, dành toàn thời gian cho công việc này, thì sẽ khó đạt được hiệu quả, thưa bà?

- Đúng là với đại biểu kiêm nhiệm, công việc quản lý, điều hành ở sở, ngành đã quá bề bộn, nên có thể họ không còn thời gian để theo đuổi các vụ việc phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Nhưng nếu vấn đề thuộc lĩnh vực họ đang quản lý thì lại rất thuận lợi, vì họ am hiểu thực tiễn. Vì thế, điều quan trọng là phải dẫn dắt để các đại biểu, cả chuyên trách và kiêm nhiệm, phát huy cao nhất khả năng của mình, bởi hoạt động của Quốc hội là hoạt động tập thể.

Trong nhiệm kỳ Khóa XIV, các báo cáo giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ được thực hiện theo cách này, trong đó ý kiến của các thành viên Ủy ban đang trực tiếp làm việc trong lĩnh vực đó rất giá trị, làm sáng rõ mọi vấn đề liên quan, để từ đó Ủy ban có những đánh giá, kiến nghị sát thực, góp phần tạo chuyển biến hậu giám sát, hoặc đưa vào các luật một cách phù hợp.

- Từ thực tiễn hoạt động 2 nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh sẽ tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách từ nhiệm kỳ này, theo bà, cần có cơ chế, chính sách như thế nào để đại biểu chuyên trách toàn tâm toàn ý với nhiệm vụ, phát huy cao nhất khả năng của mình, đóng góp cho hoạt động của Quốc hội?

- Thực ra, trong điều kiện hiện có, các đại biểu Quốc hội ai cũng cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ cử tri giao phó, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, cơ chế hoạt động của Quốc hội thay đổi, yêu cầu, đòi hỏi của cử tri ngày càng cao, do đó điều kiện làm việc của đại biểu, đặc biệt là đại biểu chuyên trách, phải tốt hơn. Chẳng hạn, lãnh đạo Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban cần có thư ký riêng để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ, chứ không chỉ Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và Chủ nhiệm các Ủy ban mới có thư ký như hiện nay. Bên cạnh đó, có chế độ nhà ở công vụ, phụ cấp phù hợp, để đại biểu chuyên trách yên tâm công tác và cống hiến.

 - Xin cảm ơn bà!

Hương Linh thực hiện