Báo chí phải luôn năng động, không ngừng đổi mới, sáng tạo, bắt kịp xu hướng của truyền thông hiện đại

- Thứ Bảy, 24/12/2022, 11:26 - Chia sẻ

"Xây dựng môi trường làm báo chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại chính là những tiêu chí cần vươn tới của báo chí cách mạng trong kỷ nguyên số... Để đáp ứng yêu cầu đó, báo chí phải luôn năng động, không ngừng đổi mới và sáng tạo, bắt kịp những xu hướng của truyền thông hiện đại." Tổng Giám đốc Thông Tấn Xã Việt Nam Vũ Việt Trang nhấn mạnh khi tham luận tại Hội nghị báo chí toàn quốc.

Để làm được điều này, người làm báo bên cạnh việc tuân thủ pháp luật trong tác nghiệp còn cần phải thể hiện tinh thần trách nhiệm, vượt qua nhiều rào cản, khách quan và chủ quan, để tạo ra các tác phẩm báo chí có giá trị. Khác với một người công chức, viên chức khi giải quyết một vấn đề thường yêu cầu tổ chức/cá nhân có liên quan xuất trình những hồ sơ theo quy định của pháp luật. Người làm báo, trong nhiều trường hợp còn phải lao tâm khổ tứ đi tìm những sự thật đang ẩn sâu, chất chứa trong nhiều lớp vỏ bọc giống như sự thật. 

“Xây dựng môi trường báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại – Nhìn từ Thông tấn xã Việt Nam” -0
Tổng Giám đốc Thông Tấn Xã Việt Nam Vũ Việt Trang 

Các phóng viên của TTXVN đã thể hiện sự tâm huyết với nghề nghiệp qua nhiều phóng sự điều tra như Giải phóng" đất nông lâm trường: Đã đến lúc cần "cuộc cách mạng" quyết liệt hơn; Loạn quy hoạch làm biến dạng đô thị: Virus cần phải loại bỏ triệt để; hay phóng sự ảnh “Lời khẩn cầu từ dòng Đà Giang”….

Thực tiễn trong những năm qua cho thấy các cơ quan báo chí và nhiều nhà báo bên cạnh việc phản ánh thực tế cuộc sống thì còn cần phải đấu tranh với tin giả, tin sai sự thật được đăng phát trên nhiều nền tảng với những mục đích từ tư lợi, triệt hạ đối thủ tới bôi nhọ, hạ bệ cá nhân hay mưu toan lật đổ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Xin đơn cử một ví dụ: Ngay trước thềm bầu cử Quốc hội Khóa XV, trước những nỗ lực của hệ thống chính trị để có thể đảm bảo cho cử tri tham gia bầu cử theo quy định của pháp luật cũng như thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho người dân, trên rất nhiều trang tin có tư tưởng chống phá liên tục xuất hiện các thông tin thiếu thiện chí với những luận điệu dân túy, vận động người dân không tham gia vào cuộc bầu cử. Báo Tin tức của TTXVN đã có loạt bài “Bảo vệ nền dân chủ qua góc nhìn về bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2025”. Đây là loạt bài được tổ chức công phu về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong kỳ bầu cử Quốc hội.

Bên cạnh đó, cách mà các cơ quan báo chí phản ánh một câu chuyện, một thực tế nếu không có cách tiếp cận nhân văn có thể mang lại cho xã hội sự hận thù, đố kỵ thậm chí có thể kích động cả một cuộc chiến. Câu chuyện mà tôi muốn đề cập ở đây cùng là phản ánh về tình hình thiên tai, có cơ quan báo chí chọn góc nhìn theo cách làm trầm trọng thêm nỗi đau của những người trong cuộc. Người đọc, người xem và nghe những thông tin đó sẽ đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của địa phương và các cơ quan chức năng. Trong khi đó, trên thực tế, những lực lượng này cũng đang rất nỗ lực để tiếp cận hoặc đã liên hệ để sớm tiếp cận. Những chi tiết này đôi khi lại cố tình bị bỏ qua trong tác phẩm báo chí. Các cơ quan báo chí, có quan điểm nhân văn, sẽ chọn cách phản ánh thực tiễn và những giải pháp, biện pháp làm với đi nỗi đau của nạn nhân, hay làm vơi đi những tổn thương mà cộng đồng đang bị tác động phải gánh chịu và khơi dậy tinh thần yêu thương, đùm bọc lẫn nhau trong khó khăn.

Để có được góc nhìn nhân văn, người làm báo và cơ quan báo chí luôn tự đặt cho mình những câu hỏi mang tính hướng thiện, hướng tới việc xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Và chính các nhà báo cũng cần được sống trong một môi trường làm việc cạnh tranh lành mạnh, được đánh giá và đãi ngộ thỏa đáng. Một người làm báo nếu có tư tưởng cực đoan thì tác phẩm báo chí xuất bản ra cũng sẽ mang màu sắc đó. Nhận thức rõ về thực trạng này, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội nhà báo Việt Nam từ đầu năm 2022 đã phát động phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo Việt Nam” với 6 tiêu chí của cơ quan báo chí văn hóa và 6 tiêu chí của người làm báo văn hóa. Phong trào này qua gần một năm triển khai cũng đã phần nào giúp các cơ quan quản lý, chỉ đạo, chủ quản, các cơ quan báo chí và người làm báo tự soi lại mình để điều chỉnh hoạt động một cách phù hợp hơn.

Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023
Toàn cảnh Hội nghị báo chí toàn quốc

Tại TTXVN, chúng tôi nhận thức trên con đường phản ánh hiện thực một cách nhân văn, báo chí cũng tự hoàn thiện để phát triển một cách lành mạnh, không lợi ích vị kỷ, phe nhóm, tạo dựng một môi trường báo chí cạnh tranh công bằng; giữ vững được niềm tin của nhân dân; sự tin cậy của Đảng, Nhà nước.

Có được nội dung tốt rồi nhưng phương thức truyền tải không hữu hiệu thì việc cơ quan báo chí mong muốn đó là tác phẩm báo chí của mình tác động đến đông đảo công chúng, bao gồm cả những cơ quan công quyền tới các đối tượng độc giả, khán thính giả khác trở nên kém hiệu quả.   

Thực tế đó đó đòi hỏi các cơ quan báo chí phải chuyển mình và thích ứng. Mô hình báo chí đa phương tiện, phóng viên tác nghiệp đa năng giờ không còn mới mẻ với các cơ quan báo chí. Hoạt động trong môi trường làm báo hiện đại, các cơ quan báo chí đã thay đổi cả tư duy và phương thức làm báo, phát huy tối ưu giá trị của từng loại hình báo chí, ứng dụng những công nghệ truyền thông mới, tạo ra những sản phẩm đa dạng, hấp dẫn, tích hợp nhiều loại hình và tính năng tương tác với công chúng. Việc cộng hưởng các loại hình thông tin về cùng một chủ đề đã làm gia tăng hiệu quả truyền thông, thu hút được nhiều đối tượng độc giả hơn. Việc công chúng ưa dùng các sản phẩm truyền thông mới cũng góp phần quảng bá mạnh mẽ hơn thương hiệu của các sản phẩm báo chí truyền thống. Sự phát triển song hành và bổ trợ cho nhau giữa báo chí truyền thống và truyền thông hiện đại luôn mang lại lợi ích cho công chúng. Đại dịch COVID-19 vừa qua đã cho thấy, công chúng luôn tìm kiếm những thông tin chính thống trên các sản phẩm báo chí truyền thống. Báo chí là nơi để độc giả kiểm chứng và xác minh độ chính xác của thông tin.

TTXVN cũng không đứng ngoài xu hướng của truyền thông hiện đại. Trong môi trường báo chí đang phát triển hết sức sôi động, TTXVN chú trọng nâng cao tính chuyên nghiệp, đáp ứng những nhu cầu thụ hưởng thông tin ngày càng đa dạng của công chúng. Đảng ủy TTXVN đã ban hành Nghị quyết về “Giữ vững giá trị nền tảng, tiếp tục đổi mới sáng tạo, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thông tin chiến lược trong tình hình mới”. Nghị quyết xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm để TTXVN có đủ nguồn lực về mọi mặt để triển khai hiệu quả mô hình truyền thông chủ lực đa phương tiện. Đến nay, TTXVN đã phát triển đầy đủ các loại hình thông tin trên nền tảng kỹ thuật hiện đại. Hệ thống xử lý thông tin của TTXVN từ chỗ đơn tuyến nay đã chuyển sang mô hình đa phương tiện, đa nền tảng, tăng cường kết nối giữa các sản phẩm thông tin. TTXVN đa dạng hóa các loại hình phổ biến thông tin và hình thức tuyên truyền, bên cạnh cung cấp thông tin nguồn và thông tin xuất bản, TTXVN đẩy mạnh tuyên truyền bằng hình ảnh thông qua các cuộc triển lãm; tích cực đăng tải thông tin lên các trang mạng xã hội, lên các bảng điện tử tại các điểm công cộng, lên các kênh truyền thông của các hãng thông tấn nước ngoài là đối tác của TTXVN, các tổ chức báo chí khu vực mà TTXVN là thành viên để lan tỏa rộng rãi thông tin chính thống về tình hình Việt Nam, mở rộng độ bao phủ thông tin tích cực, tăng hiệu quả tuyên truyền của thông tin thông tấn. 

Tuy nhiên, trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới của tình hình đất nước, báo chí phải luôn năng động, không ngừng đổi mới và sáng tạo, bắt kịp những xu hướng của truyền thông hiện đại. 

Thứ nhất, câu chuyện nguồn nhân lực thực sự là bài toàn khó đối với nhiều ngành nghề, trong đó có báo chí, nhất là trước quy định tinh giản biên chế theo từng thời kỳ. Các cơ quan báo chí chỉ có thể phát triển bền vững khi nguồn nhân lực được đảm bảo về số lượng và chất lượng. Những người làm báo trong thời đại công nghệ số càng phải được bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ thường xuyên. Một vấn đề nữa là cơ chế giữ chân nhân sự chất lượng cao. Tình trạng chảy máu chất xám, thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt khi cần huy động tham gia những đợt thông tin lớn, trọng điểm, đang là những vấn đề mà các cơ quan báo chí phải đối mặt. 

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng cần có đội ngũ chuyên gia giỏi, những người sẽ cùng ban lãnh đạo định ra những chiến lược phát triển dài hạn. Để xây dựng được đội ngũ chuyên gia am hiểu về hoạt động báo chí và công nghệ sẽ cần có những cơ chế đãi ngộ thỏa đáng. 

Thứ hai, tình hình khu vực và thế giới còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp và khó lường; tình hình trong nước cũng chịu tác động lớn từ đà suy giảm kinh tế và bất ổn chính trị trên thế giới. Trước tình hình đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa của các cấp, các ngành, các địa phương trên mặt trận thông tin, tuyên truyền để sớm có thông tin dự báo, thông tin chính thống, chủ động tổ chức thông tin định hướng dư luận; thông tin “đi trước mở đường” sẽ nâng cao hiệu quả tuyên truyền, kịp thời đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, gây bất ổn xã hội. 

Thứ ba, chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu trong hoạt động truyền thông. Cơ quan nào nhanh nhạy nắm bắt công nghệ và ứng dụng hiệu quả sẽ đạt được hiệu suất cao trong công việc. Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi có nguồn lực vật chất đủ mạnh để xây dựng và triển khai các dự án chuyển đổi số, tạo ra những thay đổi căn bản trong hoạt động của các cơ quan báo chí. Vì vậy, kính mong Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và các ban, bộ, ngành liên quan có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để các cơ quan báo chí có đủ nguồn lực, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số một cách hiệu quả. 

Thứ tư, đề nghị tiếp tục triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ, khen thưởng kịp thời nhằm động viên, khuyến khích những cơ quan báo chí, các cá nhân có đóng góp, thành tích đặc biệt trên lĩnh vực thông tin truyền thông.

Nhật Trường lược ghi
#