Theo chồng (Phần 1)
Truyện ngắn của Ma Văn Kháng
Tay ôm khăn gói sang sông
Mẹ gọi mặc mẹ theo chồng cứ theo.
Vừa nghe tiếng xe máy đỗ xịch ở sân, Hằng ngoảnh ra, chưa kịp chào, đã thấy tiếng chị Loan nện giầy cao gót cồm cộp và đánh tiếng:
- Cái Hằng phải không? Cái Hằng sang đấy, hả?
Anh Phan, anh rể Hằng vóc người cao ráo, mặt trái xoan ló đầu ra từ gian trong, săn đón:
- Loan đã về đấy à? Anh đi khám bệnh, tạt qua phòng nhi, thấy hai mẹ con nó ôm nhau nhếch nhác chờ đợi mà con bé thì nóng như rang nên đèo xe nó về đây đấy!
![]() Minh họa của Thanh Huyền |
Chị Loan cởi áo chống nắng, vắt lên giá đỡ, bước vào gian trong. Gian trong, trên cái giường con kê ở cạnh buồng ăn, con bé Tý Ty bảy tháng tuổi đang nằm, tay giang rộng, tóc bết thái dương, mắt như hai hột nhãn lờ đờ đưa đẩy.
- Em chào chị ạ.
Hằng lí nhí. Chị Loan nhấc cái quạt nan, thốc mấy cái vào khuôn mặt tròn vạnh đỏ hồng vì đi nắng, rồi khoát rộng cánh tay phe phẩy cho con bé Tý Ty, mặt bỗng sa sầm:
- Tao biết ngay mà! Người ta con chúa chúa yêu, con triều triều dấu. Còn mày sao cái số lại khốn khổ thế, hả Hằng?
Mắt ậng nước, nghe chị gái cao rao oán thoán, Hằng sụt sịt chưa biết nói gì thì anh Phan đã quay vào, mặt nhăn nhó, khổ ải:
- Trách gì nó! Có trách thì trách bố mẹ nhà chồng nó ấy chứ.
- Thế còn thằng Dưng chồng nó? Là bụt mọc hay sao mà không biết mở mồm ra bênh che cho vợ con?
Đưa mắt nhìn Hằng, anh Phan hất hàm, ảo não:
- Thôi, Hằng! Chị mày đấy, mày nói cho chị mày nghe. Chứ tao thấy cảnh mày và con mày thật não lòng quá đấy!
Hằng nói được gì bây giờ?
Nói được gì nữa. Vì chị Loan đâu có phải bây giờ mới biết. Bây giờ mới biết, mới nhận ra sự thể, có lẽ là chỉ có mình Hằng thôi. Thật là thế. Thật là Hằng không thể ngờ bên nhà chồng lại đối xử như thế với Hằng! Hằng không thể ngờ. Cưới hôm trước, hôm sau bữa cơm đầu tiên ăn ở nhà chồng chưa xong, thì ông Chì bố chồng Hằng đã đặt chén rượu đang uống dở xuống, hà hà một hồi, rồi hể hả nói rằng, từ nay thế là tao nhẹ gánh; thằng Dưng lấy vợ rồi thì vợ chồng liệu mà thu vén, quấn túm và trang trải cho nhau.
Hằng còn đang mu mơ chưa hiểu ý tứ cụ thể gì ẩn ở sau những câu nói nọ thì mẹ chồng Hằng đã chèm chẹp miệng phân tỏ ngọn ngành. Ôi chao, thì ra theo bà Chì mẹ chồng Hằng thì bố Dưng bảo rằng, từ nay là con dâu thì giang sơn nhà chồng gồng nặng gánh nhẹ Hằng phải mang. Hằng phải buông dầm cầm chèo. Cụ thể là từ hôm nay, Hằng phải đóng tiền ăn hàng tháng cho chồng nàng. Rằng ngoài ra, nàng phải đóng góp cho các chi tiêu khác trong gia đình. Chẳng hạn, tiền điện, tiền nước hàng tháng từ nay sẽ xẻ đôi, vợ chồng Hằng đóng một nửa, bố mẹ chồng đóng một nửa, vân vân và vân vân…
Hằng còn đang choáng váng thì ông Chì đưa tay gãi gãi chỏm đầu đã rụng gần hết tóc, trắng hếu ề à:
- Tao năm nay bốn chín chưa qua năm ba đã tới. Đi làm nhà thầu xây dựng, việc thổ mộc không hộc máu cũng hộc cơm. Nói dại, đang leo dàn giáo, bỗng hoa mắt, trượt chân, rơi ịch xuống đất! Hoặc đang đi bỗng choang một viên gạch từ tầng năm rơi một phát trúng thóp. Thì ôi thôi! Vậy nên, vô tác gác mỏ, làm lấy mà ăn!
Và miếng cơm, Hằng nghẹn ắng. Nghẹn ắng, vì cứ nghĩ, lấy chồng thì ai cũng thế thôi, trước hết là phải dựa cậy vào nhà chồng, rồi sau cứng cáp dần mới có thể tự lập được. Chứ mới mười tám tuổi đầu, cha mẹ mất sớm, ở với gia đình chị gái, mới lập nghiệp bằng chân bán hàng ở shop Thời trang Mỹ Duyên, tháng lĩnh chín trăm nghìn tiền công, tiêu pha sắm sửa cho cá nhân còn phải xin thêm anh chị, thì lấy đâu mà cung đốn cho chồng và chi tiêu các khoản khác trong gia đình chồng!
Hằng bị bất ngờ quá! Vì chị Loan, chị gái Hằng con người tươi đẹp lồng lộng, khôn ngoan, sắc sảo và vô cùng quyết đoán, đã thăm ván rồi mới bán thuyền, đã dò la thăm hỏi chán chê, yên tâm hoàn toàn về gia đình tương lai của chồng Hằng mới bằng lòng cho Hằng đi làm dâu nhà người ta. Chứ đâu có phải là nông nổi trong việc gả chồng cho Hằng!
Đấy, ông Chì bố chồng Hằng! Ngày dạm ngõ, ông ngồi bảnh choẹ trên cái xe máy SH mới coóng, đen bóng, giá ngang chiếc ô tô con. Mặc bộ com lê lễ hội, áo trắng, nơ đen, giầy đen bít tất trắng, thắt lưng gài điện thoại di động, ông hơi ba hoa một tí, nhưng xem ra có vẻ thật thà và nhất là khẩu khí nghe ra cũng là của con người biết làm ăn, biết trọng nghĩa khinh tài, ra dáng ra dàng một doanh nhân đang ở thời kỳ phát đạt chứ thường. Trong khi đó, bà Chì áo vét xám khoác ngoài áo dài lụa mỡ gà, đi hài thêu, ăn nói hỏn hẻn, một lời một thưa gửi, ý tứ phân miêng phép tắc. Chứ đâu phải hạng đàn bà giá áo túi cơm, ngồi xổm ăn bốc. Chỉ hơi buồn là Dưng. Dưng, tóc chải gôm, áo sặc sỡ hình họa, đặc ca sĩ đang ăn khách, nhưng bẽn la bẽn lẽn. Dạ, anh chị không chê em ít học là em mừng lắm rồi. Ấy thế, không ngờ nghe Dưng nói vậy, chị Loan và anh rể Phan đều tỏ vẻ hài lòng. Tất nhiên, chị Loan là kế toán trưởng, anh Phan là tiến sĩ xã hội học, giá như Dưng có học vấn cao hơn, gia đình Dưng là gia đình trí thức thì vẫn yên tâm hơn. Nhưng, chuyện dựng vợ gả chồng không phải là việc vẽ người lên giấy rồi chọn lựa. Huống hồ, Hằng cũng là đứa không có chí học hành, ì ạch mãi mới học hết trung học cơ sở. Thành ra lúc này đây, đến tuổi lập gia đình mà Hằng được gửi thân vào một gia đình lao động lương thiện thật thà là may rồi. Chị Loan và anh Phan đều nghĩ vậy và lấy làm mừng. Mừng nữa là tính ra, gia đình Dưng không giàu có, nhưng cũng thuộc loại trung lưu. Một mảnh đất tám chục mét vuông, trên đó đã có một căn nhà hai tầng lợp ngói. Một cái giếng thơi. Một vuông sân rộng rinh, gà chó đi lại nhộn nhịp. Không thật đàng hoàng, nhưng cũng đâu có phải hạng lúi xùi, ăn xó mó niêu. Dạ, gì chứ chúng tôi dứt khoát là không để em Hằng của ông bà khổ sở ạ. Trong bối cảnh ấy, lời ông bà Chì nói lúc đón dâu là có vàng đảm bảo còn gì! Còn bè bạn một tốp mười cô đồng loạt áo dài đỏ chót đi phù dâu cho Hằng, nhìn tận mắt gia cơ nọ thì ghé tai Hằng, rúc rích: “Hằng ơi, hay ăn hay tiêu đọa nơi có tiền là mày đấy”, nghe như là có ý ghen tị với Hằng đấy còn gì!
Thế mà bây giờ thì thế!
Thế mà bây giờ thì tính toán chi ly, thắt buộc Hằng. Thế mà bây giờ hóa ra là người ki kiết, đo lọ nước mắm, ngắm củ dưa hành, nanh nọc và nhẫn tâm quá đáng. Nấu cơm thừa mấy miếng cháy là bà Chì đã dài mồm ra chì chiết. Thấy Hằng hứng chậu nước máy đầy để giặt cái áo trắng cho Dưng, bà cũng la: “Phung phí thế đến khi hai tay úp bẹn thì đến cỗ hậu sự cũng chẳng có đâu, cô ạ”.
Ôi chao! Thì ra bây giờ mới hiểu. Rằng họ chỉ được cái mẽ bề ngoài đánh lừa thiên hạ thôi. Chiếc xe máy SH là đi mượn. Ông Chì vốn chỉ là anh thợ xây quèn, trổ mã thành nhà thầu khoán nửa mùa, nhưng làm ăn gian dối, nên mất dần khách hàng, gần nửa năm nay hết việc nằm khàn ở nhà. Bà Chì có một cửa hàng khô nho nhỏ ở chợ phường, lãi lờ chẳng vừa đút miệng. Còn Dưng thì đúng như lời tự thú, học hết lớp bốn, trước toàn đi phụ việc cho bố, giờ thi thoảng có tốp thợ nào gọi phu hồ hay công trường nào cần chân bảo vệ thì đi làm ít bữa, nên về căn bản vẫn là ăn nhờ bố mẹ, vào bữa cơm là cắm mặt xuống ăn mà vẫn không thoát được lời xỉ vả là quân ăn bám; có bữa đang ăn cũng bỏ bát cơm đấy, chịu nhịn đói vì tủi hổ.
Tính cách là do hoàn cảnh tạo nên. Anh Phan nói vậy. Nhưng chị Loan thêm: thì cũng không có lý gì, đám cưới vừa xong hai vợ chồng ông bà ấy đã ôm cái hòm đựng tiền mừng về, rồi đổ ra đếm đếm, được bao nhiêu giữ rịt lấy, con trai hỏi thì xẵng, rằng của tao chứ, của mày à. ấy là chưa kể, Hằng sinh được một đứa con là mất một hòn máu, tả phù hữu bật bù chi bù chít còn chẳng ăn ai, thế mà chẳng hề ngó ngàng, lo cho từ miếng cơm đến viên thuốc bổ, nghỉ chưa hết tuần đã giục đi làm, bữa trưa cho độc một gói mì ăn liền milikét, để đến nỗi Hằng rộc rạc như cái que, để đến nỗi phải về nhà anh chị xin từng cân gạo, từng chục nghìn để xay bột cho con. Khổ thế đấy! Năm giờ sáng bước chân xuống giường là bê đống quần áo của bố mẹ chồng của chồng ra giếng. Chiều về, sau một ngày chài chãi đứng bán hàng, con chưa kịp cho bú đã phải lăn lưng vào bếp nấu nướng, ra sân quét quáy dọn dẹp. Bữa nào về chậm là hết cơm. Tháng nào đóng không đủ tiền là ghi sổ nợ. Tuần trước giỗ ông nội thì bảo, lẽ ra là dâu trưởng mày phải cáng đáng tất, nhưng thôi năm nay vì mới về nhà chồng nên chỉ yêu cầu góp giỗ hai triệu đồng thôi. Hai triệu đồng, những hơn hai tháng lương đi làm, Hằng lấy đâu ra! Ở đâu ra loại ông bà ki bo bom bỏm thế! Cháu nội mình đói mà bỏ ra nghìn bạc mua cho nó bát cháo hoa cũng tiếc. Và bây giờ để con bé Tý Ty xanh xao, còi cọc, ốm yếu thế là tội ở ai? Chưa kể, cùng với tính ki kiết bòn mót, còn là thói gia trưởng ghê người. Động có ý định thanh minh hay cãi lại là lên giọng áp chế, không cho con dâu con trai có quyền nói năng giải tỏ chút nào!
- Thật không ai như mày, Hằng ạ! Thế mày thấy nó sốt, nó thở khò khè từ hôm nào?
- Dạ, bốn hôm rồi. Mấy hôm trước mưa gió, không cho nó đi cùng đến cửa hàng được, em để nó ở nhà với bà nội. Trưa tạt về, thấy con bé nằm tơ hơ tai hoải, tã không quấn, chăn không đắp, người như nung như nấu, hỏi thì bà nội nó bảo, trẻ con nó hu hi, váng mình sốt mẩy là chuyện thường, làm gì mà như công chúa phải gai thế!
- Thế bố nó đâu?
- Bố cháu đi làm bảo vệ công trường ở tận Bắc Giang cơ ạ
- Thôi, thế thì ôm con lên! Tao đèo đi bác sĩ tư cho nhanh!
Chị Loan vứt tạch cái quạt xuống giường, vơ mái tóc xõa ra sau, gay gắt. Hằng hiểu, chị là người xót xa nhất cho tình cảnh của Hằng lúc này. Hơn nữa, chị còn đang rất cay uất, chị mang cảm giác một người bị mắc lừa.
*
Con bé Tý Ty sốt xình xịch ba ngày nữa. Nó bị viêm phổi nặng và sưng amiđan. May, nhờ thuốc tiêm và thuốc uống đặc hiệu, bốn hôm sau cơn sốt lui, mặt mũi nó tươi tỉnh dần.
Bế nó trên tay, thấy nó gầy tọp, lọt thỏm, nhẹ bẫng mà không cầm nổi nước mắt. Khổ, mới chỉ là một sinh linh yếu ớt, còn đang u ơ chưa biết gì mà đã là nạn nhân của bao tật bệnh, của thói tắc trách, vô tâm vô tình của người đời. Nhìn con bé mà xót quá, mà thương quá! Thương mẹ nghèo, vất vả hay sao mà ngày mẹ đi làm, đặt nằm trên cái ghế cạnh nơi mẹ bán hàng, chẳng bao giờ dám quấy khóc, chỉ lặng lẽ chơi một mình với mấy quả bóng nhựa xanh đỏ treo bung biêng ở trước mặt. Còn bây giờ, suốt mấy ngày ốm đau, mệt nhọc lắm mới ọ ẹ vài tiếng, và đã biết thế nào là đau khổ và hạnh phúc mà cứ hơi tinh tỉnh lại ho hó cái miệng hóng chuyện và thi thoảng lại rủm rỉm một nụ cười hoa! Ôi, nụ cười hoa, nụ cười duyên, cái nét riêng cao sang, cái nét quyến rũ của bên ngoại, của mẹ Hằng, của bác Loan. Mẹ Hằng, bác Loan, một vùng hoa nở lồng lộng, tốt tươi. Nhìn con bé cười mà thấy tội nghiệp quá! Có ai hiểu cho hoàn cảnh sống của mẹ nó hiện thời?
- Ờ ờ… bây giờ Tý Ty tu ti mẹ Hằng, rồi con uống nốt một viên thuốc nữa nhé. Thuốc ngọt chứ không đắng đâu, con à. Ừ, rồi con uống thuốc, rồi con ngủ khì. Ngủ khì dậy con ăn một bát bột nữa là con khỏi hẳn, là bác bế con đi chơi nhé!
Trao con bé cho Hằng, chị Loan xoa mặt, kẹp lại tóc, rồi ngồi xuống mép giường cạnh Hằng, giọng đã có phần thảnh thơi:
- Hằng này, bây giờ mày nghe chị hỏi đây. Cái xe máy Suzuki anh chị cho đâu rồi mà sao hồi này đi làm toàn thấy mày đi xe ôm?
- Dạ…
- Mày cứ nói thật để anh chị biết.
- Dạ, cái xe máy… ngay hôm đầu về, ông Chì bố anh Dưng nói là cho ông ấy mượn đi Nam Định, rồi ông ấy cứ giữ lấy đi ạ. Cả cái điện thoại di động nữa cũng thế.
- Khốn nạn thân mày chưa! Thế còn cái sổ tiết kiệm năm chục triệu tao cho để phòng thân khi cơ nhỡ, có nghe tao dặn là phải thật bí mật, không cho ai biết, kể cả thằng chồng mày nó có dỗ ngon dỗ ngọt, nó có cậy răng mày, mày cũng phải im, có còn không hay là…
- Dạ…
- Sao? Mẹ nó hỏi vay mày chứ gì! Trời ơi là trời! Đúng là quân bòn nơi khố rách, quân chuyên nghề bóp nặn dân lành. Mà mày ăn gì vào mồm mà ngu thế hả, Hằng!
Hằng đổi bên vú cho con bé Tý Ty. Chị Loan đứng dậy, chống tay lên sườn, răng nghiến kèn kẹt, rền rĩ và lồng lộn. Chị đau uất lắm. Chị bảo chị đã nhầm. Chị bảo cả đời chị, đây là lần duy nhất chị đánh giá sai con người, chị bị nó cho ăn quả lừa quá to. Bây giờ chị mới nhớ ra thì đã muộn, chứ chị đã ngờ ngợ từ lần tiếp xúc đầu tiên rồi, tử tế gì cái loại người ấy! Con vợ thì ỏn ẻn, điệu đàng học làm sang, nhưng da mặt sát xương, gò má cao như hai quả núi, rõ quân ăn người, quân phản phúc. Còn thằng chồng thì dái tai nhòm quai hàm, đích thị loại bất nhân, giấu gươm ở đầu lưỡi!
(Số sau đăng hết)