Thêm một "phao cứu sinh" cho doanh nghiệp

- Thứ Tư, 27/10/2021, 05:58 - Chia sẻ

Sau Nghị quyết 30 cho phép Chính phủ chủ động trong phòng, chống dịch; Nghị quyết về trích Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp nhằm hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa mới ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp (miễn, giảm thuế) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Nhiều chính sách hỗ trợ tài chính, thuế cho doanh nghiệp đã được triển khai
Nguồn: ITN

Hơn 32.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động

Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, 9 tháng năm 2021, có hơn 45.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng gần 17%. Hơn 32.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng hơn 17%; gần 13.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng gần 6%. Bình quân một tháng, có 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Ông Trần Ngọc Mạnh, Giám đốc Công ty ManMo Việt Nam chia sẻ, “ManMo là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lưu trú, du lịch. Doanh thu của chúng tôi phát sinh từ việc nguồn doanh thu của đối tác khi có khách đặt phòng thì người ta chiết khấu. Nhưng khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát làm cho cả ngành du lịch gần như nằm im, không có ai đi lại đồng nghĩa với việc không có người đặt phòng từ đó nguồn doanh thu của chúng tôi sụt giảm một cách rõ rệt, có thời điểm hoàn toàn không có”.

Cũng trong tình trạng như trên, bà Nguyễn Thị Diệu Quyên, Phó Giám đốc Công ty TNHH TM và Thiết bị bảo hộ lao động Tùng Phong  cho biết, không chỉ ngành du lịch, những ngành khác, nếu không bị tác động trực tiếp, ít nhiều cũng bị hạn chế trong các khâu thu mua nguyên vật liệu đầu vào, đầu ra của sản phẩm. Điều đó dẫn tới việc doanh thu sụt giảm trong khi chi phí lại gia tăng khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị phá sản.

Trong bối cảnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Nghị quyết đã lựa chọn các đối tượng, lĩnh vực hỗ trợ rất kỹ lưỡng, có trọng tâm, trọng điểm để mang lại hiệu quả cao nhất.

Cụ thể, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019 chính là để bảo đảm những doanh nghiệp có doanh thu thấp hoặc giảm. Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý III; quý IV.2021 đối với hộ, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia pháp luật, việc quy định cụ thể các đối tượng thụ hưởng, mức thụ hưởng sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai nhanh chóng hiệu quả, vừa giúp các hộ cá nhân có thêm nguồn lực tái sản xuất, kinh doanh.

Từ đầu năm 2021 đến nay, số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân là khoảng 138.000 tỷ đồng. Trong đó, gói gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành khoảng 118.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ giảm, miễn tiền nộp thuế cho doanh nghiệp ước tính khoảng 20.000 tỷ đồng.

Cần thiết và đúng thời điểm

Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Giám đốc điều hành Công ty Eazy Marketing  chia sẻ: “Tôi đánh giá những chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp là vô cùng kịp thời, đúng đắn. Bởi, đúng thời điểm cấp thiết nhất, chính sách hỗ trợ thuế giống như một phao cứu sinh để các doanh nghiệp chúng tôi xoay xở được dòng tiền và xử lý trước mắt những vấn đề tồn kho công nợ khách hàng giúp doanh nghiệp có nguồn tài chính để có thể tồn tại đến bây giờ”.

Ông Trần Ngọc Mạnh, Giám đốc Công ty ManMo Việt Nam cho biết thêm, mặc dù ngân sách nhà nước rất khó khăn nhưng Chính phủ vẫn luôn đồng hành với doanh nghiệp, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Đây được xem là chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, tạo hiệu quả tốt nhất.

Có thế thấy, chính sách miễn, giảm thuế đã thiết kế để giãn cách thời hạn thanh toán, không để dồn tất cả vào một vài tháng cố định. Điều này giúp doanh nghiệp có thể tiết kiệm một khoản tiền không nhỏ, trang trải cho những khó khăn trước mắt. Như vậy doanh nghiệp được giảm hẳn một phần gánh nặng về tài chính, để dành tiền duy trì sản xuất kinh doanh, trả lương, mặt bằng và các chi phí cần thiết mà không phải đi vay, không phải trả lãi vay, đặc biệt không phải hoàn trả lại ngân sách nhà nước.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách hỗ trợ thuế ra đời đúng thời điểm các doanh nghiệp đang phải gồng mình với nhiều khoản chi phí, khó khăn chồng chất. Áp lực tài chính có thể làm các doanh nghiệp suy sụp. Các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của Nhà nước đối với doanh nghiệp, tạo động lực để doanh nghiệp trụ vững trong đợt dịch và phục hồi sản xuất khi dịch bệnh đi qua.

B. Anh - Ng.Ngân