Nhịp cầu

Thêm hiểu, thêm yêu ví, giặm

- Thứ Hai, 25/01/2021, 06:34 - Chia sẻ

Trên địa bàn huyện Can Lộc, Hà Tĩnh hiện có 88 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, trong đó có 18 di tích cấp Quốc gia, 70 di tích cấp tỉnh, có 2 di sản "Mộc bản Trường học Phúc Giang" và "Hoàng hoa sứ trình đồ" được UNESCO công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Can Lộc là cái nôi của Hát ví Phường Vải Trường Lưu, cội nguồn của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Toàn huyện hiện có 10/18 xã, thị trấn có Câu lạc bộ (CLB) dân ca ví, giặm, 197/197 thôn, tổ dân phố có thành lập CLB văn nghệ kiêm dân ca ví, giặm, 25 CLB dân ca ví, giặm ở trường học. Nhìn chung, các CLB hoạt động có hiệu quả, góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Trên cơ sở các chính sách hỗ trợ kinh phí bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa tại Nghị quyết số 93/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, ca trù, "Truyện Kiều", "Mộc bản trường học Phúc Giang" và "Hoàng hoa sứ trình đồ" giai đoạn 2018 - 2025 và những năm tiếp theo, tổng kinh phí bố trí từ ngân sách tỉnh là gần 1 tỷ đồng chi cho công tác phục dựng, quảng bá, số hóa di sản văn hóa "Mộc bản Trường học Phúc Giang", "Hoàng hoa sứ trình đồ" và hỗ trợ kinh phí thành lập mới, kinh phí duy trì hoạt động các CLB dân ca ví, giặm.

Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ kinh phí hàng năm từ ngân sách huyện, xã và nguồn xã hội hóa đã góp phần duy trì, bảo tồn các di sản văn hóa, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư và thế hệ trẻ trong trường học về tình yêu với các làn điệu dân ca ví, giặm. Hàng năm, Ban Chủ nhiệm CLB dân ca ví, giặm đã được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng; tham gia các cuộc liên hoan tại huyện và 26 đợt công diễn tại các địa phương.

Qua khảo sát thực tế mới đây, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hà Tĩnh nhận thấy cơ bản các địa phương đã thực hiện nghiêm túc các quy định và hướng dẫn của Nghị quyết 93. Tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể. "Mộc bản trường học Phúc Giang", "Hoàng hoa sứ trình đồ" hiện tại chưa có nhà trưng bày, bảo quản. Đáng lưu ý, thành viên tham gia CLB dân ca ví, giặm đa số chỉ mới có lòng nhiệt tình mà chưa am hiểu nhiều về dân ca, chưa biết nhiều các làn điệu, chưa chú trọng các bản dân ca lời cổ...

Thực tế trên đặt ra yêu cầu huyện Can Lộc cần đẩy mạnh tuyên truyền để khơi dậy nhận thức của giới trẻ về hát ví phường vải, ca trù; tiếp tục phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đào tạo, tập huấn thành viên CLB nhằm nâng cao hiểu biết về các làn điệu dân ca ví, giặm. Ngoài ra, huyện cần quan tâm thành lập các CLB ca trù, trò kiều. Đặc biệt, chú trọng bảo tồn 2 di sản "Mộc bản Trường học Phúc Giang" và "Hoàng hoa sứ trình đồ"; sớm hoàn thiện đề án quy hoạch Làng văn hóa du lịch Trường Lưu, Trung tâm di sản văn hóa Trường Lưu…

THÀNH LÊ