Thêm gánh nặng về thủ tục?

- Thứ Sáu, 17/09/2021, 06:53 - Chia sẻ
Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động in và Nghị định số 25/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 60/2014/NĐ-CP (Dự thảo). Trong đó, sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của cơ sở in đang nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, phát triển ngành in, đồng thời bảo đảm có cơ chế, biện pháp quản lý phù hợp với tình hình mới là mục tiêu hướng tới trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định số 60/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động in và Nghị định số 25/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 60/2014/NĐ-CP. Theo đó, Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung quy định trách nhiệm của cơ sở in, nâng cao trách nhiệm trong quá trình làm việc.

Cụ thể, Điểm d, Khoản 3, Điều 2 Dự thảo quy định: Cơ sở in có trách nhiệm “Lập sổ ghi chép, quản lý ấn phẩm nhận chế bản, in, gia công sau in theo mẫu quy định bằng 1 trong 2 hình thức là bản giấy hoặc bản điện tử và phải ghi đầy đủ thông tin của ấn phẩm nhận in vào sổ.”

Có thể thấy, so với quy định hiện hành, trách nhiệm của Cơ sở in tại Dự thảo đã được quy định chi tiết, rõ ràng hơn và được kỳ vọng là sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình áp dụng sau này. Theo đó, với quy định này sẽ giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền dễ dàng quản lý và bảo đảm quyền lợi cho người đọc. Vậy nhưng, theo đánh giá của các chuyên gia pháp lý việc sửa đổi, bổ sung này vẫn chưa giải quyết triệt để, vẫn sẽ tạo gánh nặng về mặt thủ tục, gây vướng mắc cho doanh nghiệp.

Theo phản ánh của doanh nghiệp, việc yêu cầu các doanh nghiệp phải có sổ ghi chép đầy đủ thông tin về ấn phẩm in là chưa phù hợp, tạo gánh nặng về chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Bởi lẽ, đây thuộc về hoạt động quản lý nội bộ của doanh nghiệp, nên để doanh nghiệp tự quyết về vấn đề này. Hơn nữa, trong các lĩnh vực khác, kể cả trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phần lớn các quy định đều không yêu cầu các doanh nghiệp phải lập sổ ghi chép các hoạt động kinh doanh của mình theo mẫu do cơ quan nhà nước ban hành.

Hơn nữa, nếu việc lập sổ ghi chép nhằm hướng đến phục vụ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp sau này (dựa vào thông tin của sổ ghi chép để yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các tài liệu liên quan đến từng vụ việc cụ thể) thì yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp phải có sổ ghi chép và “phải ghi đầy đủ thông tin của ấn phẩm nhận chế bản, in, gia công sau in vào sổ” là chưa phù hợp.
Thực tế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn toàn có thể yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các hoạt động/giao dịch về nhận chế bản, in, gia công trong một khoảng thời gian và doanh nghiệp phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin này. Chính vì lẽ đó, đại diện nhiều doanh nghiệp đánh giá "quy định này chưa phù hợp với thực tiễn, gia tăng chi phí tuân thủ pháp luật".

Nguyễn Ngân