Cải cách hộ khẩu ở Trung Quốc

Thêm động lực “nhờ” Covid-19

- Thứ Tư, 21/10/2020, 05:13 - Chia sẻ
Sau hơn 40 năm cải cách, hukou hay hệ thống đăng ký hộ khẩu, vốn được coi là di sản của nền kinh tế kế hoạch của Trung Quốc, vẫn tồn tại nhiều bất cập, ngăn cản việc phân bổ hiệu quả các yếu tố sản xuất cũng như khả năng tiếp cận bình đẳng của người dân với dịch vụ công cơ bản. Trong bối cảnh đất nước Gấu trúc cần phải phục hồi từ đại dịch Covid-19, vấn đề cải cách hộ khẩu càng trở nên cấp thiết và có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Theo East Asia Forum, GS. Cai Fang - Phó Chủ tịch Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết, sau khi Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 được ban hành năm 2016, chính quyền trung ương Trung Quốc đã công bố nhiều cải cách nhằm hợp pháp hóa tình trạng cư trú của người di cư tại các khu vực đô thị. Chính phủ đưa ra các mục tiêu cụ thể, bao gồm tăng tỷ lệ dân số đăng ký hộ khẩu thành thị, cấp hộ khẩu thành thị cho 100 triệu người di cư từ nông thôn ra thành thị trong giai đoạn 2014 - 2020 và xóa bỏ hạn chế đăng ký hộ khẩu ở các thành phố có dân số 3 triệu người trở xuống.

Nguồn: chinadaily.com.cn

Thực tế, một số tiến bộ đã thực hiện được trên các mặt trận này. Trước hết, người sở hữu hộ khẩu nông thôn hiện không gặp phải rào cản nào trong việc di chuyển, kiếm việc làm hoặc cư trú lâu dài tại khu vực thành thị. Thứ hai, khoảng cách trong khả năng tiếp cận các dịch vụ công giữa người nhập cư và người dân địa phương tại các thành phố đã được thu hẹp, do quyền được hưởng các dịch vụ trên có xu hướng gắn nhiều hơn vào giấy phép cư trú, vốn dễ xin hơn nhập hộ khẩu. Thứ ba, một phần lao động nhập cư giờ đã có thể xin nhập khẩu thành công ở đô thị nhờ đáp ứng tiêu chí mà các thành phố tự quản đặt ra.

Tuy nhiên, quá trình cải cách không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Năm 2019, tỷ lệ đô thị hóa, hay tỷ lệ cư dân thành thị thường trú đã sống ở các thành phố từ 6 tháng trở lên, là 60,6%. Tổng số lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, hoặc những người rời quê hương và sống ở các thành phố từ 6 tháng trở lên là 135 triệu người.

Mặc dù lao động nhập cư được đưa vào số liệu thống kê mới về đô thị hóa, nhưng họ vẫn chưa được tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ công ở đô thị và bị đối xử khác biệt trên thị trường lao động ở đây vì không có hộ khẩu. Chỉ 44,4% dân số Trung Quốc có hộ khẩu thành phố. Khoảng 16% dân số là người di cư từ nông thôn ra sống (và làm việc) ở các thành phố nhưng không có hộ khẩu đô thị và không được hưởng các dịch vụ công như người dân địa phương.

Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, việc bãi bỏ hệ thống hộ khẩu có thể mang lại lợi ích cho người dân và nền kinh tế Trung Quốc nói chung. Từ phía nguồn cung, các học giả ước tính cải cách sẽ giúp gia tăng đáng kể tốc độ tăng trưởng tiềm năng của quốc gia nhờ tăng nguồn cung lao động tại khu vực thành thị cũng như cải thiện hiệu quả phân bổ nguồn lực. Từ phía cầu, một cuộc khảo sát về lao động thành thị chỉ ra rằng, việc kết hợp lao động nhập cư vào các chương trình an sinh xã hội, giúp làm giảm hợp lý các khoản tiền tiết kiệm phòng thân, có thể làm tăng chi tiêu tiêu dùng của họ lên tới 27% ngay cả khi không tăng thu nhập. Từ góc độ phát triển và xã hội, việc cung cấp bình đẳng giáo dục bắt buộc, trợ cấp nhà ở và các dịch vụ công cộng khác sẽ nâng cao phúc lợi tổng thể cho người dân đất nước Vạn Lý Trường Thành.

Trong khi chính quyền cấp tỉnh và thành phố sẽ phải chịu phần lớn chi phí trợ cấp của các chương trình an sinh xã hội và dịch vụ công khác cho người dân có hộ khẩu đô thị, họ sẽ không nhận được tất cả cổ tức từ cải cách hộ khẩu. Không chỉ vấn đề thiếu tương thích của nhiều chính quyền địa phương khi thực hiện cải cách, sự thiếu hụt nguồn thu tài khóa cũng khiến việc cung cấp các dịch vụ công cho tất cả cư dân đô thị mới không khả thi. Trong khi đó, chính phủ trung ương, vốn bị hạn chế bởi trách nhiệm chi tiêu và khả năng tài khóa, đã không cung cấp đủ hỗ trợ tài chính cho cải cách.

Vì vậy, một số chuyên gia cho rằng, có hai phương trình cho chi phí và lợi ích của cải cách hộ khẩu: Một phương trình liên quan đến chính quyền trung ương và phương trình khác liên quan đến chính quyền địa phương. Theo logic của thay đổi thể chế, nếu dự kiến được sự gia tăng đáng kể lợi ích ròng của cải cách, thì tính chính đáng của cải cách đó có xu hướng tăng lên.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến đời sống xã hội và kinh tế của quốc gia, dường như chính quyền trung ương và địa phương Trung Quốc sẽ càng phải sẵn sàng chịu trách nhiệm thực hiện cải cách hộ khẩu hơn trước. Đại dịch đã làm tăng cả lợi ích của việc thực hiện cải cách hộ khẩu cũng như cái giá phải trả nếu trì hoãn cải cách, đặc biệt khi nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi.

Những khó khăn đặt ra đối với người di cư từ nông thôn khi trở lại thành thị làm việc không chỉ làm giảm thu nhập của họ mà còn cản trở sự phục hồi hoàn toàn của nền kinh tế quốc gia. Điều này cho thấy ngoại cảnh tiêu cực của hệ thống hộ khẩu do sự tách biệt nơi làm việc khỏi nơi cư trú hợp pháp. Tác động kinh tế của đại dịch Covid-19 liên quan đến cả cú sốc cung và cầu. Vì vậy, việc tái khởi động khả năng tiêu dùng của người dân, thay vì kích thích đầu tư thông thường, sẽ có lợi cho phục hồi tăng trưởng. Và trong bối cảnh đó, cải cách hộ khẩu giữ vai trò đặc biệt quan trọng.

Linh Anh