Thêm công cụ phòng, chống tham nhũng

- Thứ Năm, 11/03/2021, 05:06 - Chia sẻ
Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, đang được Thanh tra Chính phủ hoàn thiện, dự kiến tháng 9.2021 trình Thủ tướng. Cơ sở dữ liệu này được kỳ vọng là công cụ hữu hiệu để giải quyết những vấn đề vướng mắc trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Thanh tra Chính phủ vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri liên quan việc tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ tham nhũng, tiêu cực.

Trả lời kiến nghị của cử tri, Thanh tra Chính phủ khẳng định, thời gian qua với nỗ lực của hệ thống chính trị và tổ chức, cá nhân công tác phòng, chống tham nhũng đã có những kết quả đáng khích lệ. Theo đó, các biện pháp phòng ngừa đã làm giảm thiểu nguy cơ phát sinh các vụ việc tham nhũng; công tác phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vụ tham nhũng, đặc biệt là các vụ án tham nhũng lớn và những người có hành vi tham nhũng giữ chức vụ cao trong bộ máy nhà nước được quan tâm, chỉ đạo sát sao; quyết tâm thu hồi triệt để tài sản tham nhũng…

Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều nguy cơ tiêu cực, tham nhũng như: Các dự án đầu tư lớn, quản lý và sử dụng đất đai, cổ phần hóa, mua bán tài sản công... Đồng thời, hệ thống thanh tra đã tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán xử lý nghiêm những vấn đề tồn đọng kéo dài gây bức xúc mà cán bộ, đảng viên, Nhân dân quan tâm. Trong nhiệm kỳ vừa qua, qua thanh tra, kiểm toán đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính trên 135.800 tỷ và gần 900ha đất; kiến nghị xử lý hành chính gần 2.000 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển Cơ quan Điều tra xử lý 98 vụ việc, 121 đối tượng; tập trung thanh tra, kiểm toán các dự án thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Cùng với việc phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, các cơ quan chức năng đã chú trọng xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của đối tượng phạm tội tham nhũng ngay từ giai đoạn điều tra, không để tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng. Khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho Nhà nước.

Tuy nhiên, trong trả lời kiến nghị của cử tri, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ: Việc thu hồi tài sản tham nhũng vẫn là một trong những hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng của nước ta hiện nay. Theo đó, việc thu hồi tài sản còn chậm, tỷ lệ thấp so với số tài sản bị thất thoát. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là số tiền phải thu hồi rất lớn nhưng người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm giá trị thấp; thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc dài, tài sản đã bị tẩu tán, che giấu…; một số vụ án vẫn xảy ra tình trường hợp đối tượng bỏ trốn, việc tương trợ tư pháp hình sự còn gặp nhiều khó khăn.

Hiện, Thanh tra Chính phủ đang hoàn thiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Việc sớm xây dựng Cơ sở dữ liệu này được hi vọng là chìa khóa tháo gỡ vướng mắc trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên để tháo gỡ những vướng mắc trong công tác thanh tra nói chung và thu hồi tài sản thất thoát nói chung cần phải có các giải pháp khác hỗ trợ như xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc kê khai tài sản, thu nhập; đặc biệt là có cơ chế đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt, hạn chế dùng tiền mặt trong việc giao dịch, mua bán các tài sản có giá trị lớn để thuận lợi trong việc kiểm soát thu nhập cũng như truy tìm tài sản đã bị tẩu tán. 

Phạm Hải