"Thế trận lòng dân" trong chống dịch

- Thứ Ba, 18/05/2021, 07:45 - Chia sẻ

Cả hệ thống phải trong tình trạng “trực chiến”, khi phát hiện ca chỉ điểm là “ra quân” nhanh nhất, khoanh vùng ngay lập tức. Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp mới đây của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19. Để thực hiện được yêu cầu đó, cùng với việc kiện toàn và tái kích hoạt tổ giám sát Covid-19 cộng đồng; cần phải tăng cường phối hợp chia sẻ dữ liệu, truy vết bằng công nghệ thông tin... Việc tạo dựng “lá chắn thép” với nhiều sáng kiến hiệu quả là mục tiêu quan trọng, cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Thế nhưng, thành trì đó có vững chãi hay không, còn cần sự đồng tâm, hiệp lực từ cộng đồng.

Mô hình "3 lớp" là cách mà huyện Đông Anh, Hà Nội (địa bàn có số ca mắc đầu tiên và có nhiều ca bệnh trong đợt dịch lần này) kiểm soát tình hình, thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”. Với nguyên tắc lớp 1 là siết chặt cách ly những gia đình F1, toàn bộ F2, người đi đến ở vùng dịch và phân công lực lượng thường trực 24/24 giờ; lớp 2 là lập chốt kiểm soát sinh hoạt nội bộ tại các ngõ, xóm; lớp 3 là khoanh vùng vòng ngoài đối với tất cả các thôn, làng, tổ dân phố với 1.611 chốt; mô hình “3 lớp” đã được Bí thư Hà Nội dành nhiều lời khen ngợi và yêu cầu nhân rộng. Thực tế, để thực hiện được mô hình này, huyện Đông Anh phải huy động trên 11.000 tình nguyện viên và các lực lượng liên ngành tham gia bảo vệ ở các chốt để bảo đảm kiểm soát y tế.

Còn nhớ cách đây chưa lâu, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành tài liệu hướng dẫn về giải pháp công nghệ phòng, chống dịch Covid-19, gồm ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone, khai báo y tế cho người nhập cảnh qua ứng dụng VHD, ứng dụng quản lý tờ khai y tế tự nguyện NCOVI, hệ thống ghi nhận việc đến/đi tại các địa điểm công cộng (QR Code) và hệ thống bản đồ chống dịch - An toàn Covid-19. Bộ giải pháp được xây dựng dựa trên phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, giúp phục vụ hiệu quả công tác truy vết, khoanh vùng phạm vi lây lan của dịch, mà không cần phải cách ly xã hội diện rộng, giảm gánh nặng lên phát triển kinh tế. Thế nhưng, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ rõ, để bộ giải pháp hoạt động hiệu quả, cần có sự chung tay của tất cả thành phần trong xã hội. Các giải pháp công nghệ tự thân không thể giúp phòng, chống dịch nếu không có sự tự giác của mỗi người dân và sự vào cuộc chủ động, mạnh mẽ của các cấp chính quyền địa phương. 

Minh chứng rõ nét là tại Đà Nẵng - địa phương đứng thứ 4 cả nước (sau Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang) về số ca nhiễm, cùng với việc huy động tổng lực để truy vết, lấy mẫu xét nghiệm ngay trong đêm; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ là cách để Đà Nẵng đương đầu với đợt dịch Covid-19 lần này. Mỗi ngày tại thành phố có gần 1.000 lượt tải ứng dụng Bluezone, tổng số lượt khai báo y tế online là 652.022 lượt và hơn 225.566 lượt quét QR Code... Tính đến ngày 15.5, theo thống kê của Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng cài đặt ứng dụng Bluezone trên địa bàn TP. Đà Nẵng gần 500.000 lượt (hơn 43,44% dân số cài đặt, cao nhất cả nước). Nhờ đó, chỉ trong hơn 10 ngày, Đà Nẵng đã truy vết, ghi nhận được hàng trăm ca mắc Covid-19, khoanh vùng được 3 điểm có nguy cơ lây lan nhanh trong cộng đồng… 

Từ yêu cầu cấp thiết về phòng ngừa, truy vết, theo dõi, cách ly, trong đợt dịch lần này, những tổ giám sát Covid-19 cộng đồng đã được tái kích hoạt và thành lập mới ở nhiều địa phương. Với hàng chục nghìn tổ giám sát Covid-19 cộng đồng hoạt động tích cực tại mỗi tỉnh, thành phố, lãnh đạo Bộ Y tế không ít lần khẳng định, họ là những cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch tỉnh, thành. Bởi, sự vào cuộc “thần tốc” của tổ giám sát, sẽ phát hiện ra nhiều trường hợp đi từ vùng dịch mà không khai báo và nhiều đối tượng nghi ngờ khác; thành viên đều nằm trong các tổ chức đoàn thể tại các khu dân cư nên việc xác minh các đối tượng lạ liên quan đến dịch bệnh sẽ rất nhanh chóng và hiệu quả.

Suy cho cùng, tất cả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng đều được triển khai ở nơi dân và dựa vào Nhân dân để thực hiện, tạo nên "thế trận lòng dân" trong chống dịch. Đây chính là điểm khác biệt trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, góp phần tạo dựng niềm tin, giúp kiểm soát tốt nhất đại dịch. 

Đỗ Quyên