Thấy mình còn nợ cử tri…

- Thứ Hai, 14/03/2016, 11:03 - Chia sẻ
(ĐBNDO)- Gần hai nhiệm kỳ gắn bó với QH, ông cảm thấy hài lòng và tự tin với những đóng góp của mình về chuyên môn thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Song, ĐBQH Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) vẫn cảm thấy mình còn nợ cử tri khi những vấn đề cử tri phản ánh, gửi gắm rất cụ thể, rất bức xúc dân sinh như: xử lý rác thải, an toàn thực phẩm… lại chưa được giải quyết rốt ráo, quyết liệt như kỳ vọng.

>> Muốn khởi nghiệp, cần hiểu thị trường

>> Củng cố niềm tin

Hành lang pháp lý đã “mở” cho kinh tế

Khi được hỏi, ông ấn tượng nhất điều gì ở nhiệm kỳ QH Khóa XIII, ĐBQH Cao Sỹ Kiêm cho biết, đó là công tác lập pháp. Với ông, đây là một nhiệm kỳ thành công của QH ở chức năng lập pháp, khi mà QH đã xây dựng được số lượng lớn các văn bản luật, đặc biệt là việc thông qua Hiến pháp năm 2013. Trên cơ sở đó, đã tạo hành lang pháp lý vững chắc để thúc đẩy đất nước phát triển trong đó có lĩnh vực kinh tế.

Đặc biệt, ông cho rằng, Hiến pháp 2013 có nhiều điểm mới làm sâu sắc thêm quyền con người, quyền công dân, quyền kinh doanh… phù hợp với thông lệ quốc tế, khắc phục những khó khăn nội tại và mở ra hướng mới trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập.

Ông cũng khẳng định, khi bước vào kinh tế thị trường, muốn phát huy được năng lực xã hội thì phải phát triển kinh tế tư nhân. Kinh tế tư nhân đã được quan tâm và tạo được thế bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Hiến pháp khẳng định rõ: nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.

ĐBQH Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) Ảnh:duthaoonline.quochoi.vn

Lần đầu tiên trong Hiến pháp ghi nhận vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân một cách tương xứng với sự đóng góp to lớn của đội ngũ này đối với sự phát triển của nền kinh tế, nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước.

Trên cơ sở Hiến pháp mới, hàng loạt các đạo luật cũng được sửa đổi, bổ sung để tạo cơ chế “mở” cho nền kinh tế. Trong đó, có Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh động sản… Các luật đã những thay đổi nhất định để góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, trong đó có việc quy định bảo đảm quyền tự do kinh doanh. Luật Đầu tư đã xác định khá rõ, người dân được đầu tư trong các lĩnh vực mà nhà nước không cấm. Tuy nhiên, Luật cũng quy định chặt chẽ đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện để vừa bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân, đồng thời bảo đảm hành lang pháp lý an toàn trong lĩnh vực kinh doanh.

Từ góc nhìn lập pháp, ông cũng thẳng thắn nhìn nhận, tình trạng luật khung, luật ống vẫn còn, điều này gây khó khăn cho quá trình thực thi. Ông nêu ra dẫn chứng như Luật Đầu tư mặc dù đã được ban hành hơn một năm nay nhưng cho đến tận gần đây, luật này mới được triển khai. Việc triển khai các quy định đôi khi còn có điểm “vênh”; triển khai hướng dẫn còn gặp khó khăn, do thiếu sự phối hợp và triển khai chưa đồng bộ giữa các bên liên quan.

Do vậy, để khắc phục tình trạng này, ông đưa ra kiến nghị, trong quá trình xây dựng Luật phải sát thực tiễn, bảo đảm dễ triển khai trên thực tế. Vì theo ông, nếu luật để quá nhiều văn bản hướng dẫn sẽ làm giảm hiệu lực, hiệu quả của luật.

Đôi khi cảm thấy xấu hổ trước cử tri

Là người đã từng ở vị trí của cơ quan hành pháp, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước, rồi trải qua nhiều vị trí như Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia… ông cho rằng, ở những vị trí công tác đó đã cho ông những trải nghiệm quý báu, để rồi khi ở vào vị trí của đại biểu dân cử, ông thấy mình có nhiều thuận lợi khi nhìn nhận vấn đề kinh tế bao quát hơn. Điều đó, giúp ích rất nhiều cho ông trong việc thực hiện chức năng giám sát, trong các cuộc tiếp xúc cử tri hay trong các phát biểu đóng góp ý kiến của mình tại tổ hay ở các phiên thảo luận tại Nghị trường.

Ông vui vẻ cho biết, với những kiến thức về tài chính tiền tệ đã giúp ông rất nhiều trong việc đóng góp xây dựng các chính sách kinh tế. Trong khi xây dựng Luật Ngân sách, việc huy động ngân sách, chi tiêu ngân sách, bảo đảm thủ tục hoạt động tiền tệ... đó là sở trường của mình nên những đóng góp của ông vào dự luật này được Ban soạn thảo chỉnh sửa, tiếp thu.

Ở lĩnh vực chuyên môn ông chủ động và tự tin là vậy, nhưng khi được hỏi, với cử tri ông còn cảm thấy băn khoăn điều gì khi mà nhiệm kỳ QH Khóa XIII sắp kết thúc? Ông tâm sự, mình vẫn còn nợ cử tri khi những vấn đề cử tri phản ánh, gửi gắm như xử lý rác thải, an toàn thực phẩm… dù rất cụ thể, rất bức xúc dân sinh nhưng chỉ tiếc rằng, những phản ánh ấy, ông đã kiến nghị nhiều lần, đã đúng địa chỉ nhưng việc giải quyết lại chưa được quyết liệt, rốt ráo như kỳ vọng. Và điều đó, đôi khi làm ông cảm thấy “xấu hổ” trước cử tri của mình.

Tăng cường ĐBQH chuyên trách

Với gần hai khóa tham gia QH, ông hiểu rằng, hiệu quả hoạt động của QH phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng đại biểu. Theo ông, để nâng cao chất lượng đại biểu thì phải thận trọng ngay từ khâu chọn lựa ứng cử viên bảo đảm yêu cầu, cơ cấu, tiêu chuẩn chất lượng. Tất nhiên, ông cho rằng, đó chỉ là tiêu chuẩn “đầu vào”, còn khi trở thành đại biểu dân cử rồi, mỗi ĐBQH tạo được mối quan hệ gần gũi với cử tri để nắm bắt thường xuyên những thuận lợi hay khó khăn từ cơ sở, đây là điều hết sức cần thiết. Từ đó, đại biểu mới chắt lọc và đưa những phản ánh, kiến nghị, giải pháp vào trong nghị trường để QH “rộng đường” thảo luận và đưa ra quyết đáp thỏa đáng hợp lòng dân.

Cùng với đó, cần tăng cường ĐBQH chuyên trách để bảo đảm cho đại biểu toàn tâm, toàn ý cho hoạt động QH. Đồng thời, để hạn chế tình trạng ĐBQH phải “gánh hai vai” như thời gian vừa qua, ông đề xuất, khi bầu ĐBQH Khóa XIV tới phải hạn chế số lượng ĐBQH đang hoạt động trong cơ quan hành pháp. Có như vậy, hoạt động ở cả lĩnh vực lập pháp và hành pháp mới phát huy được sức mạnh, hiệu quả. 

Hà An