Thấy gì từ “rừng” app chống dịch?

- Thứ Ba, 17/08/2021, 09:22 - Chia sẻ
Việc có đến dăm, bảy ứng dụng (app) liên quan đến khai báo y tế và phòng chống dịch khiến người dân và lực lượng kiểm soát bối rối, lúng túng trong những ngày qua một lần nữa cho thấy việc ứng dụng công nghệ vào cuộc chiến chống dịch chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Thống kê sơ bộ có Bluezone, Ncovi, Sổ sức khỏe điện tử, tờ khai y tế (VHD) và mới đây là ứng dụng "Di biến động dân cư". Đó là chưa kể hệ thống khai báo riêng của một số địa phương, tổ chức, doanh nghiệp... Ví dụ, Thừa Thiên Huế có Hue-S, Đà Nẵng cũng có hệ thống khai báo riêng, TP. Hồ Chí Minh cũng có ứng dụng cho phép người dân khai báo y tế, đặt lịch tiêm chủng, đánh dấu điểm đến qua mã QR…

Mặc dù thông tin khai báo trên các ứng dụng khá giống nhau và đều cho phép khai báo y tế toàn dân nhưng mỗi ứng dụng lại có tính năng riêng. Chẳng hạn, Ncovi phục vụ việc khai báo sức khỏe hàng ngày, Bluezone giúp phát hiện tiếp xúc gần với người dương tính, Tờ khai y tế giúp khai báo y tế với người nhập cảnh, hay Sổ sức khỏe điện tử để đăng ký và quản lý tiêm chủng... Một số trường hợp các ứng dụng không sử dụng thay thế được nhau, ví dụ QR code địa điểm tạo trên hệ thống Ncovi thì không quét được bằng ứng dụng y tế của TP. Hồ Chí Minh và ngược lại. Cơ sở dữ liệu của các ứng dụng cũng không liên thông, gây bất tiện cho người dùng khi phải khai nhiều lần cho các ứng dụng. Ở chiều ngược lại, nhóm truy vết khi truy cập thông tin của ứng dụng Bluzone thì dữ liệu trong ứng dụng chỉ là mã số của điện thoại. Họ phải tìm thông tin tương ứng ở kho dữ liệu của Ncovi hay VHD để biết người đã tiếp xúc gần là ai, ở đâu. Quy trình này làm giảm tốc độ truy vết, nghĩa là hiệu quả ứng dụng công nghệ vào phòng, chống dịch chưa cao.

Chắc chắn rất nhiều người cảm thấy khó khăn trong việc phân biệt tính năng của từng ứng dụng và không hiểu tại sao để khai báo y tế và lịch trình di chuyển phải cần tới nhiều ứng dụng đến vậy? Số lượng ứng dụng có tỷ lệ thuận với hiệu quả sử dụng hay không? Tại sao không tạo ra chỉ một ứng dụng, hoặc liệu có thể gộp các ứng dụng này thành một “siêu ứng dụng” và sử dụng thống nhất trên cả nước để thuận tiện cho cả người dân lẫn lực lượng kiểm soát không? 

Việc gộp các ứng dụng này thành một siêu ứng dụng rất khó, bởi mỗi ứng dụng đang phục vụ một mục đích khác nhau. Giải pháp liên thông dữ liệu giữa các ứng dụng và cấp cho mỗi người dân một mã QR để quản lý (thay vì mỗi ứng dụng cho ra một mã QR khác nhau như hiện nay) khả thi và hiệu quả hơn nhiều. Khi đó, người dân sẽ chỉ cần cài một ứng dụng bất kỳ trong số các ứng dụng chống dịch, truy vết được khuyến nghị. Dựa trên các dữ liệu khai báo và đối chiếu với cơ sở dữ liệu quốc gia, ứng dụng đó sẽ tạo ra một mã QR. Mã này sẽ liên thông dữ liệu với tất cả các ứng dụng phòng chống dịch hiện nay như check in, khai báo y tế và xét nghiệm, tiêm chủng…

Trên thực tế, việc liên thông dữ liệu giữa các ứng dụng chống dịch đã bắt đầu được triển khai từ cuối tháng 5 và đang phát triển để phục vụ các phát sinh trong quá trình phòng chống dịch. Tuy nhiên, tiến độ đồng bộ, liên thông dữ liệu bị chậm do mỗi ứng dụng được dùng cho một lĩnh vực. Như vậy, người dân sẽ tiếp tục “sống chung” với các ứng dụng kể trên thêm một thời gian nữa.

Chiến lược chống dịch trong giai đoạn mới đã được Chính phủ, Thủ tướng xác định với 3 mũi tấn công gồm: Xét nghiệm chủ động, công nghệ bắt buộc và vaccine. Vì thế, cần đẩy nhanh tiến độ liên thông dữ liệu giữa các ứng dụng này để tạo thuận lợi cho người dân khi sử dụng và góp sức chống dịch thành công.

Hoàng An