Thay đổi tư duy

- Thứ Sáu, 18/06/2021, 08:41 - Chia sẻ
Việc bộ phim “Bố già” làm mưa làm gió tại các rạp cả trong và ngoài nước cho thấy, điện ảnh Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành ngành kiếm ra nhiều tiền, điều mà nhiều nước đã rất thành công. Điều quan trọng trước tiên là phải thay đổi tư duy.

Theo thống kê được Box Office Việt Nam - đơn vị khảo sát phòng vé độc lập - công bố, “Bố già” đã lập kỷ lục trở thành phim chiếu rạp có doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, với 400 tỷ đồng sau 1 tháng ra mắt, vượt qua mốc 5 triệu vé sau 23 ngày, đạt 100 tỷ đồng chỉ chưa đầy 4 ngày chiếu sớm. “Bố già” là phim Việt đầu tiên đạt mốc 200 tỷ đồng tại thị trường nội địa. (Trước đó, “Hai Phượng” của Ngô Thanh Vân là phim Việt ăn khách nhất mọi thời, từng đạt hơn 200 tỷ đồng tính cả chiếu quốc tế).

Sau khi thắng lớn tại thị trường trong nước, “Bố già” đã được chiếu tại Singapore, Malaysia, Australia, Mỹ. Liên tục cập nhật thông tin trên trang Facebook cá nhân, nghệ sĩ Trấn Thành - nhà sản xuất kiêm diễn viên trong “Bố già” cho biết, “Bố già” đã lọt vào top 10 phim ăn khách nhất tuần đầu ra mắt (28 - 30.5) tại Mỹ với doanh thu 350.000 USD (hơn 8 tỷ đồng). Trang Indiewire đánh giá “Bố già” là hiện tượng bất ngờ của phòng vé Mỹ khi đạt doanh thu ấn tượng dù quy mô chiếu hẹp (chỉ ở 20 rạp). Phim vẫn đang tiếp tục được chiếu tại các rạp trên nước Mỹ, thu hút không chỉ kiều bào người Việt tại Mỹ ủng hộ, mà cả đông đảo khán giả bản xứ theo dõi. Từ ngày 15.6, khán giả tại Việt Nam có thể xem “Bố già” trên app Galaxy Play…

"Bố già" lập một loạt kỷ lục doanh thu đối với phim Việt

Có lẽ trước đây chưa bao giờ chúng ra nghĩ một bộ phim Việt Nam có thể thu về chừng đó tiền. Thành công của “Bố già” trong bối cảnh đang tiến hành sửa đổi Luật Điện ảnh càng đòi hỏi phải có các quy định phù hợp để huy động mọi lực lượng, mọi nguồn vốn trong xã hội tham gia phát triển điện ảnh.

Năm 2016, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó công nghiệp điện ảnh được xác định là một ngành mũi nhọn. Vì thế, một trong những quan điểm mấu chốt của việc sửa đổi Luật Điện ảnh lần này là phải tạo hành lang pháp lý để đưa điện ảnh trở thành ngành công nghiệp thực sự.

Theo bà Phan Cẩm Tú, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Xúc tiến, Phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA), điện ảnh, như một ngành công nghiệp, cần được xây dựng và phát triển theo hướng trở thành một trong những hoạt động kinh tế thiết yếu của đất nước, là nguồn thu thuế, nơi tạo ra việc làm và phát triển du lịch. Tất nhiên, điện ảnh còn có tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển và quảng bá hình ảnh quốc gia. Nhận thức rõ ràng tầm quan trọng cả về kinh tế và văn hóa của lĩnh vực này sẽ giúp việc xây dựng chính sách hỗ trợ đi đúng hướng.

“Cũng như các ngành, lĩnh vực kinh doanh khác, công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam chỉ có thể phát triển lên tầm cao mới khi được hỗ trợ của Nhà nước. Các chính sách được xây dựng cho lĩnh vực này cần bảo đảm được sự cân bằng giữa nhu cầu của đơn vị làm phim với mối quan tâm của Chính phủ và xã hội. Các nhà hoạch định chính sách nên xem xét xây dựng các chính sách và quy định ‘thân thiện với điện ảnh’ nhằm khuyến khích đầu tư vào hoạt động sản xuất phim”, bà Phan Cẩm Tú kiến nghị.

Những định hướng và chính sách tốt cho ngành công nghiệp điện ảnh cần tập trung vào việc tạo dựng một môi trường phát triển với các thành tố được nhiều chuyên gia, người làm trong ngành đề xuất là: Các chương trình ưu đãi cho việc sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực điện ảnh được xây dựng một cách có kế hoạch và hệ thống; lực lượng lao động được đào tạo; cơ sở hạ tầng đầy đủ cho hoạt động làm phim; môi trường thân thiện cho việc làm phim; hệ thống quản lý hiện đại cho dịch vụ xem phim theo yêu cầu (VOD).

Việt Nam đang có cơ hội lớn để học tập kinh nghiệm của các nước có nền công nghiệp điện ảnh phát triển và xây dựng cho mình những chính sách pháp luật phù hợp có thể mang lại lợi ích kinh tế đáng kể và tác động lớn vào sự phát triển chung. Theo bà Phan Cẩm Tú, chúng ta luôn có lựa chọn tư duy một cách đơn giản và đặt câu hỏi về mỗi chính sách sẽ được ban hành theo hướng: Nếu quy định như vậy thì các nhà làm phim sẽ được hưởng lợi gì, từ đó mang lại lợi ích gì cho nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam?

Anh Minh