Thay đổi diện mạo giáo dục mầm non

- Thứ Hai, 23/11/2020, 18:30 - Chia sẻ
Tại Hội thảo tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Chuyên đề “Xây dựng trường Mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2016 - 2020” sáng 23.11, nhiều ý kiến khẳng định, Chuyên đề đã có kết quả tác động góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non, làm thay đổi diện mạo các cơ sở giáo dục mầm non.

Giúp trẻ phát triển nhiều kỹ năng

Ngày 25.1.2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch số 56/KH-BGDĐT về triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016 - 2020. Sau 5 năm triển khai thực hiện chuyên đề, đến năm học 2019-2020, toàn tỉnh Nghệ An đã triển khai đại trà tại 556 trường mầm non với hơn 7100 nhóm lớp và 12000 giáo viên tham gia.

Hoạt động trải nghiệm nấu ăn tại Trường Mầm non Ánh Sao (Cầu Giấy, Hà Nội)

Thấy rõ hiệu quả là sự thay đổi nhanh chóng về môi trường nhà trường theo hướng xanh, sạch, đẹp, thân thiện với trẻ. Giáo dục mầm non từ cấp học khó khăn nhất đã nhanh chóng vươn mình thành “cô gái đẹp”, cuốn hút trẻ tới trường và làm mê lòng bất cứ ai đến thăm trường. Trưởng phòng GDMN Nghệ An Trần Thế Sơn cho biết, đến trường mầm non hôm nay, dẫu ít bắt gặp những tòa nhà đồ sộ, hiện đại nhưng bù lại, được chăm chút chỉn chu nhờ công sức và tài hoa, sáng tạo của các cô giáo. Ở đó, mỗi ngôi trường được thiết kế khoa học để trẻ có nơi chơi, vận động, nơi trải nghiệm, góc thực hành để hình thành và phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm và kỹ năng xã hội, kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ cũng như năng lực thẩm mỹ ở trẻ.

Những đổi mới trong tổ chức các hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong thời gian qua đã giúp trẻ sớm hình thành các kỹ năng cần thiết như kỹ năng tự phục vụ, tự bảo vệ (nhận biết các nguy hiểm xung quanh mình từ đó, biết ứng phó với những tình huống có thể xẩy ra), kỹ năng giao tiếp xã hội như chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi, ... và quan trọng hơn cả là trẻ dần được hình thành thói quen tự lập trong một số tình huống cuộc sống xung quanh trẻ. Những thói quen, kỹ năng trên đã giúp trẻ có được hành trang cần thiết khi chuẩn bị bước vào lớp 1, giúp trẻ vượt qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý một cách nhẹ nhàng.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau 5 năm thực hiện chuyên đề lấy trẻ làm trung tâm, toàn quốc có 18.970/31.375 cơ sở Giáo dục mầm non triển khai thực hiện Chuyên đề. Trong đó, có 15.461/15.461 trường mầm non và có 3.509/15.914 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục triển khai thực hiện Chuyên đề. Một số địa phương còn khó khăn về cơ sở vật chất nhưng đã triển khai được tại hầu khắp các cơ sở giáo dục mầm non.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh ghi nhận: Trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm không chỉ thực hiện ở những nơi có điều kiện tốt mà cả ở những nơi vật chất còn thiếu thốn. Nếu biết dựa vào những lợi thế và khai thác đặc điểm riêng của địa phương, nhà trường thì việc triển khai thực hiện Chuyên đề vẫn rất hiệu quả. Nhiều địa phương đã làm tốt công tác xây dựng, nhân rộng mô hình điểm để chỉ đạo, bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên đề, chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện Chuyên đề cho các cơ sở giáo dục mầm non trong quận, huyện, cụm... Chuyên đề đã có kết quả tác động góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non, làm thay đổi diện mạo các cơ sở giáo dục mầm non.

Còn không ít khó khăn

“Lấy học sinh làm trung tâm”, đó là chiến lược và cũng là định hướng của hệ thống giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực người học, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Thực hiện giáo dục "lấy học sinh làm trung tâm” là hướng đi đúng của ngành giáo dục.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chuyền đề, các địa phương, các cơ sở giáo dục mầm non gặp không ít khó khăn. Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Bến tre cho biết,  khó khăn lớn nhất là nhiều cơ sở giáo dục mầm non có diện tích, khuôn viên chật hẹp không đủ không gian tổ chức cho trẻ hoạt động và vui chơi. Một số nơi có cơ sở vật chất được xây dựng đã lâu, xuống cấp, diện tích sinh hoạt bình quân trên trẻ chưa đảm bảo.

Cùng với đó, nguồn kinh phí đầu tư cho giáo dục mần non còn nhiều khó khăn nên việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và quy hoạch các khu vui chơi, hoạt động cho trẻ ở một số cơ sở chưa đáp ứng các yêu cầu trong tình hình mới. Đặc biệt, nhận thức của đội ngũ giáo viên về xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung chưa được đầy đủ về vai trò quan trọng, ý nghĩa của việc làm này.

Theo đó, đại diện Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cho rằng, để duy trì và giữ vững kết quả của việc thực hiện chuyên đề, trước hết là sự quan tâm của các cấp lãnh đạo. Sự phối hợp chặt chẽ của nhà trường và các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương để tạo nên một cơ sở giáo dục mầm non đoàn kết thống nhất và uy tín.

Khi thực hiện chuyên đề cần linh động tùy vào diện tích, quy mô của từng cơ sở giáo dục mầm non mà các đơn vị tìm ra những giải pháp hợp lý nhất có thể. Điều này phụ thuộc vào sự sáng tạo, tìm tòi của người đứng đầu nhà trường. Và trên hết, đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho trẻ. "Dù mô hình có hay, có hiệu quả, sáng tạo đến bao nhiêu, thì sự an toàn cho trẻ là điều quan trọng nhất", đại diện Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh nói.

Khải Minh