Thay đổi để thích ứng

- Thứ Năm, 30/12/2021, 05:48 - Chia sẻ
Cho dù dịp Tết Dương lịch năm nay có tới 3 ngày nghỉ và không lâu nữa là dịp Tết Nguyên đán với 9 ngày nhưng với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, điều cần thiết lúc này là người dân phải thay đổi, điều chỉnh thói quen để thích ứng. Xa hơn nữa cần phải coi đây là chiến lược lâu dài.

Còn nhớ cách đây gần 1 năm, Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, khi làn sóng dịch Covid-19 một lần nữa bùng phát, nhiều thói quen, phong tục, tập quán của người dân như đi chúc Tết, đi lễ chùa... đã phải gác lại, thể hiện ý thức tuân thủ nghiêm các khuyến cáo của các cơ quan chức năng là không tập trung đông người.

Đây có thể coi  là sự "hy sinh" rất lớn bởi những ngày Tết Nguyên đán luôn là dịp quan trọng nhất trong một năm để sum họp, đoàn viên giữa các thành viên trong gia đình, giữa người ở nhà với những người ở phương xa; là dịp để các thế hệ sau kết nối, tri ân, nhớ về tổ tiên, dòng tộc... nhưng do dịch diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều người, nhiều gia đình đã không thể trở về quê đón Tết như thường lệ. Là việc hàng nghìn y bác sĩ - những người ở tuyến đầu đã không và chưa biết đến bao giờ mới được trở về với gia đình, được đón một cái "Tết muộn".

Năm nay, nước ta thay đổi chiến lược từ “Zero Covid” sang sống chung an toàn nên việc số ca bệnh tăng là điều dễ hiểu. Nhiều trường hợp nhiễm nhưng không có triệu chứng nên rất khó để biết được người đối diện hoặc chính bản thân mình có mang mầm bệnh hay không. Bởi vậy, mới đây, Bộ Y tế đã đề nghị xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết như vui chơi, lễ hội... tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán.

Đề nghị này được đưa ra trong bối cảnh nhiều địa phương vẫn ghi nhận các ca mắc Covid-19 hàng ngày trong cộng đồng, đặc biệt tại các địa phương có mật độ dân cư cao, mức độ giao thương lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, biến thể Omicron đã xuất hiện ở nước ta. Vậy nên, cho dù đã đạt tỷ lệ tiêm chủng khá cao nhưng lo ngại về nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát vào các dịp lễ, là hoàn toàn có cơ sở. Do đó, không chỉ trong thời gian này mà cả về sau, người dân cần thay đổi thói quen để thích ứng an toàn. Như ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính thì không có cách nào khác là phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, mở cửa nền kinh tế, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Thay đổi để thích ứng không đồng nghĩa là buông lỏng - cả phía các cơ quan chức năng cũng như toàn xã hội. Hơn bao giờ hết, việc đề cao ý thức phải luôn được đặt lên hàng đầu. Người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch. Chỉ khi người dân thực sự vào cuộc, tích cực, chủ động phòng, chống dịch từ trong gia đình tới từng khu dân cư thì khi đó công tác chống dịch mới bảo đảm hiệu quả. Chỉ một chút chủ quan, lơ là có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Như chia sẻ của Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh - địa phương vừa phải gánh chịu hậu quả hết sức nặng nề của dịch Covid-19 thì các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn không được thực hiện tốt thì tình hình sẽ rất căng thẳng nếu biến chủng Omicron tới Việt Nam hoặc có mặt tại TP. Hồ Chí Minh. Bởi vậy, trong giai đoạn này, mọi người dân đều phải thay đổi tâm thế, tư duy, thói quen để thích ứng với dịch, để không chỉ bảo vệ chính mình mà còn bảo vệ cả người thân, bảo vệ cộng đồng. Có như vậy, mới có thể tiến tới thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Ninh Hà