Covid-19 và sự chuyển hướng của doanh nghiệp du lịch

Thay đổi chiến lược

- Chủ Nhật, 16/05/2021, 07:21 - Chia sẻ
“Dịch Covid-19 đến, các doanh nghiệp và người lao động phải thay đổi như bàn cờ xóa đi chơi lại. Ai thích ứng nhanh sẽ trụ được. Các công ty du lịch và người làm du lịch phải trở thành chuyên gia điểm đến, trải nghiệm phải cá nhân hóa, xây dựng niềm tin bằng kiến thức, dịch vụ 24 giờ, check-in sớm, chọn phòng đẹp, chọn bàn ăn, làm những việc mà booking.com không làm được”, ông Phạm Hà, CEO Lux Group cho hay.

Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để vực dậy ngành du lịch

Chung quan điểm với CEO Lux Group, Giám đốc Công ty Bàn Chân Việt (VietFoot Travel) Phạm Duy Nghĩa bày tỏ, doanh nghiệp của ông đã phải thay đổi chiến lược biến nguy cơ thành thách thức để tồn tại. “Để phù hợp với tình hình hiện nay, ban giám đốc VietFoot Travel đã cân nhắc chuyển hướng chiến lược đúng thời điểm. Đây là những bước đi mạnh dạn trên tinh thần xây dựng niềm tin bằng kiến thức, cụ thể là tổ chức đưa chuyên gia, kỹ sư người nước ngoài, người Việt hồi hương, cũng là hình thức mới và duy nhất được doanh nghiệp triển khai ở thời điểm hiện nay. Theo đó, các kịch bản về đưa đón, ăn ở, đi lại phải được lên kế hoạch chi tiết và thận trọng, nhất là khi nguồn nhân lực đang ngày càng cắt giảm”.

AZA Travel là 1 trong các công ty lữ hành phải cân nhắc, tính toán giảm nhân sự, sắp xếp lại nhiều vị trí do kinh doanh bị đình trệ, như bộ phận xây dựng sản phẩm tour quốc tế chuyển sang làm tour nội địa, người bán hàng chuyển sang điều hành tour… CEO AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hàng loạt nhân sự nghỉ việc, nhiều người sau khi chuyển nghề mới có thể sẽ không quay trở lại, dù du lịch được phục hồi. “Hiện chúng tôi đang rất lo lắng, khi du lịch phục hồi sẽ thiếu nhân lực, nhất là lao động chất lượng cao, khi lực lượng bổ sung có thể chưa thích nghi được ngay với công việc”.

Rõ ràng, trước tác động liên tiếp của các đợt Covid-19, nhiều doanh nghiệp du lịch đứng ngồi không yên, xoay xở để không gục ngã. Mặt khác, còn phải tính toán làm sao có thể giữ chân nhân sự, nhất là nhân sự nòng cốt để bảo đảm khi dịch bệnh được đẩy lùi sẽ không bị thiếu lao động. Các chuyên gia du lịch cũng cho rằng, dịch Covid-19 cũng có thể xem như là cơ hội để các đơn vị đánh giá, sàng lọc nhân viên, tổ chức tập huấn, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho thời điểm vực dậy của ngành du lịch.

Đặc biệt, dự báo thời gian tới xu hướng khách du lịch sử dụng internet, các tiện ích và thiết bị thông minh để tìm kiếm thông tin du lịch, tham khảo điểm đến, so sánh và lựa chọn các dịch vụ du lịch hợp lý, thực hiện các giao dịch mua tour, đặt phòng, mua vé máy bay, thanh toán trực tuyến… ngày càng gia tăng, buộc nhân sự trong ngành du lịch phải trong thế không thể đi sau xu thế. Theo đó, người làm du lịch phải có năng lực công nghệ, có khả năng thích ứng để phục vụ du khách tăng trải nghiệm.

Nguồn: ITN

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Với tinh thần “trong nguy có cơ”, trong giai đoạn khó khăn nhất của ngành du lịch, mới đây 6 doanh nghiệp du lịch đã chung tay, liên kết thành lập Trung tâm Đào tạo du lịch thực tế đầu tiên tại Hà Nội - Prato (Practical Tourism). Giám đốc điều hành của các công ty du lịch là người đứng lớp trực tiếp để chia sẻ, truyền kinh nghiệm du lịch thực tế cho các học viên là nhân viên, người lao động của chính các công ty du lịch, sinh viên hoặc người ở ngành nghề khác muốn làm du lịch.

Thành viên sáng lập Prato, ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết, các khóa học cung cấp những kiến thức thực tế cho học viên với các khóa học, như: Kỹ năng điều hành tour, kỹ năng xây dựng chương trình tour, kỹ năng đặt các dịch vụ vận chuyển, lưu trú trong tour, kỹ năng làm visa, đặt vé máy bay cho khách... Điều khác biệt của khóa đào tạo du lịch thực tế này là các học viên sẽ được thực hành tại các công ty du lịch và các đơn vị sẽ tổ chức tuyển dụng sau mỗi khóa học. Sau khi bổ sung nguồn nhân lực cho đơn vị mình, các đơn vị lữ hành sẽ tiếp tục mở rộng khóa đào tạo này tới các tỉnh, thành phố khác.

Đánh giá từ phía cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho biết, để có thể khôi phục được lực lượng lao động có tay nghề cao của ngành du lịch đã dịch chuyển sang các ngành khác là một bài toán rất khó khăn và như vậy chúng ta phải đào tạo lại nguồn nhân lực để bù đắp sự thiếu hụt do dịch chuyển. Trong điều kiện hiện nay, các doanh nghiệp chưa tập trung cao độ cho việc đón khách, phục vụ khách, nên có điều kiện để bố trí các lớp tập huấn, bồi dưỡng rồi xây dựng lại quy trình quản lý, đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của mình.

Bên cạnh đó, để sớm hồi sinh cho hoạt động du lịch, Nhà nước phải tiếp sức cho doanh nghiệp khi “sức” của họ đã cạn kiệt; mặt khác là tìm cách để giữ chân người lao động. “Hiện có 2 vấn đề quan trọng nhất trong hỗ trợ của Nhà nước hiện nay, đó là hỗ trợ về tài chính cho các doanh nghiệp du lịch để giảm áp lực trong điều kiện không có thu nhập và tránh nguy cơ phá sản. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ lao động thất nghiệp, cũng như các chế độ khác để lao động du lịch không bỏ ngành”, ông Chung nhấn mạnh.

Box: Theo công bố mới đây của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), cả nước có khoảng 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, chưa kể lực lượng lao động ở những mảng công việc có liên quan. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến xu hướng nghỉ việc tăng cao. Cụ thể, 18% doanh nghiệp đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% doanh nghiệp cho 50 - 80% nhân viên nghỉ việc và 75% doanh nghiệp có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với số người lao động bị mất việc.

Tại Hà Nội, tính đến hết tháng 2, số lượng doanh nghiệp, đại lý lữ hành trên địa bàn Thủ đô dừng hoạt động ước khoảng 95%; đã có 267/1.191 doanh nghiệp lữ hành quốc tế thu hồi giấy phép và dừng hoạt động, 11/103 doanh nghiệp lữ hành nội địa rút giấy phép kinh doanh, số lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 90% tổng số lao động doanh nghiệp đại lý lữ hành, tương đương với 12.168 người.

Hương Sen