Thay đổi “số phận” quỹ bảo trì chung cư

- Thứ Năm, 08/04/2021, 20:15 - Chia sẻ
250 tỷ đồng là số kinh phí bảo trì 2% mà Thanh tra Bộ Xây dựng đã yêu cầu chủ đầu tư chuyển trả cho Ban quản trị chung cư thông qua 15 kết luận thanh tra. Đây cũng là lần đầu tiên, vấn đề phí bảo trì chung cư được đưa vào kế hoạch thanh tra của Bộ, giúp hóa giải phần nào nỗi bức xúc của cư dân tại các tòa nhà với chủ đầu tư đã kéo dài dai dẳng nhiều năm qua.

Trên thực tế, thời gian qua vấn đề phí bảo trì là một trong những tranh chấp dai dẳng, khó giải quyết tại nhiều dự án, từ chung cư giá rẻ cho đến cao cấp. Việc thiếu cơ chế giám sát, trong khi quy định về quản lý sử dụng quỹ này còn “mỏng” khiến quỹ trở thành miếng mồi ngon cho nhiều kẻ trục lợi.

Chỉ riêng tại Hà Nội, theo số liệu của Sở Xây dựng năm 2020, trên địa bàn thành phố có 833 chung cư thương mại đã hoàn thành và đưa vào sửa dụng nhưng chỉ có 399 dự án - chưa đầy 50% số lượng chung cư - được chủ đầu tư bàn giao đầy đủ quỹ bảo trì. Còn theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh thống kê có trên 70% các tranh chấp tại chung cư liên quan đến 2% phí bảo trì.

Dẫu không công trình nào vừa xây dựng xong đã cần bảo trì quá lớn nhưng việc thu phí bảo trì ngay từ ban đầu nên dễ bị chủ đầu tư lạm dụng để sử dụng vào mục đích khác. Khi chủ đầu tư bị lợi ích đồng tiền chi phối, rất khó khăn để họ tự nguyện trao trả. Có những dự án có quỹ bảo trì lớn lên tới hàng trăm tỷ đồng, chủ đầu tư đã tự ý sử dụng để tái đầu tư, thu thêm lợi nhuận.

Tuy nhiên, nhiều người kỳ vọng tình trạng chây ỳ này sẽ giải quyết dứt điểm bởi Nghị định 30/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20.10.2015 vừa được Chính phủ ban hành. Theo đó, kinh phí bảo trì chung cư 2% sẽ gửi vào tài khoản “đóng” do chủ đầu tư mở. Khi mở tài khoản, chủ đầu tư phải ghi rõ tên tài khoản là tiền gửi kinh phí bảo trì nhà chung cư.

Việc ban hành Nghị định sửa đổi này đã tăng thêm sức mạnh pháp lý để xử lý vấn đề tồn tại nhiều năm nay. Nhiều chuyên gia nhận định, việc gửi nguồn kinh phí bảo trì vào một toàn khoản “đóng” này là giải pháp hạn chế được tình trạng mù mờ, cố tình chiếm dụng hoặc nhập nhằng trong quản lý khoản quỹ bảo trì chung cư, góp phần giải tỏa những điểm nghẽn, mâu thuẫn xảy ra lâu nay giữa chủ đầu tư và cư dân tại các tòa nhà chung cư.

Mạnh tay hơn, Nghị định 30 nêu rõ, nếu chủ đầu tư không có kinh phí bàn giao, sẽ tiến hành cưỡng chế kê biên tài sản. Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 30, trường hợp chủ đầu tư không có diện tích nhà, đất hoặc diện tích nhà, đất để kê biên không đủ giá trị bán thu hồi kinh phí bảo trì, thì thực hiện xác định tài sản khác của chủ đầu tư để bán đấu giá thu hồi đủ kinh phí chuyển giao cho Ban quản trị nhà chung cư.

Cùng với việc thanh tra hàng loạt chung cư, “chỉ mặt, đặt tên” những sai phạm, yêu cầu trả lại phí bảo trì tại kết luận Thanh tra của Bộ Xây dựng, thì việc ban hành Nghị định 30 được coi là “gọng kìm” siết chặt việc quản lý, cũng như giải tỏa những bất cập liên quan đến việc sử dụng quỹ bảo trì chung cư tồn tại lâu nay. Hành lang pháp lý đã có, nhưng quan trọng hơn là phải tăng cường kiểm tra, thắt chặt xử lý bằng các quy định mới một cách chặt chẽ, triệt để, không nhân nhượng. Có như vậy, mới dập tắt dần những xung đột hiện hữu, góp phần mang lại sự ổn định cho người mua nhà cũng như xã hội.

Duy Anh