Tháp cổ Yên Hòa có nguy cơ đổ sập

- Thứ Hai, 26/07/2021, 17:30 - Chia sẻ
Ở bản Yên Hòa, xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn, Nghệ An) có một tòa tháp cổ kiến trúc Phật giáo hiếm hoi. Công trình có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của làng bản người Thái nơi đây. Tuy nhiên, tòa tháp đã bị xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ đổ sập.
Tháp cổ Yên Hòa xã Mỹ Lý
Tháp cổ Yên Hòa xã Mỹ Lý

Bản Yên Hòa là nơi sinh sống của 89 hộ dân người Thái, ngay cạnh bờ sông Nậm Nơn, một chi lưu của sông Lam xuất phát từ tỉnh Houaphanh (Lào). Bản cách không xa biên giới Việt - Lào. Bà con nơi đây chủ yếu ở nhà sàn, sinh sống bằng nghề làm rẫy và không có hoạt động tôn giáo. Tuy nhiên, từ lâu, tại đây tồn tại một tòa tháp cao gần 30m. Tòa tháp chia làm 2 phần. Móng và thân tháp là một khối vuông mỗi bề khoảng 5m. Ngọn tháp được tạo tác thành nhiều tầng.

	Hoa văn trên tháp Yên Hòa
Hoa văn trên tháp Yên Hòa

Bên cạnh tòa tháp là một cây bồ đề, cao tương đương ngọn tháp. Cư dân địa phương cho biết đây là cây mọc lại từ phần gốc cây trồng từ ngày xây dựng tháp đã bị gãy đổ. Cạnh gốc bồ đề, người dân dựng một am và bệ thờ nhỏ. Trên bệ đặt 2 bức tượng Phật có chiều cao khoảng 15cm. Ông Kha Văn Nghệ, 56 tuổi, một cư dân bản Yên Hòa cho biết, thời còn niên thiếu, ông từng nhìn thấy quanh tháp có rất nhiều tượng Phật. Từ khoảng những năm 1970 trở lại đây, nhiều bức tượng đã bị đánh cắp. Thậm chí có người còn phá tháp để moi tìm cổ vật.

Tháp có cấu trúc gồm 3 tầng chính. Tầng chân, hình lăng trụ, 4 mặt, được xây bằng gạch nung. Tầng trên có tác hoa văn tinh xảo và thanh thoát. Đặc biệt là hai bức tượng hình vũ nữ đang chắp tay, mắt hướng về phía trước. Tầng chóp, cũng là đỉnh tháp, kết cấu đơn giản như một ngọn bút chĩa lên trời xanh.

Tượng tiên nữ Apsara tại tháp Yên Hòa
Tượng tiên nữ Apsara tại tháp Yên Hòa

Một số cán bộ văn hóa nhận định, tháp Yên Hòa là công trình Phật giáo dòng Tiểu thừa. Tháp Yên Hòa được xây dựng theo phong cách tháp Nhạn của người Chămpa xưa kia. Có người cũng tin rằng, tòa tháp này có tuổi đời lên đến cả nghìn năm. Còn theo nhà báo Lang Quốc Khánh, từng có thời gian khá dài công tác tại Lào, tháp cổ Yên Hòa có những nét tương đồng với những tòa tháp vẫn còn tại đất nước Triệu Voi, trong đó có tháp Thatphoun ở tỉnh Xiengkhuang. Ở thủ đô Vientianne cũng có một tòa tháp tương tự. Nhà báo Lang Quốc Khánh cho rằng, có thể  đây là những nét tương đồng văn hóa của cư dân vùng biên giới Mỹ Lý và nước bạn Lào.

Còn với người dân bản Yên Hòa, tòa tháp là một địa điểm linh thiêng và cũng đầy tự hào. Ngôi miếu cạnh tòa tháp vẫn được người dân đến thắp hương vào giữa và cuối tháng, cầu mong cuộc sống bình an, đời sống, công việc hanh thông.

	Do tháp bị xuống cấp, chính quyền xã đã đặt biển cảnh báo
Do tháp bị xuống cấp, chính quyền xã đã đặt biển cảnh báo

Gần đây, tòa tháp Yên Hòa đối mặt với tình trạng hư hại nặng nề, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Một bên tháp bị phá dỡ từ nhiều năm trước khiến gạch bong tróc, rơi vãi, chân móng sạt lở. Gần đây, chính quyền xã Mỹ Lý đã phải cắm biển cảnh báo người dân và du khách tham quan khu vực này. Ông Lương Văn Bảy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý cho biết: Dù tháp xuống cấp, lại ở nơi khá hẻo lánh, nhưng công trình độc đáo này vẫn thu hút khá nhiều người đến hương khói, chiêm ngưỡng. Vì thế, việc cắm biển cảnh báo là rất cần thiết.

Chính quyền xã Mỹ Lý đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, ngành để sớm có phương án bảo tồn tháp, nhưng việc trùng tu hay chí ít là một biện pháp bảo vệ tòa tháp hiện vẫn chưa được thực thi.

Bài và ảnh: HỮU VI