Quốc hội thảo luận tổ về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội:

Thảo luận kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa để bảo đảm hiệu quả cao nhất

- Thứ Tư, 05/01/2022, 06:59 - Chia sẻ
Tại phiên thảo luận tổ chiều nay, 4.1, của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, cơ bản các chính sách tài khoá, tiền tệ được trình Quốc hội lần này đã bảo đảm đúng định hướng: kết hợp cả tài khoá và tiền tệ; tác động cả phía cung và phía cầu; quy mô đủ lớn; thời gian đủ dài; phân bổ vốn vào các lĩnh vực giải ngân được ngay, tạo ra được hiệu quả cho nền kinh tế. Tuy nhiên, đây là gói chính sách bổ sung, nằm ngoài các khung khổ 5 năm đã được quyết định tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khoá XV, do đó, Quốc hội cần thảo luận kỹ lưỡng, Chính phủ tiếp thu tối đa các vấn đề được cơ quan thẩm tra và các đại biểu Quốc hội đặt ra để bảo đảm hiệu quả cao nhất.

Cơ bản thống nhất về quy mô, cách thức hỗ trợ

Chủ tịch Quốc hội cho biết, việc chuẩn bị các nội dung Kỳ họp bất thường đã được chuẩn bị từ rất sớm, khi Quốc hội đang tiến hành Kỳ họp thứ Hai. Với quyết tâm không để các vấn đề cấp bách đối với sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước phải chờ đến Kỳ họp tháng 5.2022 mới trình Quốc hội xem xét, quyết định, trong thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tiến hành rất nhiều việc để chuẩn bị cho 4 nội dung trình Kỳ họp bất thường. Riêng với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tổ chức nhiều cuộc toạ đàm chuyên sâu về các nội dung liên quan, có nhiều cuộc làm việc với các cơ quan của Chính phủ và Chính phủ, đặc biệt là đã tổ chức Diễn đàn kinh tế Việt Nam bàn riêng về chủ đề phục hồi và phát triển bền vững, trong đó có chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Có những nội dung đã trình đi trình lại nhiều lần cho đến khi đạt được thống nhất về quy mô, cách thức hỗ trợ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Ảnh: Lâm Hiển 

Đến nay, Chính phủ đã tiếp thu tối đa các vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra, có những nội dung ban đầu trình là không có nhưng trong dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội đã được bổ sung. Ví dụ chúng ta nói chuyển đổi số, đổi mới khoa học công nghệ nhưng Quỹ Phát triển khoa học công nghệ theo quy định của Luật Khoa học Công nghệ đang có sẵn tiền lại không tiêu được. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gợi ý và giao cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính về vấn đề này. Theo đó, rà soát Quỹ tại một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhà nước đã có hơn 11.000 tỷ đồng chưa kể các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. “Bây giờ tiền đang có sẵn lại không tiêu được mà phải bỏ tiền khác ra tiêu thì vô lý quá. Quỹ Viễn thông công ích cũng tương tự như vậy. Dự kiến gói chính sách ban đầu chủ yếu chỉ tập trung vào đầu tư công thôi. Nhưng quá trình làm việc ngày đêm, trao đi đổi lại mới ra được gói chính sách như trình Quốc hội tại Kỳ họp này”, Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm.

Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ cụ thể về chính sách về điều chỉnh thuế VAT, ban đầu Chính phủ không đề xuất, sau đó đề xuất với mức giảm thuế 1% và thực hiện trong 3 năm 2021, 2022, 2023. Tuy nhiên, giảm 1% thì không tạo được cú hích về tiêu dùng. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất tăng lên 2% nhưng thu hẹp phạm vi, áp dụng cho các mặt hàng thiết yếu, lượng tiêu dùng lớn và trước mắt có thể áp dụng trong một năm. Lần này Chính phủ đã tiếp thu, đề nghị giảm thuế VAT 2% và áp dụng trong năm 2022 để tạo cú hích tiêu dùng vì sức cầu của nền kinh tế hiện đang rất yếu. Các nước có điều kiện đã phát tiền trực tiếp cho dân. Chúng ta không có điều kiện phát tiền mặt như vậy nhưng chính sách giảm thuế sẽ giúp đạt được 2 mục tiêu: vừa san sẻ gánh nặng cho người dân vừa kích cầu nền kinh tế. Khi hàng hoá tiêu thụ tăng lên thì tổng thu ngân sách chưa chắc đã giảm. Tương tự như chính sách giảm thuế trước bạ 50% trong năm 2021 thì tổng thu ngân sách không những không giảm mà còn tăng lên.

Cơ bản các chính sách tài khoá, tiền tệ được trình Quốc hội lần này theo Chủ tịch Quốc hội đã bảo đảm đúng định hướng: kết hợp cả tài khoá và tiền tệ; tác động cả phía cung và phía cầu; quy mô đủ lớn (tính theo giá trị thực tế và thống kê chưa đầy đủ thì giá trị gói chính sách vào khoảng 5,25% GDP, cộng với các chính sách hỗ trợ được thực hiện trong 2 năm 2020 – 2021 thì tổng quy mô hỗ trợ gần 10% GDP, cao gấp đôi so với mức bình quân của các nước có điều kiện tương tự như Việt Nam); thời gian đủ dài trong 2 năm; phân bổ vốn vào các lĩnh vực giải ngân được ngay, tạo ra được hiệu quả cho nền kinh tế.

Nhấn mạnh đây là gói chính sách bổ sung, nằm ngoài các khung khổ 5 năm 2021 – 2025 đã được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khoá XV, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nếu Quốc hội quyết định không đúng, không trúng sẽ gây lãng phí nguồn lực và có lỗi với sự phát triển của đất nước. Cho rằng rủi ro chính sách là có, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, phải phân bổ nguồn lực cho đúng, trúng, sử dụng hiệu quả, khả thi, có tính lan toả cao. Thời gian thực hiện chỉ có 2 năm, nếu không bảo đảm triển khai nhanh, hiệu quả thì không còn là gói hỗ trợ khẩn cấp nữa.

Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Kiên Giang, Thanh Hóa, Sơn La, Sóc Trăng, Đắk Nông, Bắc Kạn tại phiên thảo luận tổ chiều 4.1.2022.

Ảnh: Lâm Hiển 

Bảo đảm tính thống nhất, minh bạch của hệ thống pháp luật

Chia sẻ mong muốn của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp tổ về việc cần bảo đảm cân đối hơn nữa các chính sách dành cho lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực xã hội, vừa bảo đảm xử lý các vấn đề cấp bách trước mắt vừa bảo đảm các vấn đề phát triển lâu dài và phù hợp với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế…, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong quá trình Quốc hội thảo luận, các cơ quan tiếp tục rà soát thêm về vấn đề này. Trong đó, theo Chủ tịch Quốc hội, chính sách dành cho chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ... còn ít, nhất là nguồn lực chi từ ngân sách để thúc đẩy các lĩnh vực này trong dự thảo Nghị quyết chưa rõ nét.

Định hướng tái cơ cấu nền kinh tế trong 5 năm tới đã được Quốc hội xác định, trong đó tập trung vào kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… Do đó, Chủ tịch Quốc hội nhất trí với đề xuất của Ủy ban Kinh tế phải rà soát ngay các vướng mắc trong việc thực hiện quy định về Quỹ Phát triển khoa học công nghệ. Nếu vướng mắc về pháp lý, kể cả vướng luật thì phải tháo gỡ ngay để cho phép sử dụng được nguồn lực rất lớn đang nằm tại Quỹ này, cho phép doanh nghiệp có thể đầu tư cho đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số… Hiện nay, nhiều doanh nghiệp không tiêu được Quỹ này vì vướng quy định của Luật. “Phải gỡ chính sách này một cách căn cơ. Đây mới là việc lâu dài, nhưng cũng chưa được đầu tư lắm”, Chủ tịch Quốc hội nói.

ĐBQH Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Ảnh: Lâm Hiển 

Nhất trí phải có các cơ chế chính sách khác biệt nhằm bảo đảm giải ngân sớm, hấp thụ nhanh nguồn lực hỗ trợ, song Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu phải giữ nguyên tắc, bảo đảm tính thống nhất, minh bạch của hệ thống pháp luật, trong đó, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về quyết định của mình; vấn đề nào đặc thù thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì mới trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các chính sách đặc thù cũng phải chỉ rõ địa chỉ cụ thể, quy trình thủ tục rõ ràng mới triển khai trong thực tế được chứ không thể nói chung chung. Tinh thần là Quốc hội ủng hộ cao nhất để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện. Ủy ban Pháp luật cũng cần chủ động rà soát các vấn đề này. Các cơ chế chính sách thí điểm phải rõ địa chỉ để kiểm soát, cái gì cần sửa luật thì báo cáo Quốc hội để sửa luật. Nếu có ủy quyền, phân cấp thì chỉ ủy quyền, phân cấp một cấp, đi liền với đó là trách nhiệm.

“Trách nhiệm của Quốc hội và Chính phủ lần này nặng lắm vì đây là vấn đề hệ trọng liên quan đến sự phục hồi và phát triển bền vững của đất nước. Trách nhiệm càng lớn thì càng phải thận trọng, kỹ lưỡng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Lâm Hiển