Dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022

Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch

- Thứ Hai, 21/06/2021, 08:12 - Chia sẻ
Theo dự kiến, các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia theo quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017 sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua trong thời gian tới. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất một trong hai chuyên đề giám sát đầu tiên của Quốc hội Khóa XV là về thực hiện chính sách, pháp luật về công tác lập quy hoạch quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 nhằm đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Luật đột phá... 

Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua năm 2017 sau 3 Kỳ họp xem xét, hoàn thiện và được đánh giá là bước "đột phá, cách mạng" trong công tác quy hoạch. Việc tích hợp các quy hoạch theo tinh thần của Luật Quy hoạch sẽ bảo đảm phân bổ nguồn lực hợp lý, bảo đảm sự thống nhất trong một không gian phát triển, tiết kiệm tối đa nguồn tài nguyên hạn hẹp của đất nước.

Nếu thực hiện đúng tinh thần của Luật Quy hoạch, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho rằng công tác quy hoạch sẽ được tiến hành khoa học, công khai, minh bạch, chấn chỉnh, ngăn chặn được tình trạng tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, “băm nát” quy hoạch, đưa quy hoạch thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, vì lợi ích chung của đất nước, chứ không phải là một “công cụ” phục vụ cho lợi ích của nhóm người nắm trong tay thẩm quyền điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch. 

Dù vậy, sau hơn 8 tháng thực hiện Luật Quy hoạch, từ đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải ban hành Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16.8.2019 để giải thích một số điều của Luật Quy hoạch. Lý do phải ban hành Nghị quyết này là bởi trong quá trình thực hiện Luật Quy hoạch, một số bộ, ngành, địa phương đã có cách hiểu khác nhau về một số điều khoản cụ thể, trong đó có quy định về mối quan hệ giữa các loại quy hoạch.

Theo Điều 6 Luật Quy hoạch: Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; quy hoạch ngành quốc gia phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia; quy hoạch vùng phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia; quy hoạch tỉnh phải phù hợp quy hoạch vùng, quy hoạch cấp quốc gia.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 2 Điều 20, thì một trong các căn cứ để lập quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là quy hoạch cấp cao hơn. Do đó, khi triển khai lập quy hoạch cho thời kỳ 2021 - 2030, một số bộ, ngành và địa phương cho rằng, việc lập quy hoạch phải theo thứ bậc từ trên xuống dưới như quy định tại Điều 5 Luật Quy hoạch. Trong khi đó, một số bộ, ngành và địa phương lại cho rằng các quy hoạch phải được lập đồng thời mới bảo đảm tiến độ. Hệ quả là công tác triển khai lập các quy hoạch cho thời kỳ 2021 - 2030 đã bị chậm tiến độ. 

Để thống nhất cách hiểu, tại Nghị quyết số 751, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất hướng dẫn: "các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh đã được sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy hoạch có thể lập đồng thời. Quy hoạch nào được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn". Tuy vậy, kể từ khi Nghị quyết 751 được thông qua và có hiệu lực thi hành đến nay đã 1,5 năm trôi qua, công tác triển khai lập các quy hoạch cho thời kỳ 2021 - 2030 vẫn rất chậm chạp. 

Triển khai lập đồng thời các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030

Nguồn: ITN 

... nhưng triển khai chậm và nhiều vướng mắc

"Đúng là Luật Quy hoạch được thực hiện quá chậm", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhận xét tại Phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua. Không chỉ chậm trễ trong lập quy hoạch theo phương pháp mới được quy định tại Luật Quy hoạch mà theo Phó Chủ tịch Quốc hội, phải rút kinh nghiệm khi có 5 tỉnh đến năm cuối nhiệm kỳ 2016 - 2021 vẫn chưa ban hành được quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, và nhiều địa phương cũng vướng quy hoạch này.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo triển khai xây dựng quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, đô thị. Nhưng với tinh thần quy hoạch phải đi trước một bước, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các bản quy hoạch được xây dựng cho nhiệm kỳ Khóa XV, nên phải đẩy mạnh hơn nữa công tác này, có thể lập Ban chỉ đạo hoặc giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo.

Trong bản thuyết minh về sự cần thiết của các chuyên đề giám sát trình Phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng nêu rõ: tiến độ triển khai lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh rất chậm so với yêu cầu đặt ra, gây ảnh hưởng đến việc đầu tư, phát triển của đất nước giai đoạn tới. Một trong những nguyên nhân là việc chậm ban hành các quy định hướng dẫn chi tiết và bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm theo quy định của Luật Quy hoạch.

Tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là nhiệm vụ mới, có phạm vi toàn diện và phức tạp, đòi hỏi công tác phối hợp cao, chặt chẽ giữa các cơ quan lập quy hoạch, trong khi kinh nghiệm của Việt Nam về cách thức làm mới này chưa có nhiều nên đã gây lúng túng, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai tổ chức lập quy hoạch.

Tuy nhiên, các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi có Luật Quy hoạch sẽ hết hiệu lực sau năm 2020 trong khi các quy hoạch mới cho giai đoạn 2021 - 2030 chưa được trình phê duyệt sẽ gây khó khăn rất lớn trong việc triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về quy hoạch nói riêng và triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội nói chung.

Vì thế, ngay tại Nghị quyết số 124 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Quốc hội đã giao Chính phủ tập trung nguồn lực, đẩy nhanh thực hiện việc lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Qua đó, trình Quốc hội Khóa XV xem xét, thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch trong thời gian tới.

Nếu được Quốc hội lựa chọn để tiến hành giám sát tối cao trong năm 2022 thì chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác lập quy hoạch quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 chắc chắn sẽ giúp tháo gỡ được những vướng mắc trong công tác này. Qua quá trình giám sát có thể đánh giá thấu đáo hơn những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại trong thực hiện lập quy hoạch thời kỳ mới (2021 - 2030), từ đó đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, để quy hoạch thực sự đi trước một bước, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Lê Bình