Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu

Tháo gỡ khó khăn cho thuyền viên trong “cơn bão” dịch Covid-19

- Thứ Bảy, 04/09/2021, 14:59 - Chia sẻ
Tại Hội nghị trực tuyến hưởng ứng ngày thuyền viên thế giới năm 2021 với chủ đề: Tháo gỡ khó khăn về vấn về thay thế thuyền viên và ưu tiên vaccine phòng Covid-19 cho thuyền viên Việt Nam do Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên có hơn 1.500 thuyền viên mắc kẹt mong muốn về nước…
Hội nghị kết nối trực tuyến với bà Heike Deggim Trưởng bộ phận an toàn Hàng hải- Tổ chức Hàng hải quốc tế IMO, các cảng vụ Hàng hải trên toàn quốc, đại diện CDC một số tỉnh thành tham dự trực tuyến
Hội nghị kết nối trực tuyến với bà Heike Deggim Trưởng bộ phận an toàn Hàng hải- Tổ chức Hàng hải quốc tế IMO, các cảng vụ Hàng hải trên toàn quốc, đại diện CDC một số tỉnh thành tham dự trực tuyến

Từ tháo gỡ “mắc cạn” trên bờ…

Hiện Việt Nam có khoảng 4 vạn thuyền viên đang có giấy chứng nhận đủ khả năng chuyên môn để làm việc trên tàu biển. Về cơ bản lượng thuyền viên Việt Nam có thể đáp ứng được nhu cầu cho đội tàu trong nước, với bình quân khoảng 15 người/tàu, kể cả nhu cầu của tàu treo cờ nước ngoài.

Hiện nay, mặc dù dịch Covid-19 đang hoành hành, nhưng để đảm bảo mạch lưu thông hàng hoá nên nhiều thuyền viên suốt một thời gian dài chưa về thăm gia đình, người thân, thậm chí chưa được đặt chân lên bờ khi tàu đến các cảng biển trên thế giới. Cũng do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nên hiện có hơn 1.500 thuyền viên đang bị mắc kẹt ở nước ngoài chưa thể hồi hương. Nhiều thuyền viên đã hết hạn hợp đồng nhưng khó về nước, bị kẹt lại nhiều nước trên thế giới.

“Trong khi, hàng hóa lưu thông bằng hàng hải trong nước và quốc tế hiện chiếm gần 90%, do đó các thuyền viên cần được đảm bảo sức khỏe, phòng chống Covid-19 để phục vụ việc lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế”, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết.

Hàng nghìn thuyền viên Việt Nam đã được đưa về cảng biển Vũng Tàu thực hiện công tác thay thế trong hơn một năm qua
Hàng nghìn thuyền viên Việt Nam đã được đưa về cảng biển Vũng Tàu thực hiện công tác thay thế trong hơn một năm qua

Trước thực tế trên, Cục Hàng hải Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ thuyền viên hiện đang “mắc cạn” trên bờ ở tại các cảng biển Việt Nam, trong đó, chủ trì phối hợp với các cơ quan tham mưu của Bộ Y tế, Cục quản lý Khám, chữa bệnh hướng dẫn, thực hiện gia hạn chứng chỉ chuyên môn, giấy khám sức khoẻ cho thuyền viên đang làm việc trên tàu nhanh chóng, phù hợp các khuyến cáo của IMO; Xây dựng hướng dẫn thay thế thuyền viên, bao gồm cả thuyền viên Việt Nam và thuyền viên nước ngoài….Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã đề xuất Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho những người có nguy cơ lây nhiễm cao trong ngành hàng hải, đặc biệt xem xét ưu tiên tiêm cho toàn bộ những người phải làm việc trực tiếp trên tàu như hoa tiêu, thuyền viên, công nhân bốc xếp, nhân viên làm việc trực tiếp trên tàu.

… Đến tạo sự an toàn trong “cơn bão” dịch

Là địa bàn có kinh tế cảng biển phát triển trong top đầu của cả nước, mặc dù dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến hoạt động hàng hải, nhưng kể từ thời điểm dịch bùng phát, Cảng vụ Vũng Tàu đã quyết liệt triển khai các hướng dẫn, chỉ đạo của Cục Hàng hải Việt Nam và chủ động thực hiện phòng chống dịch tại các địa bàn do Cảng vụ quản lý. Nhờ đó, cảng biển Vũng Tàu vẫn tiếp nhận gần 39.400 lượt tàu. Trong đó, có hơn 2.800 lượt tàu biển xuất nhập cảnh; hơn 6.100 lượt tàu hoạt động tuyến nội địa và hơn 30.400 lượt phương tiện thuỷ nội địa. Con số này tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020. Cùng với đó, cảng biển Vũng Tàu đã tiếp nhận hơn 500 tàu đến thực hiện việc thay thế thuyền viên.

Dù tăng trưởng ấn tượng, nhưng hoạt động kinh doanh khai thác cảng tại Vũng Tàu vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm từ thuyền viên nhập cảnh đến từ vùng có dịch, tàu biển. Vì vậy, Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu đã tăng cường triển khai nhiều giải pháp để phòng chống  dịch
Dù tăng trưởng ấn tượng, nhưng hoạt động kinh doanh khai thác cảng tại Vũng Tàu vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm từ thuyền viên nhập cảnh đến từ vùng có dịch, tàu biển. Vì vậy, Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu đã tăng cường triển khai nhiều giải pháp để phòng chống dịch

Dù ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, nhưng hoạt động kinh doanh khai thác cảng tại Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ đối tượng là thuyền viên nhập cảnh, từ tàu biển và thuyền viên đến từ vùng có dịch.

Trước tình hình trên, Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp như không cho thuyền viên đi bờ, đặc biệt là thuyền viên nước ngoài hoặc thuyền viên đến từ vùng dịch; ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cho tàu thuyền,…

Tuy nhiên, do lực lượng cán bộ y tế kiểm dịch quốc tế mỏng, địa bàn quản lý rộng và lưu lượng tàu thuyền nhập cảnh nhiều nên tỷ lệ cán bộ kiểm dịch y tế trực tiếp lên tàu kiểm dịch y tế trước khi cho hoa tiêu lên tàu để dẫn tàu vào cảng chiếm tỷ lệ chưa cao. Một số tổ chức, cá nhân, đặc biệt là thuyền viên tàu sông và công nhân lên tàu nước ngoài làm bốc, xếp hàng hoá có tâm lý chủ quan trong phòng, chống dịch.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch, Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu đã đề xuất Trung tâm kiểm soát bệnh tật địa phương sớm thành lập tổ kiểm tra hoặc bố trí cán bộ chuyên trách kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác phòng, chống Covid-19 tại các khu vực cảng biển trọng điểm như Cái Mép; Thị Vải; Sông Dinh và khu vực vịnh Gành Rái.

Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu cũng đề nghị, Bộ chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần rà soát, thắt chặt việc cấp giấy phép cho người lên tàu nước ngoài, chỉ đạo các lực lượng trực thuộc tăng cường kiểm tra, giám sát phòng chống dịch tại các bến cảng tại vịnh Gành Rái - Khu neo đậu Vũng Tàu… tất cả vì sự an toàn của thuyền viên và đảm bảo lưu thông hàng hóa tại các cảng biển trong cơn đại dịch Covid -19.

Bảo Ngân