Thi hành án dân sự:

Tháo điểm nghẽn

- Thứ Hai, 20/12/2021, 10:58 - Chia sẻ
Để công tác thi hành án dân sự trở thành một nhân tố quan trọng thúc đẩy quá trình thực thi công lý, cải thiện môi trường đầu tư thì việc phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan phải được chú trọng. Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại Diễn đàn pháp luật với chủ đề “Công tác thi hành án dân sự trong yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” do Bộ Tư pháp tổ chức vừa qua.

Hiện thực hóa các phán quyết

Thi hành án dân sự là hoạt động nhằm thực hiện các bản án, quyết định của tòa án, trọng tài liên quan đến các vấn đề tài sản và nhân thân trong các vụ việc hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính, hôn nhân và gia đình. Bản án, quyết định của Tòa án, quyết định của trọng tài chỉ có thể phát huy được giá trị pháp lý khi nó được bảo đảm thực hiện và hiện thực hóa trong cuộc sống.

THADS thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận tiện
Nguồn: ITN

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của nước ngoài cũng được quan tâm. Hiện nay Việt Nam là thành viên của 17 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có quy định về việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự, quyết định dân sự trong bản án hình sự theo thủ tục do mỗi nước thành viên quy định. Đối với các nước khác, Việt Nam cũng có quy định cho phép xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự, quyết định dân sự trong bản án hình sự của các nước đó theo nguyên tắc có đi có lại.

Trưởng đại diện thường trú của Cơ quan Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Caitlin Wiesen cho rằng, việc thi hành án dân sự có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với niềm tin của người dân đối với ngành tư pháp và qua đó, là động lực không thể thiếu cho sự phát triển kinh tế. “Khi người dân tin rằng họ có thể thực thi các điều khoản của hợp đồng một cách hiệu quả và kịp thời, họ sẽ sẵn sàng tham gia vào các doanh nghiệp thương mại hơn. Các nhà đầu tư quốc tế sẽ tham gia thương mại với Việt Nam nhiều hơn khi họ tin tưởng rằng các điều khoản trọng tài trong hợp đồng của họ sẽ có hiệu lực thi hành trong trường hợp có tranh chấp, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến trên, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti cũng cho rằng, một hệ thống tư pháp hiệu quả và minh bạch sẽ nâng cao niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm cả các doanh nghiệp EU khi đầu tư và phát triển kinh doanh tại Việt Nam.

THADS hiện thực hóa các phán quyết, quyết định 

Nguồn: ITN

Tăng cường phối hợp liên ngành

Thống kê của Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp cho thấy, năm 2021 hệ thống cơ quan thi hành án đã thi hành xong đạt 75,82% về việc và 31,21% về tiền so với tổng số án có điều kiện thi hành. Tuy nhiên, kết quả chung về thi hành án giảm 5,59% về việc và 8,89% về tiền so với năm trước; một số nhiệm vụ không đạt chỉ yêu Quốc hội giao; tình trạng vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành vẫn chưa được khắc phục triệt để, Viện Kiểm sát nhân dân đã ban hành 1.467 kiến nghị, kháng nghị yêu cầu Cơ quan thi hành án khắc phục vi phạm.

Thực tế cho thấy THADS là hoạt động liên quan trực tiếp đến quyền về tài sản và nhân thân của các bên đương sự, để giải quyết việc thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải tiến hành nhiều thủ tục như: Thông báo, xác minh, áp dụng các biện pháp đảm bảo, biện pháp cưỡng chế thi hành án… Đây là một khâu công tác gặp nhiều khó khăn và nan giải, không ít trường hợp không chấp hành (thậm chí mang tính chống đối, bất hợp tác) của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (chủ yếu là người phải thi hành án). Do đó, Cơ quan THADS không thể một mình thực hiện tốt các công việc trên, mà cần có sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan. Tuy nhiên, hiện đây vẫn là điểm nghẽn của công tác này, vẫn còn có địa phương (cấp huyện) chưa ký Quy chế phối hợp liên ngành, hoặc có Quy chế phối hợp nhưng việc tổ chức triển khai chưa đạt hiệu quả, điển hình Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất còn chậm trả lời xác minh của cơ quan THADS…

Tăng cường phối hợp liên ngành trong THADS
Nguồn: ITN

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Chí Hiếu cho rằng, để THADS có hiệu quả hơn, cần sự tham gia của nhiều chủ thể, mà nòng cốt là đội ngũ chấp hành viên, công chức thi hành án dân sự và cần phải áp dụng đồng bộ các giải pháp, gồm các giải pháp liên quan đến hoàn thiện pháp luật, kiện toàn tổ chức của hệ thống thi hành án, đặc biệt là tăng cường trách nhiệm, sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong công tác thi hành án dân sự. Trong đó, nhấn mạnh vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, và hoạt động kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân, cũng như Ban chỉ đạo thi hành án các cấp.

Ở góc độ khác, Trưởng đại diện thường trú của Cơ quan Phát triển Liên Hợp Quốc Caitlin Wiesen đề xuất, các giải pháp để thực thi các quyết định của tòa án yêu cầu một cách tiếp cận dựa trên quyền con người. Cần thi hành án hiệu quả để đảm bảo quyền được khắc phục thỏa đáng và quyền tiếp cận công lý – 2 trong số các quyền cơ bản của con người được bảo vệ bởi Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã phê chuẩn.

Hiệu quả công tác phối hợp giữa cơ quan THADS với các cơ quan có liên quan trong một số trường hợp chưa cao; có lúc, có việc còn chậm, chưa tích cực, nhất là trong các khâu xác minh tài sản thi hành án, đo vẽ, xác định hiện trạng ranh giới tài sản, đất đai…(Báo cáo công tác thi hành án dân sự năm 2021)

Phạm Hải