Thanh Xuân một thuở...

- Chủ Nhật, 18/04/2021, 17:55 - Chia sẻ
Những năm tháng cống hiến trên Công trường Thanh niên cộng sản Thủy điện Hòa Bình là những hồi ức đẹp đẽ về một thời thanh xuân sôi nổi trên công trình mang tầm vóc thế kỷ. Đó không chỉ là niềm tự hào mà còn là bài ca của tinh thần lao động, sáng tạo, quả cảm trong công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước của lớp lớp thanh niên ngày ấy…

Nhiệt huyết thanh xuân

Cuối năm 1979, Đảng, Nhà nước đã tin tưởng, giao cho đoàn viên, thanh niên là lực lượng chủ công xây dựng Thủy điện Hòa Bình - công trình có quy mô cơ sở vật chất và kỹ thuật vào loại lớn nhất Việt Nam trong thế kỷ XX. Với khí thế sôi động, theo đề nghị của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh, ngày 6.10.1982, Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định công nhận công trường xây dựng Thủy điện Hòa Bình là “Công trường Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh”. Cả nước đều hướng về công trường, tất cả cho mục tiêu nhanh chóng xây dựng nhà máy điện để giải quyết vấn đề thiếu năng lượng, thiếu điện năng sau giải phóng miền Nam. Hàng chục nghìn thanh niên từ khắp mọi miền Tổ quốc đã tình nguyện đi xây dựng Công trường TNCS đầu tiên của cả nước, với mong muốn góp công, góp sức trẻ xây dựng Nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ.

Nhiều thế hệ cán bộ Trung ương Đoàn cùng nhau thăm lại Thuỷ điện Hoà Bình, công trình TNCS đầu tiên
Nhiều thế hệ cán bộ Trung ương Đoàn cùng nhau thăm lại Thuỷ điện Hoà Bình, công trình TNCS đầu tiên

Nhớ lại thời thanh xuân sôi nổi của mình, nguyên Bí thư Trung ương Đoàn, nguyên Trưởng ban Chỉ đạo Công trường TNCS Thủy điện Hòa Bình Vũ Xuân Hồng cho biết: Từ khoảng 10.000 thanh niên năm 1979, đến năm 1988 đã có 40.000 lao động trẻ trên công trường. Những câu khẩu hiệu trên công trường thôi thúc thanh niên luôn hăng say lao động...

nguyên Trưởng ban Chỉ đạo Công trường TNCS Thủy điện Hòa Bình Vũ Xuân Hồng thăm lại Thuỷ điện Hoà Bình
Nguyên Trưởng ban Chỉ đạo Công trường TNCS Thủy điện Hòa Bình Vũ Xuân Hồng thăm lại Thuỷ điện Hoà Bình

Là người con gái duy nhất lái máy xúc EKG trên công trường Thủy điện Hòa Bình thời ấy, khi mới 25 tuổi, Anh hùng Lao động Lê Thị Ngừng cho biết. Những ngày đầu ngồi trên xe, nghe tiếng ủi, tiếng rít, với cái nóng và khí thải của xe nhả ra, người tôi sởn gai ốc, đầu đau như búa bổ, vừa buồn nôn, vừa chóng mặt. Các chị em khác đã sớm rút lui, còn tôi cứ miệt mài học hỏi. Từ thợ bậc 2/7, tôi đã sớm lên bậc 4/7 của thợ lái máy xúc chính thức. Cả đội 500 lái xe, chỉ mình tôi là nữ. Dù vậy, năng suất lao động của tôi luôn cao hơn các anh em. Ốm tôi cũng không nghỉ… bà Lê Thị Ngừng tự hào kể.

Anh hùng Lao động Lê Thị Ngừng tại công trường Thuỷ điện Hoà Bình
Anh hùng Lao động Lê Thị Ngừng tại công trường Thuỷ điện Hoà Bình (ảnh do nhân vật cung cấp)

Cho rằng mình thật may mắn khi được tham gia xây dựng một công trình vĩ đại dù khi đó thiếu thốn và vất vả, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nguyên Trưởng ban Thanh niên Công nhân (Trung ương Đoàn) Đỗ Duy Thường bồi hồi nhớ lại: “Nói đến thanh niên là nói đến phong trào thi đua. Tuần nào, chúng tôi phát động thi đua trên công trường, làm việc 24/24h… Từ không khí ba ca đó đã cuốn hút tất cả thanh niên, người lao động và cán bộ quản lý làm việc bất chấp khó khăn, gian khổ. Khí thế thanh niên lúc đó hừng hực…”

nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nguyên Trưởng ban Thanh niên Công nhân (Trung ương Đoàn) Đỗ Duy Thường kể lại những năm tháng hừng hực khí thế
Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nguyên Trưởng ban Thanh niên Công nhân (Trung ương Đoàn) Đỗ Duy Thường kể lại những năm tháng hừng hực khí thế thanh niên tại Thuỷ điện Hoà Bình - công trình TNCS đầu tiên

Cũng là người thợ khi đó của Công ty Xây dựng dân dụng (Tổng Công ty xây dựng Thủy điện Sông Đà) ông Nguyễn Mạnh Thắng đã tham gia xây dựng công trình Thủy điện Hòa Bình từ năm 1982. “Hồi đó, không chỉ riêng tôi mà cả một tập thể dồi dào sinh lực, không ai nghĩ về lợi ích cá nhân của mình, chỉ mong được cống hiến. Ngày đêm chúng tôi bám công trình, lăn lộn với công việc, bất chấp mọi hiểm nguy, lao động quên mình.…”, ông Nguyễn Mạnh Thắng chia sẻ về những năm tháng không thể nào quên.

Công trình thủy điện Hòa Bình chính thức khánh thành năm 1994 và gần 30 năm qua là nguồn cung cấp điện quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngoài sản xuất điện năng, trị thủy sông Đà, chống lũ, giảm nhẹ thiên tai, còn bảo đảm an toàn cho vùng đồng bằng Bắc bộ và Thủ đô Hà Nội… Nhưng, ít người biết được rằng, nơi đây không chỉ có cống hiến, lãng mạn, tự hào mà còn cả những mất mát. 168 công nhân đã hy sinh, trong đó có những chuyên gia của Liên Xô. Những cái tên của họ còn mãi mãi ở lại với sông Đà…

Cống hiến và trưởng thành

Những thanh niên trên Công trường TNCS Thủy điện Hòa Bình ngày ấy giờ đây vẫn vẹn nguyên một suy nghĩ, chính những năm tháng lao động hăng say đó đã tôi luyện lớp lớp thanh niên thời đại Hồ Chí Minh trưởng thành, có tác phong công nghiệp hiện đại, luôn sẵn sàng cống hiến khi Tổ quốc cần.

Trong căn nhà nhỏ ở quận Thanh Xuân, hai vợ chồng ông bà Lê Viết Phụng và Lê Thị Ngừng đang cùng nhau xem lại tập ảnh kỷ niệm về những năm tháng bà đã cống hiến tuổi thanh xuân, góp phần nhỏ bé xây dựng nên công trường TNCS đầu tiên. Cũng từ sự hăng say lao động không ngừng nghỉ trong gần 10 năm trên công trường, bà Lê Thị Ngừng đã vinh dự được Hội đồng Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lao động vào năm 1985. Trong thời gian đó, bà Ngừng còn tranh thủ học thêm bằng Đại học Luật, Lý luận và Tổ chức lao động tiền lương vào ban đêm. Năm 1988, do tình hình sức khỏe, bà Ngừng chuyển công tác về Công ty cổ phần Licogi 13. Phát huy tinh thần thanh niên từ những năm tháng trên công trường, bà Ngừng vừa tham gia tham gia công tác tác đảng, đoàn ở công ty, vừa làm Tổ trưởng dân phố tại địa phương. “Bà nhà tôi làm Tổ trưởng dân phố hơn 10 năm, đến khi ốm, phải mổ tim mới nghỉ”, ông Lê Viết Phụng, chồng bà Ngừng chia sẻ.

hai vợ chồng ông bà Lê Viết Phụng và Lê Thị Ngừng đang cùng nhau xem lại tập ảnh kỷ niệm về những năm tháng bà đã cống hiến tuổi thanh xuân, góp phần nhỏ bé xây dựng nên công trường TNCS đầu tiên
Hai vợ chồng ông bà Lê Viết Phụng và Lê Thị Ngừng đang cùng nhau lần giở lại tập ảnh kỷ niệm về những năm tháng bà đã cống hiến tuổi thanh xuân, góp phần nhỏ bé xây dựng nên công trường TNCS đầu tiên

Dù đã trải qua nhiều vị trí công tác, nhưng được cống hiến trên Công trường TNCS Thủy điện Hòa Bình là điều ông Vũ Xuân Hồng trân trọng nhất. “Đó thực sự là những năm tháng vô cùng ý nghĩa. Biết bao bài học, bao kỷ niệm đã giúp tôi trưởng thành như ngày hôm nay. Đó là bài học về sự tin cậy của Đảng vào thanh niên, vào ý chí của người trẻ, bài học về sự giáo dục lòng yêu nước với thanh niên... Tất cả những bài học đó đều có giá trị trường tồn…”, ông Hồng nói.

Anh hùng Lao động Lê Thị Ngừng và các chuyên gia trên tại công tình Thuỷ điện Hoà Bình
"Thanh xuân" với những kỷ niệm nhiệt thành của Anh hùng Lao động Lê Thị Ngừng và những thanh niên đầy nhiệt huyết đã gắn bó với công tình Thuỷ điện Hoà Bình

Từ một người lính thợ, sau 12 năm gắn bó với công trường, ông Nguyễn Mạnh Thắng đã không ngừng học tập, trở thành Tiến sĩ Luật. Hiện ông là Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7. Từng tham gia các công trình thủy điện trọng điểm quốc gia như: Yaly, sông Hinh, Tuyên Quang, Sơn La, nhưng đối với ông Thắng, những năm tháng gắn bó với Công trường TNCS Thủy điện Hòa Bình là ký ức sâu sắc nhất cuộc đời làm thủy điện của ông. “Tôi nhận thức rằng, để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, phải tiếp tục học tập, rèn luyện phẩm chất, nâng cao trình độ cả về trí và lực. Tập thể lao động chúng tôi luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là một đơn vị tiêu biểu của Tổng Công ty Sông Đà, cuộc sống của người lao động ngày càng được nâng cao…”.

Còn theo ông Đỗ Duy Thường, trong giai đoạn đất nước đang chuyển mình, tuổi trẻ phải nêu cao khát vọng hội nhập, thanh niên cần sáng tạo. Như Bác Hồ nói “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước”, tôi mong muốn, thế hệ thanh niên luôn được quan tâm đào tạo, từ đó khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phát triển không kém gì khu vực và thế giới.

Công trình TNCS Thủy điện Hòa Bình đã đi vào lịch sử của đất nước, nơi ghi dấu ấn của bao thế hệ thanh niên, những người làm nên kỳ tích của thế kỷ XX. Thành quả, sự hy sinh, sự lao động miệt mài trên công trường TNCS đầu tiên mãi trường tồn...

Đức Hiệp