Thanh tra HoSE, rồi sao?

- Thứ Bảy, 12/06/2021, 06:31 - Chia sẻ
Thông tin Thanh tra Bộ Tài chính đã ký quyết định thanh tra hành chính tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) được nhà đầu tư hồ hởi đón nhận. Lý do là bởi suốt nửa năm qua, tình trạng nghẽn, chậm phản hồi lệnh của hệ thống giao dịch chứng khoán đẩy nhiều nhà đầu tư vào những rủi ro khó lường.

Diễn biến mới đây nhất là HoSE phải ngừng giao dịch trong phiên chiều 1.6 do giá trị giao dịch trên sàn vượt 21.700 tỷ đồng đe dọa an toàn của hệ thống. Những ngày sau đó, bất chấp nhà đầu tư phản ứng, HoSE không cho sửa, hủy lệnh để ngăn sự quá tải. Giải pháp phi thị trường này khiến các mức giá của cổ phiếu hiển thị trên bảng giao dịch điện tử không được cập nhật theo thời gian thực và gây thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư. Để giải quyết vấn đề, HoSE cho phép các công ty chứng khoán mở lại tính sửa, hủy lệnh nhưng giới hạn hoạt động này vào một số khung giờ cao điểm.

Những giải pháp tình thế của HoSE không biết kéo dài đến khi nào. Hôm 15.3, Công ty FPT cùng HoSE bắt tay xử lý tình trạng nghẽn lệnh với dự kiến xong trong 3 tháng. Thời hạn 3 tháng sắp hết! Lãnh đạo HoSE thì cam kết cuối tháng 6 hoặc chậm nhất đầu tháng 7 sẽ hết nghẽn lệnh khi vận hành hệ thống do FPT xây dựng. Bức xúc, chờ đợi từ năm ngoái, nhà đầu tư nay đã mỏi mòn, thậm chí không còn hy vọng vào những lời hứa hẹn. Dẫu vậy, “kiên nhẫn chờ đợi” là điều duy nhất họ có thể làm lúc này.

Trong bối cảnh đó, thông tin Bộ Tài chính thanh tra HoSE được kỳ vọng sẽ gia tăng áp lực lên các nhà quản lý để từ đó có thể sớm chấm dứt cảnh phiên nay dừng giao dịch vài chục phút, phiên mai tạm ngưng hủy/sửa lệnh. Nhà đầu tư cũng muốn rõ địa chỉ chịu trách nhiệm về những diễn biến “không thể chấp nhận được” trên sàn HoSE thời gian qua, bởi cho đến nay vẫn chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm hoặc đứng ra xin lỗi về sự cố.

Cùng với việc thanh tra HoSE, điều Bộ Tài chính cần quan tâm lúc này là tính ổn định và bền vững của thị trường chứng khoán. Ở khía cạnh tích cực, sự tăng trưởng bùng nổ của thị trường - với 480 nghìn tài khoản mở mới trong 5 tháng đầu năm nay, vượt xa con số của cả năm ngoái - là cơ hội để các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu tăng vốn, củng cố năng lực tài chính, chuẩn bị cho phục hồi kinh tế hậu Covid-19.

Nhưng ở chiều ngược lại, trong cuộc họp với Ủy ban Kinh tế mới đây, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhận xét thị trường chứng khoán nước ta chẳng giống ai! Lẽ ra, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thì giá cổ phiếu mới lên, còn ở ta “doanh nghiệp đầy mụn nhọt mà bảng điện tử cứ xanh rờn”.

Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư F0 (lần đầu tham gia thị trường) rất nhiều về số lượng nhưng rất ít về kinh nghiệm. Vì thế rủi ro với họ là rất đáng kể khi thị trường có dấu hiệu tăng nóng như hiện nay. Họ dễ chạy theo cơ hội, thiếu kỹ năng cần thiết và rất dễ chịu rủi ro thua lỗ khi thị trường đảo chiều. Điều đáng nói, thiệt hại không chỉ rơi vào nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng đến tính ổn định và bền vững của thị trường.

Điểm phải chú ý nữa là thị trường chứng khoán đang thu hút lượng lớn vốn từ nhà băng. Thậm chí các chuyên gia có dữ liệu tín dụng thực tế chảy vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản và chứng khoán lớn hơn nhiều so với con số thống kê. Nếu chỉ tin hoặc tìm cách đưa ra các con số thống kê để thuyết phục, làm an lòng dư luận thì sẽ không bao giờ khống chế được các bất ổn vĩ mô và bong bóng tài sản.

Vì vậy, Bộ Tài chính một mặt cần có sự giám sát chặt chẽ hơn với các rủi ro, một mặt khác cần có những động thái cảnh báo phù hợp. Trong bối cảnh nền kinh tế chưa ra khỏi khó khăn, ổn định vĩ mô là điều cần đặc biệt quan tâm.

Hà Lan