50 năm Chiến thắng đường 9 - Nam Lào (23.3.1971 - 23.3.2021)

Thành công xuất sắc về chỉ đạo chiến lược của Đảng

- Thứ Bảy, 20/03/2021, 08:53 - Chia sẻ
Từ ngày 30.1 - 23.3.1971, quân dân Việt Nam phối hợp chặt chẽ với nhân dân các bộ tộc và lực lượng vũ trang cách mạng Lào mở chiến dịch phản công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của quân đội Sài Gòn (được Mỹ yểm trợ) ra khu vực Đường 9 - Nam Lào. Thắng lợi này đã làm xoay chuyển cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho cách mạng ba nước Đông Dương; thể hiện thành công xuất sắc về chỉ đạo chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.

Đánh giá đúng âm mưu và hành động của địch

Sau hai năm triển khai chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và đạt được một số kết quả bước đầu, từ cuối năm 1970, Mỹ - Chính quyền Sài Gòn quyết định tập trung lực lượng mở đồng thời ba cuộc hành quân quy mô lớn đánh phá tuyến chi viện chiến lược Bắc - Nam (đường Trường Sơn) của cách mạng ba nước Đông Dương trong mùa khô 1970 - 1971. Đó là cuộc hành quân mật danh “Lam Sơn 719” đánh ra khu vực Đường 9 - Nam Lào (thuộc tỉnh Savannakhet); cuộc hành quân mật danh “Toàn thắng 1/71” đánh lên vùng Kôngpôngchàm và Krachiê (đông bắc Campuchia); cuộc hành quân mật danh “Quang Trung 4” đánh ra vùng ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia.

 Trong ba cuộc hành quân trên, “Lam Sơn 719” có quy mô lớn nhất, lực lượng địch lúc cao nhất lên tới 55.000 quân, huy động hơn 500 xe tăng, xe bọc thép, gần 300 khẩu pháo, 1.000 máy bay các loại; đồng thời còn nhận được sự hỗ trợ từ một bộ phận quân đội phái hữu Lào (9 tiểu đoàn) ở phía tây Đường 9. Mục đích cuộc hành quân “Lam Sơn 719” là đánh phá, cắt đứt hoàn toàn từ gốc tuyến hành lang chi viện chiến lược Bắc - Nam, làm suy yếu sức chiến đấu của cách mạng ba nước Đông Dương; thể nghiệm công thức cơ bản của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”: quân đội Sài Gòn + cố vấn Mỹ + hỏa lực và hậu cần Mỹ; thử thách quyết tâm, khả năng quân sự của miền Bắc Việt Nam, hỗ trợ cho cuộc chiến tranh xâm lược ở Lào và Campuchia; tạo sức ép trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris, buộc ta phải nhân nhượng, chấp nhận giải pháp do Mỹ đưa ra. Địch dự kiến thực hiện cuộc tiến công và các hoạt động đánh phá liên tục kéo dài 3 tháng (từ đầu tháng 2 - 5.1971).

Về phía ta, ngay trong nửa đầu năm 1970, khi đế quốc Mỹ hậu thuẫn các thế lực tay sai tiến hành cuộc đảo chính tại Campuchia, xóa bỏ nền hòa bình trung lập và mở rộng chiến tranh trên bộ sang Campuchia, tháng 6.1970, Bộ Chính trị đã họp nhận định: “Sắp đến, tăng cường đánh phá hành lang chi viện của ta là một trong những âm mưu quan trọng nhất của Mỹ trên chiến trường Lào”. Từ đó, Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng: “Phải có kế hoạch sẵn sàng đánh bại các cuộc tấn công lớn hoặc những hoạt động lấn chiếm, bảo vệ hành lang chiến lược của ta”.

Chấp hành chỉ đạo của Bộ Chính trị, từ mùa Hè năm 1970, Quân ủy Trung ương chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu bắt tay xây dựng kế hoạch tác chiến cho mùa khô 1970 - 1971, thống nhất đánh giá: Mỹ và chính quyền Sài Gòn sẽ mở các cuộc hành quân bộ binh quy mô lớn vượt biên giới đánh phá tuyến vận tải Trường Sơn; đồng thời dự đoán địch sẽ tiến công ở ba hướng: Đường 9 - Nam Lào, vùng ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia và đông bắc Campuchia, trong đó hướng chủ yếu là Đường 9 - Nam Lào.

Công tác chuẩn bị đối phó với âm mưu, hành động của kẻ địch được tiến hành khẩn trương, toàn diện trên tất cả các mặt, các hướng dự kiến. Đặc biệt, đến tháng 10.1970, Binh đoàn 70 - binh đoàn chiến lược đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam được thành lập, gồm 3 sư đoàn bộ binh (304, 308, 320) cùng một số đơn vị binh chủng, tăng khả năng giành thắng lợi trong các chiến dịch lớn. Đến tháng 1.1971, ta đã vận chuyển về khu vực Đường 9 - Nam Lào được trên 6.000 tấn vật chất, bảo đảm phục vụ cho hoạt động tác chiến diễn ra liên tục dài ngày.

Bảo đảm thông tin liên lạc trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào

Ảnh: TTXVN 

Hiệp đồng tác chiến chặt chẽ

Để sẵn sàng đánh tan mọi âm mưu, hành động quân sự của quân đội Sài Gòn ra khu vực Đường 9 - Nam Lào, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã sớm chủ động bàn bạc với Trung ương Đảng Nhân dân Lào cùng nhau đi đến thống nhất về chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, các chiến trường liên quan lập phương án hiệp đồng tác chiến, phát huy sức mạnh tình đoàn kết và liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào.

Chấp hành chủ trương chiến lược đề ra, tháng 9.1970, Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Việt Nam giao Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo các lực lượng vũ trang ở khu vực Đường 9, bao gồm Mặt trận Đường 9 - bắc Quảng Trị (B5), Quân khu Trị - Thiên (B4), Quân tình nguyện Việt Nam tại Nam Lào, Đoàn 559 (Bộ đội Trường Sơn) gấp rút điều chỉnh lực lượng, tổ chức thế trận, sẵn sàng cùng đơn vị chủ lực cơ động của Bộ đánh địch. Tiếp đó, tháng 10.1970, Quân ủy Trung ương Đảng Nhân dân Lào ra nghị quyết về phương hướng nhiệm vụ, kế hoạch quân sự mùa khô 1970 - 1971, trong đó nêu rõ: “Phải chuẩn bị sẵn sàng đánh bại mọi cuộc tiến công quy mô lớn của quân ngụy Sài Gòn và một số quân Mỹ, Thái Lan vào Trung - Hạ Lào (...) phải phối hợp chặt chẽ với chiến trường miền Nam Việt Nam và Campuchia sẵn sàng đón thời cơ giành thắng lợi lớn hơn...”.

Ngày 30.1.1971, quân đội Sài Gòn được Mỹ yểm trợ chính thức mở cuộc hành quân “Lam Sơn 719”. Sau một thời gian tiến hành nghi binh, điều động lực lượng, từ ngày 8.2.1971, địch bắt đầu tổ chức thành 3 cánh quân vượt biên giới, kết hợp với đổ bộ đường không tiến công mãnh liệt vào khu vực Đường 9 - Nam Lào. Trước yêu cầu cấp bách đặt ra, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam hạ quyết tâm mở chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào (mật danh Mặt trận 702), đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Quốc phòng. Thiếu tướng Lê Trọng Tấn - Phó Tổng Tham mưu trưởng được cử làm Tư lệnh; Thiếu tướng Lê Quang Đạo - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị được cử làm Chính ủy, kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm nhiều đơn vị chủ lực mạnh, bao gồm: 5 sư đoàn bộ binh (308, 304, 320, 324 và 2), 4 tiểu đoàn tăng thiết giáp, 4 trung đoàn pháo binh, 4 trung đoàn pháo phòng không, một số tiểu đoàn đặc công cùng lực lượng tại chỗ. Tổng quân số 60.000 người.

Trải qua hơn 50 ngày đêm anh dũng chiến đấu, ta đã giành thắng lợi vang dội, đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của quân đội Sài Gòn, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 21.000 quân chủ lực địch; bắn rơi và phá hủy 556 máy bay, 528 xe tăng, xe bọc thép, 112 khẩu pháo, cối, thu giữ nhiều phương tiện chiến tranh và vũ khí. Lần đầu tiên, ta tổ chức một chiến dịch phản công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn đánh tiêu diệt một tập đoàn quân chủ lực tinh nhuệ của địch.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, chúng ta càng nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn tầm vóc và ý nghĩa của chiến thắng Đường 9 - Nam Lào năm 1971, đúng như Đại tướng Văn Tiến Dũng đã khẳng định: “Ảnh hưởng của chiến dịch lịch sử này vượt xa phạm vi của bản thân nó cả về không gian và thời gian”. 

TS. Trần Hữu Huy - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam