Thảo luận các báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội

Thành công từ sự đồng lòng

- Thứ Bảy, 27/03/2021, 05:33 - Chia sẻ
Thảo luận tại hội trường sáng qua, 26.3, các đại biểu Quốc hội khẳng định, thành công to lớn của đất nước ta từ trước đến nay, đặc biệt là trong 5 năm vừa qua là nhờ vào sự đoàn kết, sự thống nhất, sự đồng lòng. Quốc hội với chức năng của mình, thông qua các hoạt động cụ thể trong việc lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước đã thể chế hóa được đường lối sáng suốt của Đảng, đã tham gia giám sát được hoạt động của Chính phủ, đã làm cầu nối chính thức và hiệu quả giữa Nhân dân và Nhà nước. Đất nước Việt Nam vững vàng đi lên trong sự thống nhất này, Nhân dân tin tưởng, yên lòng vì sự đoàn kết một khối này.

Nền tảng vững chắc cho Quốc hội các khóa tiếp theo.

Ảnh: Quang Khánh

Nhắc lại nhận định của một đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ chiều 25.3, “Khóa XIV là một nhiệm kỳ không trải hoa hồng nhưng chúng ta vẫn thành công và một nhiệm kỳ đã để lại những dấu ấn nổi bật, là những năm tháng không thể nào quên”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, từng đại biểu Quốc hội, từng đoàn đại biểu Quốc hội đã hoàn thành những công việc rất trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân tại hội trường này và trong suốt 5 năm qua, những kỳ họp, những phiên họp, những hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và những hội nghị chuyên đề để bàn về các công việc của Quốc hội. “Chúng ta có quyền tự hào vì những đóng góp của chúng ta, từng đại biểu Quốc hội, từng Đoàn đại biểu Quốc hội, từng cơ quan của Quốc hội đã thực hiện đúng lời hứa với cử tri. Đó là chúng ta hành động vì lợi ích của Nhân dân, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc. Quốc hội Khóa XIV đã để lại một nền tảng vững chãi cho Khóa XV và các khóa tiếp theo” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Giải quyết các vấn đề có tầm chiến lược lâu dài

Khẳng định các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban đã phân tích, làm rõ những kết quả đạt được, ưu điểm cũng như hạn chế, nguyên nhân; đặc biệt, rút ra 6 bài học kinh nghiệm, làm sâu sắc thêm những bài học quý được Quốc hội các Khóa trước đúc rút, nhiều đại biểu nhấn mạnh, đây là những nội dung quan trọng để tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền, trong đó có việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Đi sâu phân tích những dấu ấn tốt đẹp của nhiệm kỳ Khóa XIV, đại biểu Quốc hội Ngô Sách Thực (Bắc Giang) nêu rõ, nhiệm kỳ Khóa XIV có nhiều đổi mới, hoạt động vì dân, thể hiện trên các mặt công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong đó, Quốc hội rất coi trọng công tác lập pháp, với 72 luật, 18 nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 2 pháp lệnh, 23 nghị quyết, là khối lượng công việc rất lớn để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; kịp thời phê duyệt nhiều hiệp định thương mại quốc tế, tạo môi trường thuận lợi, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thể hiện ước nguyện của Nhân dân, của dân tộc; động viên các nguồn lực, đưa đất nước hội nhập, phát triển, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Quốc hội luôn đổi mới, cải tiến các hoạt động giám sát, đặc biệt là 7 chuyên đề giám sát của Quốc hội, là những nội dung có liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của Nhân dân. Phương pháp giám sát bài bản, căn cơ, không những giải quyết những bức xúc trước mắt mà còn tìm ra nguyên nhân để đưa ra biện pháp lâu dài; vừa hoàn thiện thể chế, chính sách, rõ trách nhiệm để thúc đẩy giải quyết các vấn đề qua giám sát. “Tôi đồng tình với các ý kiến là Quốc hội, Chính phủ, không chạy theo ngắn hạn, trước mắt mà giải quyết các vấn đề có tầm chiến lược, lâu dài. Giám sát chuyên đề của Quốc hội đang đi theo hướng này”, đại biểu Ngô Sách Thực nhấn mạnh.

Quốc hội cũng xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, một số công trình trọng điểm quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi, dân tộc thiểu số, chính sách tài khóa, tiền tệ, quy định trần nợ công, lạm phát, phòng chống tham nhũng, lãng phí; hoàn thành khung pháp lý đầu tư công - tư, nâng cao hiệu quả đầu tư công, phát huy các hình thức đầu tư... Những quyết sách này cùng với những nhiệm vụ “thể chế, thể chế và thể chế” đã phát huy hiệu quả, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao sức cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế, hạn chế tác động tiêu cực… Điều quan trọng nhất, theo đại biểu Ngô Sách Thực là, những chính sách đó hợp với lòng dân và được người dân, doanh nghiệp đón nhận, thực hiện.

Bước tiến vượt bậc về dân chủ

"Quốc hội đã góp phần cốt yếu để tạo nên một sự đoàn kết thật sự, một sự đồng lòng sâu sắc và một khối thống nhất cao độ giữa Đảng với Nhà nước và với Nhân dân, cử tri. Thành công to lớn của đất nước ta từ trước đến nay, đặc biệt là trong 5 năm vừa qua là nhờ vào sự đoàn kết, sự thống nhất, sự đồng lòng", đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) khẳng định. Ông cho rằng, với chức năng của mình, thông qua các hoạt động cụ thể về lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội đã thể chế hóa được đường lối sáng suốt của Đảng, đã tham gia giám sát được hoạt động của Chính phủ, đã làm cầu nối chính thức và hiệu quả giữa Nhân dân và Nhà nước. Đất nước Việt Nam vững vàng đi lên trong sự thống nhất này, Nhân dân tin tưởng, yên lòng vì sự đoàn kết một khối này. 

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng cho rằng, nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV đã có bước tiến vượt bậc về tính dân chủ, thể hiện qua việc đổi mới, nâng cấp hoặc tăng thêm tính dân chủ trong hoạt động giám sát, trong xây dựng luật, trong các hình thức phát biểu, tranh luận, chất vấn, tiếp xúc cử tri, tiếp dân. "Điều vui nhất của các đại biểu Quốc hội chúng tôi là đã được tự do thể hiện chính kiến của mình mà không bị bất kỳ một sự hạn chế, một sự cấm cản nào. Tại diễn đàn này, một đại biểu Quốc hội dù ở bất kỳ cương vị nào vẫn có thể chất vấn một Bộ trưởng, một đại biểu Quốc hội là người về hưu vẫn có thể chất vấn Thủ tướng Chính phủ và sự thật những ý kiến hay còn được biểu dương, những ý kiến đúng còn được khen ngợi", đại biểu nói.

Trong 5 năm qua, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, không ít lần chúng ta chứng kiến những cuộc tranh luận nóng bỏng tại hội trường, đã có những dự thảo luật, bộ luật, nghị quyết mặc dù đã được chuẩn bị chu đáo nhưng vẫn được các đại biểu Quốc hội mổ xẻ, thảo luận nhiều chiều, nhiều mặt một cách trách nhiệm, có lý, có tình và yêu cầu sửa lại, soạn lại, thậm chí là không thông qua. "Đó là một sự dân chủ thực sự của Quốc hội Khóa XIV... 5 năm qua, chúng tôi có những lần bấm nút biểu quyết không như nhau, nhưng chắc chắn đó không phải là những nút bấm bất đồng mà đó là nút bấm để tìm được sự tối ưu, sự hợp lý và để cuối cùng đạt đến một kết quả có sức thuyết phục. Đó chính là dân chủ, đó chính là tiến bộ của Quốc hội Việt Nam hiện nay. Cũng nhờ đó mà có Quốc hội Việt Nam thực sự trở thành người đại diện cho Nhân dân, cho cử tri", đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) phát biểu tại hội trường
Ảnh: Q. Khánh

Luôn nghĩ tới liêm chính trong xây dựng luật

Vui mừng với những thành quả đạt được, nhưng các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn, trăn trở trong việc nâng cao chất lượng công tác lập pháp. Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ (An Giang), pháp luật là công cụ điều chỉnh xã hội nên rất cần sự liêm chính trong công tác xây dựng pháp luật. Nếu có liêm chính thì sẽ xây dựng được những văn bản pháp luật khách quan, toàn diện, có ý nghĩa rất tốt trong việc thúc đẩy quan hệ xã hội ngày càng tốt hơn... Nếu thiếu hoặc không có sự liêm chính, đặc biệt là thiếu liêm chính trong quá trình soạn thảo và thẩm tra dự án luật thì sẽ tạo ra những văn bản pháp luật rất nhiều “khuyết tật”.

Điển hình, theo đại biểu Nguyễn Mai Bộ, là tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo trong các dự thảo văn bản pháp luật trình Quốc hội. Sự chồng chéo, mâu thuẫn khiến cho văn bản pháp luật sẽ trở thành công cụ để cơ quan soạn thảo hiện thực hóa lợi ích của bộ, ngành, trong đó có lợi ích xung đột với lợi ích của Nhân dân; hoặc là công cụ để “tiếm quyền” của bộ, ngành khác và trái với quy định Luật Tổ chức Chính phủ cũng như Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Cùng với đó, “vòng đời” các văn bản pháp luật rất ngắn hoặc kéo theo là Chính phủ, Quốc hội phải tốn kém thời gian, kinh phí để ban hành văn bản pháp luật thay thế. 

Từ thực tiễn hoạt động chuyên trách tại cơ quan của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Mai Bộ đánh giá, đa số hoạt động soạn thảo, thẩm tra và thảo luận xây dựng luật "có liêm chính". Chính vì sự liêm chính đó nên Quốc hội đã thảo luận thông qua rất nhiều luật mà không tồn tại những khuyết tật nêu trên, góp phần thúc đẩy quan hệ xã hội và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, vẫn còn đâu đó trong các khâu soạn thảo luật còn thiếu sự liêm chính, đặc biệt là sự “thiếu liêm chính có chủ ý”, cho nên đã có một số ít hồ sơ dự án luật chất lượng rất thấp được trình khiến Quốc hội mất thời gian thảo luận.

Để khắc phục bất cập này, đại biểu Nguyễn Mai Bộ đề nghị Chính phủ, đặc biệt là cơ quan được giao soạn thảo dự luật có giải pháp để khởi động lại sự liêm chính trong khâu soạn thảo luật. Cơ quan thẩm tra, các đại biểu Quốc hội phải luôn nghĩ tới từ “liêm chính” trong việc thẩm tra và phát biểu với mỗi dự án luật.

Ý Nhi