Cung cấp dịch vụ điện qua Cổng dịch vụ công quốc gia

Thân thiện và tiện lợi

- Thứ Ba, 19/01/2021, 06:31 - Chia sẻ
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, ngay sau khi nền tảng thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia được hoàn thành, EVN là đơn vị đầu tiên chuyển đổi dịch vụ thanh toán tiền điện đã được tích hợp trên Cổng sang nền tảng thanh toán của Cổng theo đúng mô hình thiết kế. Đến nay, các dịch vụ điện cũng thuộc nhóm các dịch vụ nổi bật, được nhiều người sử dụng nhất và chiếm tỷ lệ 77,16% số yêu cầu cung ứng dịch vụ trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng

Năm 2020, Tập đoàn đã hoàn thành tích hợp toàn bộ 12/12 dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia và là đơn vị tiên phong chuyển đổi dịch vụ thanh toán tiền điện sang nền tảng thanh toán của Cổng dịch vụ công quốc gia. Để cải cách, đơn giản hóa thành phần hồ sơ trong dịch vụ điện, EVN đã thực hiện rà soát lại quy trình và loại bỏ các giấy tờ như Giấy đề nghị mua điện, giấy tờ tùy thân (trừ trường hợp giấy xác nhận nhân thân của Công an phường, xã nếu khách hàng không có các giấy tờ tùy thân khác) và thay thế bằng các thông tin trên Website giao dịch trực tuyến, thông tin người dùng đã được Cổng dịch vụ công quốc gia xác thực.

Cùng với đó, nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng, trong quy trình kinh doanh của EVN, cho phép bổ sung giấy tờ còn thiếu khi thực hiện khảo sát hoặc thi công tại địa điểm của khách hàng nên Điện lực có thể thực hiện chụp ảnh hồ sơ và kiểm chứng các thông tin này ngay tại địa điểm của khách hàng. EVN đẩy mạnh việc triển khai cung cấp dịch vụ theo phương thức điện tử để thiết lập trải nghiệm các dịch vụ điện của khách hàng.

Nhân viên ngành điện hướng dẫn khách hàng thực hiện dịch vụ công trực tuyến
Nguồn: ITN

Đại diện EVN cho biết, công tác quản trị vận hành được EVN chỉ đạo phân công cụ thể cho từng đơn vị, bảo đảm hệ thống kết nối cung cấp dịch vụ được vận hành liên tục. Việc quản trị dịch vụ điện tại địa chỉ quantri.dichvucong.gov.vn được EVN thực hiện thường xuyên để kịp thời phát hiện và phối hợp với VNPT xử lý thông tin, bảo đảm tính thống nhất giữa hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống cung cấp dịch vụ của EVN.

Cùng với đó, EVN đã triển khai thí điểm tích hợp các hệ thống kỹ thuật và kinh doanh nhằm giảm thủ tục và rút ngắn thời gian giải quyết các yêu cầu cấp điện mới. Vì vậy, thời gian giải quyết các thủ tục cấp điện trung áp của Điện lực bình quân là 3,17 ngày, giảm 0,66 ngày so với năm 2019. Thời gian cấp điện qua lưới điện hạ áp bình quân cho khách hàng sinh hoạt khu vực thành phố, thị xã, thị trấn là 2,27 ngày, khu vực nông thôn là 2,67 ngày và khách hàng ngoài sinh hoạt là 2,66 ngày.

Về thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, theo đánh giá của EVN, hiện tỷ lệ khách hàng không dùng tiền mặt toàn Tập đoàn đạt 71,48%, cao hơn 11,48% so với kế hoạch. Các Tổng công ty Điện lực đều vượt kế hoạch giao; trong đó, EVNHANOI đạt 99,68%, EVNHCMC đạt 98,68%, EVNSPC đạt 81,45%, EVNCPC đạt 60,59% và EVNNPC đạt 54,36%.

Nỗ lực, chủ động từ các đơn vị thành viên

Để tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thành viên, cán bộ, công nhân viên trong toàn Tập đoàn tạo tài khoản và sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đến nay, các Tổng công ty Điện lực đã tiếp nhận trên 9,37 triệu yêu cầu dịch vụ điện; trên 9 triệu yêu cầu được tiếp nhận qua Trung tâm Chăm sóc khách hàng (CSKH), Trung tâm Hành chính công, Dịch vụ công; các yêu cầu tiếp nhận qua Internet chiếm tỷ lệ 11,64%.  

Các Tổng công ty Điện lực cũng tiếp nhận trên 2 triệu yêu cầu cung cấp trực tuyến mức độ 4; trong đó, tiếp nhận tại phòng giao dịch khách hàng là 16,07% và 83,93% tiếp nhận qua Trung tâm Chăm sóc khách hàng, Trung tâm Hành chính công, Dịch vụ công; riêng tiếp nhận qua internet là 50,85%. Bên cạnh đó, các đơn vị còn tiếp nhận 1,22 triệu yêu cầu cung cấp dịch vụ điện theo phương thức điện tử trên tổng số 1,44 triệu yêu cầu, đạt tỷ lệ 78%, vượt kế hoạch 28%. Các Tổng công ty Điện lực đều vượt kế hoạch EVN giao (50%); trong đó, Tổng công ty điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) thực hiện tốt nhất đạt 92%, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đạt 83%, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đạt 81%, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) đạt 75% và Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đạt 67%. 

Trong năm 2020, các Tổng công ty Điện lực còn hoàn thành các dự án cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm cho xã đảo Nhơn Châu (Bình Định), đảo Trần (Quảng Ninh); triển khai dự án cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) và tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống cấp điện tại huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 đáp ứng nhu cầu điện phục vụ đời sống của cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân trên huyện đảo. Bên cạnh nguồn vốn ngân sách nhà nước, các đơn vị đã chủ động thu xếp các nguồn vốn với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng để cấp điện cho gần 14.000 hộ dân chưa có điện tại địa bàn khó khăn thuộc các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Thái Nguyên, Kon Tum, Bạc Liêu...

Nhờ tập trung thực hiện đầu tư lưới điện nông thôn các Tổng công ty Điện lực đã góp phần nâng cao tỷ lệ số xã nông thôn đạt tiêu chí số 4 (tiêu chí về điện) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới lên 87,9%. Tính đến cuối năm 2020, số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,54%; trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,3%.

Dương Cầm