Tham vấn lần thứ ba về Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021- 2030

- Thứ Sáu, 27/11/2020, 22:02 - Chia sẻ
Phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Đó là nhận định được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo tham vấn nội dung cơ bản của Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021- 2030 do Tổng cục GDNN (Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội) tổ chức ngày 27.11, tại Cà Mau.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân phát biểu (Ảnh: Đức Kiên)

Hội thảo có sự tham dự của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân cùng hơn 200 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, đại diện các cơ sở GDNN trên cả nước và Phó Giám đốc Chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (GIZ) Britta van Erckellens (dự trực tuyến). TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN dự và chỉ đạo trực tuyến từ trụ sở Tổng cục GDNN.

         Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng phát biểu chỉ đạo trực tuyến từ trụ sở Tổng cục GDNN

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Lê Quân nhấn mạnh, GDNN của chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó, thách thức về đội ngũ giảng viên đang rất khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải "tháo" được cơ chế để các thầy cô gần hơn với thị trường lao động, phải đào tạo bồi dưỡng và có chế độ đãi ngộ để thầy cô năng động hơn.

Từ điểm cầu trụ sở Tổng cục GDNN, Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng đã chia sẻ với những khó khăn của các cơ sở GDNN. Đồng thời mong muốn, lần tham vấn này, các đại biểu tham dự sẽ dành hết tâm huyết, phân tích, đánh giá và đề xuất những giải pháp giải quyết các vấn đề còn tồn tại của GDNN cũng như các giải pháp phát triển lĩnh vực này trong tương lai. “Làm sao để chúng ta có được một bản Chiến lược phát triển GDNN xứng tầm nhất và là “sợi dây” xuyên suốt, làm cơ sở, làm định hướng để thúc đẩy sự phát triển hệ thống GDNN trong thời gian 10 năm tới” – ông Trương Anh Dũng nhấn mạnh.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Tổng cục GDNN Khương Thị Nhàn phát biểu. (Ảnh: Đức Kiên)

Báo cáo tóm tắt nội dung cơ bản của Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Tổng cục GDNN Khương Thị Nhàn cho biết, Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đã nêu rõ định hướng phát triển đất nước trong 10 năm tới và các năm tiếp theo là: “Nước ta trở thành một nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm trên của nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045”. Cũng theo Dự thảo Chiến lược, Đảng vẫn khẳng định, “tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược”. Đây cũng là những tiền đề cơ bản cho Ban soạn thảo xây dựng Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030.

TS. Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II phát biểu. (Ảnh: Đức Kiên)

Thực tế, trong mười năm (2011 – 2020), dạy nghề và GDNN đã có sự phát triển khá mạnh mẽ và toàn diện cả về cơ chế, chính sách và kết quả thực hiện. Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030 nêu rõ mục tiêu hình thành và phát triển hệ thống GDNN phù hợp theo hướng mở, linh hoạt, chất lượng, hiệu quả, dễ tiếp cận, công bằng và bền vững. Tạo chuyển biến mạnh mẽ chất lượng và hiệu quả của GDNN, nhất là đào tạo chất lượng cao, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng cả về số lượng, cơ cấu, chất lượng cho doanh nghiệp và thị trường lao động, gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Phạm Vũ Quốc Bình kết luận Hội thảo. (Ảnh: Đức Kiên)

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, các đại biểu cho rằng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó giải pháp: Đảm bảo tính phù hợp, linh hoạt và mở của hệ thống; Tăng cường gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững và Quản lý, đảm bảo chất lượng là những giải pháp đột phá.

Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: Đức Kiên)
Thái Bình