Thẩm mỹ và trách nhiệm

- Thứ Hai, 08/03/2021, 19:31 - Chia sẻ
Khi thẩm mỹ chui còn hoành hành thì pháp luật về khám chữa bệnh bị vô hiệu hóa và người phụ nữ mong muốn làm đẹp sẽ “chịu trận”.

Mới đây, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa phát hiện cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ chui ngay trung tâm quận 1. Theo đó, ngày 5.3, nhận được thông tin từ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP Hồ Chí Minh, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở “View Plastic Surgery”, tại địa chỉ số 228, Hai Bà Trưng, phường Tân Định, quận 1 đang mở cửa hoạt động và có một khách hàng đang ngồi chờ. Đại diện cơ sở xuất trình Giấy đăng ký kinh doanh nhưng không xuất trình được Chứng chỉ hành nghề, Giấy phép hoạt động theo quy định của Luật Khám, chữa bệnh. Và đây cũng không phải là cơ sở đầu tiên mà ngành Y tế phát hiện tình trạng thẩm mỹ chui.

Cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ không phép Comeback Beauty
Cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ không phép Comeback Beauty, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh nguồn: baomoi.com)

Trong xã hội hiện đại, khi nhu cầu làm đẹp của người phụ nữ ngày càng cao thì cơ sở thẩm mỹ cũng mọc theo như nấm. Làm đẹp vốn là một nhu cầu chính đáng nhưng khi đòi hỏi có sự can thiệp của y học, phẫu thuật thì cần tuân thủ tiêu chuẩn y tế ngặt nghèo, điều kiện đảm bảo chặt chẽ, bác sĩ chuyên ngành và cơ sở có giấy phép hoạt động. Đây là vấn đề mà pháp luật đặt ra nhằm bảo vệ sức khỏe của công dân. Điều này không chỉ đòi hỏi ngành Y tế mà cả chính quyền nơi cơ sơ đăng ký hoạt động phải có sự quản lý kịp thời, chặt chẽ. Tình trạng cơ sở thẩm mỹ chui ngang nhiên hoạt động trước hết có trách nhiệm của chính quyền, của ngành Y tế còn yếu kém, quản lý lỏng lẻo hay cố tình làm ngơ cho tồn tại? Chính những cơ sở thẩm mỹ chui, những bác sĩ không chuyên ngành; cơ sở giấy phép nhập nhèm… đã gây những tai nạn thương tâm, tiền mất tật mang có khi còn mất cả sinh mạng như trương hợp chị  Lê Thị Thanh Huyền ở Hà Nội 2013 hay các trường hợp mới đây ở  TP Hồ Chí Minh.

Nhu cầu làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ cần được ủng hộ và bảo vệ đúng mức. Ở đây có câu chuyện cung- cầu và sự nhanh nhạy, chủ động đáp ứng của ngành Y tế trên lĩnh vực y học thẩm mỹ. Tuy nhiên, nếu không có sự đầu tư, đào tạo, tổ chức bài bản, hệ thống thì các cuộc phẫu thuật y tế làm đẹp dễ bị xem nhẹ, lạm dụng và ra khỏi vòng kiểm soát chặt chẽ của những tiêu chí y học. Hậu quả là những thương tật, di tật, nhiều khi là cả sinh mạng âm thầm hoặc ồn ào trả giá. Đây còn là việc đấu tranh với những thông tin, quảng cáo về lĩnh vực liên quan đến y tế thiếu trách nhiệm, dễ dãi, đánh vào tâm lý một bộ phận phụ nữ muốn thẩm mỹ làm đẹp “nhanh, dễ và rẻ” không đau đớn gì. Chỉ vài tiếng phẫu thuật xong là đẹp “như tiên” mà không tốn tiền “bảo hành, bảo dưỡng” theo dõi sức khỏe và cả tiến triển sau phẫu thuật thẩm mỹ.

Bên cạnh đó, khi chúng ta quyết định phẫu thuật thẩm mỹ cần chia sẻ với gia  đình, người liên quan có trách nhiệm… Đây là điều bắt buộc trong khám chữa bệnh bình thường dù chỉ một ca tiểu phẫu và luôn cần quá trình theo dõi, điều trị “hậu phẫu” theo thời gian. Mặt khác, không thể quá tin vào những thông tin quảng cáo, hình ảnh so sánh quảng bá trên mạng internet hay những lời tư vấn của các cơ sở thẩm mỹ. Đặc biệt cần thận trọng lựa chọn cơ sở có uy tín, có giấy phép và bác sĩ chuyên ngành. Không thể ham rẻ, muốn làm đẹp nhanh… mà gửi gắm sức khỏe, sinh mạng của mình vào những cơ sở “chui”  và chính mình cũng “chui” ra khỏi vòng bảo vệ của pháp luật.

Làm đẹp là một nhu cầu tự nhiên, chính đáng và rất cần thiết nhưng cách làm đẹp không phải là lựa chọn may rủi mà cần thận trọng theo những tiêu chí, tiêu chuẩn y học. Có như vây chúng ta mới có thêm nhiều phụ nữ đẹp, tự tin, khỏe mạnh và giảm bớt những tai nạn nghiệt ngã không đáng có.

Thanh Hà