Thái Bình: Đề án khuyến công phải có tính lan tỏa

- Thứ Hai, 01/11/2021, 06:49 - Chia sẻ
Thời gian qua, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) có hướng đầu tư đúng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh. Giai đoạn 2021 - 2025, với kinh phí gần 55,5 tỷ đồng, tỉnh sẽ tập trung thực hiện các đề án có tính lan tỏa cao.
Thái Bình phấn đấu hoàn thành 100% các kế hoạch khuyến công hàng năm
Nguồn: ITN

70% lao động có thu nhập ổn định

Sở Công thương tỉnh Thái Bình cho biết, giai đoạn 2014 - 2020, tỉnh triển khai 232 chương trình, đề án khuyến công với kinh phí 34,2 tỷ đồng. Cụ thể, tổ chức, đào tạo nghề cho hơn 5.000 lao động, số lao động có việc làm đạt trên 70%, thu nhập ổn định. Hỗ trợ xây dựng 4 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; 106 cơ sở được hỗ trợ ứng dụng máy móc hiện đại. Bên cạnh đó, hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm CNNT cho các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn.

Công ty TNHH Palltet Môi Trường Xanh (huyện Đông Hưng) chuyên sản xuất và cung cấp các mặt hàng như bể biogas, Pallet nhựa. Năm 2019, Công ty đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến với tổng kinh phí 20 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 40 lao động, thu nhập bình quân 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Năm 2020, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Thái Bình (Trung tâm) hỗ trợ Công ty Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất Pallet nhựa. Giám đốc Công ty Ngô Duy Đông chia sẻ, sự hỗ trợ của chương trình khuyến công đã giúp công ty đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại. Từ đó, tạo động lực để công ty mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất và đủ sức cạnh tranh trên thị trường. 

Hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh bước đầu đã hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở CNNT thúc đẩy phát triển sản xuất, ứng dụng công nghệ tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Tuy vậy, hoạt động vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhất là khi nguồn kinh phí còn ít, các đối tượng, điều kiện thủ tục tiếp cận thụ hưởng chính sách khuyến công vẫn có nhiều mặt hạn chế. 

Đúng đối tượng, mục đích

Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thái Bình Bùi Đức Hạnh nhấn mạnh, thông qua việc thực hiện các chương trình khuyến công đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm. Cụ thể, phải thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chính sách về hoạt động khuyến công để các thành phần kinh tế nắm và hiểu rõ. Khi xây dựng kế hoạch khuyến công từ cơ sở cần bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phải có sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ trong suốt quá trình lập, triển khai, giám sát, kết thúc đề án. Cán bộ khuyến công phải năng động, nhiệt tình, nắm rõ tình hình của cơ sở. Cùng với đó, kiểm tra, báo cáo định kỳ những vướng mắc, tham mưu đề xuất với các cấp để kịp thời tháo gỡ.

Giai đoạn 2021 - 2025, Thái Bình phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch khuyến công quốc gia và địa phương. Với tổng kinh phí gần 55,5 tỷ đồng, tỉnh sẽ tổ chức, đào tạo nghề cho 2.000 lao động; hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho gần 90 cơ sở CNNT; hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề giới thiệu sản phẩm với khách hàng trong và ngoài nước; giúp 20 sơ sở đăng ký thương hiệu nhằm khẳng định vị thế của sản phẩm. 

Đại diện Sở Công thương Thái Bình đề xuất, Bộ Công thương cần tăng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia để hoạt động khuyến công được phát triển theo chiều rộng và chiều sâu. Về phía địa phương, cần tăng thêm nguồn kinh phí sự nghiệp khuyến công địa phương đến năm 2025 là 10 tỷ đồng/năm để phục vụ mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề tăng năng suất, chất lượng.

UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu, khi thực hiện đề án khuyến công cần đúng đối tượng, mục đích; bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Các đề án phải có tính lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển CNNT, phù hợp với chiến lược, quy hoạch tỉnh. Bên cạnh đó, nội dung đề án phải phù hợp với Nghị định 45/2012/NĐ-CP, các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ phải bố trí đủ kinh phí thực hiện đề án và cam kết chưa được hỗ trợ từ bất kỳ nguồn kinh phí nào của Nhà nước cho cùng một nội dung.

Hạnh Nhung