Thách thức nào chờ vaccine Covid-19?

- Thứ Bảy, 14/11/2020, 06:29 - Chia sẻ
Thế giới dường như thở phào sau khi Công ty Pfizer (Mỹ) thông báo vaccine Covid-19 của họ và đối tác BioNTech SE (Đức) cho hiệu quả hơn 90% trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Tuy nhiên, điều kiện bảo quản ngặt nghèo cũng như khả năng phủ sóng khó đang khiến loại vaccine này có nguy cơ trở thành vaccine dành cho người giàu.

Cẩn trọng về mức độ tác dụng

Vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer và BioNTech gồm 2 liều và tiêm cách nhau 3 tuần. Các thử nghiệm ở Mỹ, Đức, Brazil, Argentina, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ đều cho thấy khả năng bảo vệ của vaccine này đạt đến 90% sau khi tiêm liều thứ 2 một tuần. Các công ty này cho biết không phát hiện mối lo ngại nghiêm trọng về tính an toàn của vaccine và dự kiến nộp đơn xin sử dụng khẩn cấp vào cuối tháng 11.

Nguồn: FT

Tuy các nhà khoa học hôm 9.11 cho rằng kết quả thử nghiệm ban đầu vượt xa kỳ vọng của họ nhưng vẫn tồn tại nhiều hoài nghi, như liệu vaccine nói trên có thể ngăn bệnh hoặc triệu chứng nặng hay không, thời gian bảo vệ bao lâu và hiệu quả đến đâu đối với người cao tuổi.

Bà Eleanor Riley, chuyên gia về miễn dịch học và bệnh truyền nhiễm của Trường ĐH Edinburgh (Scotland), chỉ ra rằng 2 công ty không nói gì về độ tuổi của các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm. "Nếu một loại vaccine có tác dụng giúp bệnh tật bớt nghiêm trọng và giảm các trường hợp tử vong... nó sẽ cần hiệu quả đối với người cao tuổi" - bà Riley nói.

Bên cạnh đó, giới chuyên gia chưa được biết một số thông tin khác, như mức độ nghiêm trọng của các trường hợp mắc bệnh được ghi nhận trong thử nghiệm và khả năng miễn dịch kéo dài bao lâu. Cũng theo bà Riley, thông tin trên khiến chúng ta có lý do để thận trọng dù vẫn lạc quan.

Trước mắt, theo trang The Hill, vaccine của Pfizer và BioNTech vẫn cần những dữ liệu an toàn đủ để thuyết phục Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép ủy quyền sử dụng khẩn cấp (EUA).

Pfizer và BioNTech cho biết sẽ có đủ dữ liệu an toàn trong tuần thứ 3 của tháng 11 để trình vaccine của họ lên FDA xem xét. Một điều quan trọng nữa là cần tiếp tục nghiên cứu xem các cá nhân được tiêm chủng có bị tác dụng phụ nào trong dài hạn hay không. Vaccine trên đã được thử nghiệm trên 43.500 người tại 6 nước và vẫn chưa có vấn đề an toàn nào phát sinh. Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng thường mất vài năm để bảo đảm không có chuyện gì xảy ra với vaccine.

Nói về tính hiệu quả của một loại vaccine, ông Peter Hotez, chuyên gia của Trường ĐH Y Baylor (Mỹ), cho rằng lý tưởng nhất là nó làm giảm nguy cơ bị bệnh nặng và phải nhập viện, đồng thời ngăn lây nhiễm. Tuy nhiên, nhiều thử nghiệm vaccine Covid-19 hiện nay không được thiết kế để chứng minh chúng có những hiệu quả như thế.

Một phần lý do là số lượng trường hợp bệnh nặng phải nhập viện chỉ chiếm một phần nhỏ các ca Covid-19 có triệu chứng. Vì thế, số lượng ca bệnh nặng khó có thể xuất hiện nhiều trong các cuộc thử nghiệm.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cuối tháng 4, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện chỉ chiếm khoảng 3,4% trường hợp nhiễm bệnh có triệu chứng. Vì thế, ngay cả với một thử nghiệm với số tình nguyện viên là từ 30.000 người trở lên, số ca bệnh nặng cũng không đáng kể nên dữ liệu thu thập được không đủ để đánh giá.

Hiệu quả ngăn lây nhiễm virus SARS-CoV-2 không phải là mục tiêu của nhiều cuộc thử nghiệm vaccine Covid-19 hiện nay. Theo đài RT (Nga), chi phí và thời gian là những thách thức không nhỏ đối với các công ty thử nghiệm vaccine Covid-19. Chẳng hạn như một cuộc thử nghiệm có khoảng 30.000 người tham gia tốn từ 500 triệu USD đến 1 tỷ USD. Để đánh giá được hiệu quả của vaccine đối với các ca bệnh nặng hoặc sự lây nhiễm đòi hỏi một cuộc thử nghiệm có quy mô gấp 10 lần như thế, kéo theo chi phí cũng cao gấp 10 lần. Trong bối cảnh khẩn cấp của đại dịch Covid-19, thỏa hiệp là điều khó tránh.

Thách thức trong “phủ sóng” vaccine

Chính phủ Mỹ có thể bắt đầu tiêm chủng cho người dân ngay trong tháng 12 nếu Công ty Pfizer (Mỹ) trình dữ liệu an toàn về quá trình thử nghiệm vaccine Covid-19 sớm như mong đợi. Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar và chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm Anthony Fauci đều khẳng định rằng những nhóm thuộc diện ưu tiên hàng đầu, như người lớn tuổi, nhân viên y tế và lực lượng phản ứng nhanh, sẽ được tiêm chủng đầu tiên. Mỹ đã ký hợp đồng trị giá 1,95 tỷ USD với Pfizer để được cung cấp 100 triệu liều vaccine cho 50 triệu người và có thể mua thêm 500 triệu liều nếu cần.

Tuy nhiên, dù kết quả thử nghiệm vaccine Covid-19 có tín hiệu khả quan, các nước phải đối mặt thách thức kế tiếp là thuyết phục người dân tiêm phòng. Ngoài những thắc mắc về hiệu quả, còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến khả năng phủ sóng của vaccine Covid-19. Phong trào chống vaccine được nhắc đến nhiều hơn sau thông báo của Pfizer và BioNTech. Nhiều cuộc thăm dò được thực hiện trước và trong đại dịch Covid-19 cho thấy niềm tin của người dân không ổn định và sự phân cực chính trị cùng những thông tin sai lệch trên mạng càng làm niềm tin ấy lung lay. Nhiều người tỏ ra lo ngại về quá trình phát triển vaccine Covid-19 được tăng tốc.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính khoảng 70% người dân trong cộng đồng phải được tiêm phòng để ngăn sự lây nhiễm virus. Tuy nhiên, vaccine tiềm năng một khi được thông qua cũng chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu lớn nên các chuyên gia cho rằng ngành y tế vẫn chưa thể giảm bớt áp lực.

Vaccine dành cho người giàu?

Nếu được phê chuẩn, vaccine của Pfizer sẽ trở thành vaccine "mong manh" nhất từng được sử dụng tại Mỹ, khiến giới chức y tế tại các bang lo ngại quá trình phân phối sẽ khó diễn ra suôn sẻ. Theo CNN, vaccine này cần được bảo quản ở nhiệt độ khoảng -75 độ C, lạnh hơn khoảng 50 độ C so với bất cứ vaccine nào từng được sử dụng tại Mỹ. Loại vaccine này sẽ hỏng sau 5 ngày rã đông và mỗi người cần tiêm hai mũi. Điều đó có nghĩa là các quốc gia phải xây dựng từ đầu các mạng lưới bảo quản và vận chuyển đông lạnh cần thiết để vaccine tồn tại. Sự đầu tư và phối hợp khổng lồ này chỉ các quốc gia giàu có mới bảo đảm được quyền tiếp cận - thậm chí sau đó có lẽ chỉ những người dân thành thị mới có thể hưởng lợi, theo Đài truyền hình Bloomberg. Chi phí triển khai tiêm vaccine Pfizer có thể sẽ làm dấy lên những lo ngại rằng các quốc gia giàu có hơn sẽ có được loại vaccine tốt nhất trước tiên, bất chấp Tổ chức Y tế Thế giới nỗ lực hỗ trợ chương trình Covax nhằm huy động 18 tỷ USD để mua vaccine cho các nước nghèo hơn.

Các nước đang phát triển đang phải đối mặt với việc trả tiền xây dựng cơ sở hạ tầng chuỗi lạnh sâu subzero rất đắt đỏ. Ngay cả với các quốc gia giàu có đã đặt mua trước liều lượng, bao gồm Nhật Bản, Mỹ và Anh, việc vận chuyển vaccine Pfizer vẫn sẽ gặp phải những trở ngại đáng kể có khả năng làm hư vaccine như: Xe tải bị hỏng, điện bị cắt, công nhân thiết yếu bị ốm và băng tan.

Đạt Quốc