Góc nhìn văn hóa

Tế nhị

- Thứ Tư, 01/06/2016, 08:22 - Chia sẻ

Tế nhị là một đặc điểm trong tính cách của người Việt ta. Tính từ này chỉ sự ý tứ, khéo léo, uyển chuyển, nhẹ nhàng, biết “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” trong mọi mối quan hệ xã hội. Người xử sự tế nhị luôn rất tâm lý, nắm bắt nhanh ý nghĩ, cảm xúc của người khác, có khả năng “đi guốc trong bụng” để dễ dàng đáp ứng, chiều theo mong muốn của đối tượng tiếp xúc. Vì vậy mà luôn khiến họ thấy dễ chịu, thú vị. Tế nhị như một bảo bối, vũ khí đắc hiệu để chinh phục trái tim con người. Ai có phẩm chất này rất dễ dàng, thuận tiện trong thu phục người khác. Như vậy, hiển nhiên đây là một ưu điểm. Bất cứ ai cũng cần phấn đấu để có và phát huy.

Nhưng trong đời sống xã hội hiện nay, tính từ tốt đẹp này ở nhiều trường hợp đã bị chuyển dịch ý nghĩa. Rất nhiều khi, người ta sử dụng nó để thực hiện những ứng xử mang tính tiêu cực, lẩn tránh sự công bằng, minh bạch. Chân lý lắm khi bị dìm lấp để nhường chỗ cho xử sự thuần túy để bảo vệ, duy trì các mối quan hệ vụ lợi. Khi ấy, người ta đã vận dụng từ “tế nhị” để biện minh cho hành vi của mình. Và như thế, tình riêng đã lấn át cái chung, vượt lên mọi lý, luật.

Ta vẫn thường thấy những hiện tượng đại loại như sau trong cuộc sống hàng ngày. Một nhóm người có chức năng đi kiểm tra trật tự vỉa hè, lòng đường, đã dẹp rất kiên quyết cả tuyến phố dài vi phạm quy định. Bàn, ghế, mọi đồ dùng liên quan đến kinh doanh bày ra vỉa hè đều bị ném lên xe chuyên dụng đưa về nơi tập kết xử lý. Trong thời khắc ấy, những người thi hành công vụ tỏ ra rất nghiêm, giữ đúng vai trò, coi việc giữ gìn phép công là tối thượng, bất chấp sự năn nỉ hoặc mọi biểu hiện khác của đương sự. Nhưng đến một quãng phố khác, họ lại cho xe chạy qua mà không tiếp tục xử lý mặc dù nơi này cũng vi phạm trật tự chẳng khác gì quãng phố kia. Sau dân tìm hiểu mới biết quãng phố lộn xộn kia được “tha”, bởi một người kinh doanh ở đó là bà con thân thích với “sếp” của nhóm người đi dẹp trật tự, và họ đã “tế nhị” bỏ qua. Cũng vì thế mà hàng chục hộ kinh doanh gần người này được hưởng lây sự “tế nhị”. Ở đây, sự tế nhị đồng nghĩa với thói vô trách nhiệm. Cái tình đối với vị quan kia chẳng qua chỉ là sự nịnh bợ nhất thời.

Trong một hội nghị tổ chức để quần chúng góp ý cho đảng viên tại cơ quan nọ, mọi người chẳng dè dặt góp cho vị bí thư chi bộ kiêm giám đốc với quan điểm khá thẳng thắn. Nhưng với một trưởng phòng và vị phó giám đốc thì lại dè dặt, góp ý rất nhẹ nhàng. Hóa ra, vị giám đốc chỉ còn mấy tháng nữa là nghỉ hưu, vị phó sẽ lên thay và trưởng phòng sẽ lên làm phó giám đốc. Với hai người này, anh chị em còn làm việc lâu dài, lại dưới quyền, nên họ cần… tế nhị.

Hay một quý tử cậy cha mình là quan to đã luôn coi trời bằng vung, không coi ai ở cơ quan ra gì. Từ lãnh đạo đến mọi người đều rất ngán, đau đầu về trường hợp này. Nhưng đã không có bất cứ biện pháp gì để giáo dục chàng thiếu gia, kể cả một lời chính thức báo cáo lên người cha. Tất cả đều cùng ý nghĩ: Trường hợp này quả là rất khó xử vì cần… tế nhị. Quả là mọi người tỏ ra rất có tình và tế nhị trong ứng xử với vị chức sắc kia. Nhưng đó là một biểu hiện hoàn toàn tiêu cực, chỉ vì cái gọi là “tế nhị” hão huyền mà bỏ qua rất nhiều nguyên tắc về luật lao động, về duy trì kỷ cương và sự công bằng trong cơ quan. Sự lộng hành của cậu ta chẳng khắc gì nạn kiêu binh. Chỉ cậu ta mới có quyền ngang ngược còn mọi người khác thì không thể. Đó chính là sự không công bằng. Và cao hơn là vô tình mà đã trở nên vô trách nhiệm với chính thiếu gia. Chắc chắn, cứ với kiểu “tế nhị”, duy tình của cơ quan nọ và sự thiếu trách nhiệm của người cha kia, cậu quý tử sẽ chẳng thể có tương lai tốt đẹp nếu hiện trạng kéo dài.

“Tế nhị” đã bị lạm dụng trong nhiều trường hợp để trở nên mất ý nghĩa tích cực, cũng không còn nét đẹp văn hóa là như thế. 

TS. Nguyễn Đình San