Tất cả vì yêu cầu chống dịch

- Chủ Nhật, 31/01/2021, 08:09 - Chia sẻ
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, đối với các địa phương có dịch bệnh bùng phát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, Bộ đề nghị cần tạm ngừng hoạt động tổ chức lễ hội, hoạt động dịch vụ kinh doanh karaoke, vũ trường, các hoạt động văn hóa tập trung đông người.

Bộ cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ sở huấn luyện, cơ sở kinh doanh dịch vụ thể dục thể thao và các cơ sở hoạt động thể dục thể thao thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó, UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch trong lĩnh vực hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch tại địa phương…

Tết Nguyên đán 2021 đang đến rất gần, đây cũng là thời điểm diễn ra rất nhiều lễ hội. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19 bùng phát, việc tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa, du lịch phải được các địa phương cân nhắc để bảo đảm quy định về phòng chống dịch. Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản đề nghị các địa phương tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch thể hiện sự sát sao, chủ động, tích cực của Bộ, cùng với cả hệ thống chính trị vì mục tiêu cao nhất là ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.

Xác định rõ nhiệm vụ “chống dịch như chống giặc”, nhằm ngăn ngừa lây lan của dịch Covid-19, nhiều địa phương cũng đã chủ động trong việc nói “không” với tổ chức các lễ hội lớn. Đơn cử, mới đây, UBND tỉnh Nam Định đã đồng ý về việc dừng tổ chức lễ hội khai ấn đền Trần và chợ Viềng Xuân 2021 để bảo đảm an toàn, phòng ngừa các nguy cơ có thể lây lan dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng.

Có thể nói, những ngày này, Việt Nam đang ở vào thời điểm “nóng” của dịch Covid-19, sự bùng phát của dịch lần này phức tạp hơn bởi biến thể virus mới với tốc độ lây lan nhanh. Để sớm ngăn chặn dịch, đội ngũ nhân viên y tế căng mình chống dịch sẽ là chưa đủ, mà cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các địa phương trong việc kiểm soát các trường hợp đi về từ vùng dịch. Và đặc biệt, mỗi người dân phải tự ý thức được việc phòng và chống dịch để bản thân không mang lại nguồn lây nhiễm trong cộng đồng.

Nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh, một số địa phương đã phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội. Từ 12h trưa ngày 28.1, Hải Dương đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội đối với toàn thành phố Chí Linh để phòng, chống dịch Covid-19. Tính đến trưa qua (ngày 30.1), tỉnh Quảng Ninh có 2 địa phương gồm thị xã Đông Triều và huyện Vân Đồn phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội và 5 xã, thị trấn bị phong tỏa hoàn toàn gồm Bình Dương, Thủy Sinh, An Sinh, Nguyễn Huệ (Đông Triều) và thị trấn Cái Rồng (Vân Đồn) do liên quan đến ổ dịch ở TP. Chí Linh (Hải Dương) và sân bay Vân Đồn…

Nhấn mạnh phải “nhanh chóng dập dịch hiệu quả trước Tết, khoanh gọn các ổ dịch là nhiệm vụ rất quan trọng hiện nay”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý cho dừng các hoạt động không cần thiết, tập trung đông người; các lễ ăn mừng; các trận bóng đá tập trung, các hoạt động đông người, đám cưới, đám tang… Những địa phương có ca nhiễm mới trong cộng đồng cần thực hiện giãn cách xã hội đối với các khu vực có nguy cơ cao. Mức độ khoanh vùng do UBND các địa phương phối hợp với Bộ Y tế quyết định hợp lý, chặt chẽ. Tuy nhiên, việc thực hiện giãn cách không làm quá rộng, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn. “Không bế quan, tỏa cảng nhưng phải kiểm soát người ra vào địa phương mình”, Thủ tướng lưu ý.

Chỉ đạo của Thủ tướng đã rõ, các địa phương cần căn cứ theo tình hình cụ thể để thực hiện giãn cách cho phù hợp. Các cấp các ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch. Đặc biệt là người dân cần phải có ý thức tuân thủ trong phòng chống dịch. Nếu tổ chức, cá nhân nào không tuân thủ phải xử lý nghiêm để răn đe.

Việc thực hiện giãn cách xã hội đối với những điểm “nóng” của dịch Covid -19 có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn nhưng việc giãn cách lúc này là cần thiết. Bởi nếu không có biện pháp ứng phó, không áp dụng giãn cách kịp thời, thiệt hại về người, kinh tế sẽ khôn lường.

Lê Hùng