Đọc lại Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tất cả vì Nhân dân

- Thứ Tư, 01/09/2021, 07:11 - Chia sẻ
Thời gian trôi đi, càng đọc và suy ngẫm bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta càng phát hiện ra nhiều điều thú vị. Bản Di chúc nói đến tất cả các vấn đề của đất nước nhưng nội dung bao trùm là tấm lòng và tình cảm của Bác đối với Nhân dân.

Kế thừa tư tưởng những người đi trước

Bản Di chúc Bác ký vào ngày 15.5.1965 nhưng được viết vào 9 giờ sáng ngày 10.5. Trước đó, ngày 15.2.1965 Bác đã về Côn Sơn (Hải Dương) - nơi gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của người anh hùng dân tộc - nhà văn hóa lớn của thế giới Nguyễn Trãi. Trong rất nhiều anh hùng dân tộc, tại sao Bác chọn đi thăm Nguyễn Trãi đúng dịp này? Nguyễn Trãi và Lê Lợi cùng Nhân dân Việt Nam đã ngoan cường kháng chiến, chống quân xâm lược nhà Minh suốt 10 năm, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Nguyễn Trãi không chỉ là người anh hùng với tài thao lược, tài ngoại giao làm quân thù kính nể, mà ông còn là một nhà thơ xuất chúng. Thăm Nguyễn Trãi, hai nhà chính trị và quân sự kiệt xuất, hai nhà thơ lớn gặp nhau với tấm lòng thương yêu Nhân dân, chiến đấu vì hạnh phúc của Nhân dân.

Nguyễn Trãi sống cách Chủ tịch Hồ Chí Minh 5 thế kỷ, là người đầu tiên đưa ra và đề cao vai trò của Nhân dân trong lịch sử và đời sống xã hội. Mở đầu Thiên cổ hùng văn Bình Ngô Đại cáo, Nguyễn Trãi viết: “Việc nhân nghĩa cốt ở an dân”. Nhiều lần Nguyễn Trãi khẳng định: “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”. Bác Hồ cũng từng nhắc nhở chúng ta: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Cũng thời gian này, sau khi ký Di chúc, ngày 15.5.1965, Bác Hồ đi nghỉ dưỡng ở Trung Quốc theo lời mời của phía Trung Quốc. Dịp này Bác đã đến thăm Khổng Tử. Là vị lãnh tụ thiên tài, có tầm nhìn xuyên suốt lịch sử, Bác kế thừa và phát huy được tất cả những gì tốt đẹp của văn hóa nhân loại. Bác đến thăm Khổng Tử là để chia sẻ và thấm nhuần hơn nữa tư tưởng thân dân của triết gia cổ đại này. Khổng Tử là người sớm đưa ra tư tưởng thân dân trong lịch sử. Bác cũng đã sớm biết điều này. Bác kể lại, ngay từ năm 1921 trên tờ tạp chí Cộng sản Bác đã trích câu: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng” là của Khổng Tử. Hay câu: “Lấy dân làm gốc” cũng là của Khổng Tử, sau này Mạnh Tử phát triển thêm “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, Bác dịch là: “Lợi ích của dân là trước hết, thứ đến là lợi ích của quốc gia, còn lợi ích của vua là không đáng kể”.

“Lợi ích của dân là trước hết”. Người nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Khi mất, Bác “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”.

Nguồn: https://nvhtn.org.vn

Bác Hồ không chỉ của Nhân dân Việt Nam

 “Hồ Chủ tịch là tượng trưng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Trái tim, khối óc của Người dành cho dân tộc Việt Nam ta cũng hướng về giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới” (Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương).

Nói gì thì nói, thế kỷ XX là thế kỷ của phong trào Cộng sản. Với Cách mạng Tháng 10, người Nga đã mở ra một thời đại mới cho nhân loại… Nhưng khi viết Di chúc, Bác đã biết các sự kiện lớn nhỏ xảy ra trên thế giới. Trong đó có việc Stalin đàn áp những người đồng chí của mình những năm 1920 mà Bác suýt là nạn nhân. Sau Chiến tranh Thế giới II, năm 1956 Liên Xô cho quân đội vào Hungary dập tắt cuộc nổi dậy của nhân dân Budapest. Năm 1968 xe tăng của quân đội Liên Xô chĩa súng vào nhà Quốc hội Tiệp Khắc đàn áp những người đòi tự do, dân chủ… Bác cũng chứng kiến cuộc chiến đẫm máu của hai người bạn Trung Quốc và Ấn Độ nổ ra năm 1962 ở biên giới. Bác đau lòng hơn là sự bất hòa của hai người anh em Liên Xô và Trung Quốc từ những năm 1960 ngày càng sâu sắc, đỉnh điểm là xung đột đổ máu ở Damasky, biên giới hai nước… 

Tuy nhiên, là người có tầm nhìn xuyên suốt lịch sử, nên trong Di chúc Bác viết “Về phong trào cộng sản thế giới - Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em”. Cần lưu ý, bác viết “suốt đời phục vụ cách mạng” chứ không phải phục vụ chủ nghĩa nào cả. Bác không chỉ tự hào về sự lớn mạnh của phong trào cộng sản mà còn cả phong trào công nhân quốc tế nữa. Bác viết tiếp: “Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”. Rõ ràng Bác phân biệt các đảng anh em và các nước anh em. Hiện nay các đảng anh em nhiều nơi đã lùi vào lịch sử nhưng các nước anh em thì vĩnh viễn còn và ngày càng đông hơn.

   Tấm lòng của Bác đối với Nhân dân Việt Nam cũng là tấm lòng của Bác đối với Nhân dân thế giới: “Cuối cùng tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh thiếu niên và nhi đồng.

   Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn, và các cháu thanh niên nhi đồng quốc tế”.                                                       

PGS. TS Lê Đình Cúc