Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Tất cả thủ tục, quy định đều thông thoáng nhất có thể!

- Thứ Năm, 11/11/2021, 06:21 - Chia sẻ
Là Bộ trưởng thứ hai đăng đàn, và không ngoài dự đoán, các chất vấn của đại biểu Quốc hội với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tập trung chủ yếu vào chủ đề Covid-19.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Gần 2 năm qua, kể từ đợt bùng phát dịch đầu tiên đến nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là một trong những bộ, ngành thường xuyên hoạt động “hết công suất” khi lĩnh vực được giao quản lý liên quan trực tiếp đến những đối tượng dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Như khẳng định của Bộ trưởng trong phiên chất vấn, đó là "người dân đang đói thì đừng về nhà" khi trả lời chất vấn của đại biểu về việc có hay không sự chậm trễ trong triển khai các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 do tiêu chuẩn còn quá cao, không sát với thực tiễn, chưa phù hợp với điều kiện và nhu cầu của doanh nghiệp, quy trình, thủ tục còn phức tạp, xử lý lâu khiến người dân và doanh nghiệp e ngại…

Khi đại dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ khẩn trương xây dựng và đề xuất các chính sách, Bộ trưởng khẳng định. “Chúng tôi cũng phải nói rất thẳng thắn, đây là do chính sách chưa có tiền lệ và nhiều nội dung được quy định trong quy định pháp luật vượt thẩm quyền của Chính phủ, do đó, anh em trong ngành cùng với các ngành chức năng làm ngày, làm đêm, thứ Bảy, Chủ nhật. Thậm chí, nhóm liên ngành anh em giúp việc hầu như làm cả đêm với tinh thần "người dân đang đói thì đừng về nhà", nếu chúng ta để người dân đói là chúng ta có tội với dân. Đúng như tinh thần Lãnh đạo Đảng, Nhà nước nói là không được để ai thiếu ăn, thiếu mặc - anh em quán triệt rất kỹ nên các chính sách này triển khai rất nhanh”.

Nhấn mạnh tinh thần này, Bộ trưởng nêu rõ, “chúng tôi cũng rất cố gắng, chỉ trừ những việc vượt luật thì bắt buộc phải để lại, còn những thủ tục, hồ sơ, giấy tờ gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì báo cáo Chính phủ cho sửa ngay”. Do đó, Bộ trưởng “xin đính chính lại là tất cả thủ tục, quy định trong Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 (Nghị quyết 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp - PV) đều ở mức độ thông thoáng nhất có thể, không thể thông thoáng hơn được nữa.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ trưởng thừa nhận đúng như đại biểu nói, “có nơi này, nơi kia còn cứng nhắc, máy móc”. Đơn cử, chỉ riêng việc hỗ trợ cho người F0, trẻ em tiền ăn là 80.000 đồng, “có địa phương kiến nghị Bộ trưởng tới 3 trang giấy, toàn nêu vướng mắc”. Về sau “tôi phải nói thế này, đồng chí cứ làm đi, nếu như F0 và trẻ em ăn mà ai không thanh toán, tôi chịu trách nhiệm, bấy giờ địa phương mới cho thanh toán”. Từ ví dụ cụ thể này, Bộ trưởng thẳng thắn: “Tâm lý một số địa phương sợ sai, sợ trách nhiệm là có. Trong đó có lỗi của ngành chúng tôi là tuyên truyền, phổ biến không kỹ, không đầy đủ nhưng về cơ bản thủ tục đến giờ là thông thoáng, cơ bản bảo đảm, chặt chẽ rồi, không hơn được và không thể rút được nữa”.

Trả lời chất vấn của đại biểu về giải pháp để công tác bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ mồ côi, trong đó có số lượng lớn trẻ em ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam mồ côi do đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, đến nay ở Việt Nam có 2.532 cháu bị mồ côi, trong đó 81 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ… Với số lượng các cháu mồ côi này, đặc biệt là 81 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, ngoài các chính sách đã có, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và đối tượng xã hội vận động, hỗ trợ các cháu tương đối tốt. Riêng Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam đã quyết định tất cả các cháu mồ côi cha hoặc mẹ đều được hỗ trợ 5 triệu đồng, riêng các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ được cấp một sổ tiết kiệm 20 triệu đồng.

“Phương châm của chúng tôi là vận động để mọi cháu đều có mái ấm gia đình, đều có người thân đỡ đầu, đến nay cả 81 cháu đều đang sống với người thân của gia đình, trong trường hợp nếu không có người thân, chúng tôi đã bàn với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ có các mẹ đỡ đầu cho các cháu. Trường hợp xấu nhất thì mới đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội vì các cháu còn những yếu tố về mặt tinh thần, tâm lý…”, Bộ trưởng nói.

Đây không phải lần đầu tiên Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn trước Quốc hội. Vì thế, trong hơn 2 giờ đồng hồ trả lời trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước chiều qua, hầu hết các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, từ những vụ việc cụ thể, hay những nội dung ở tầm vĩ mô, dài hơi đều được Bộ trưởng trả lời ngắn gọn, tỉ mỉ, đúng trọng tâm, có con số chi tiết minh họa kèm theo, thể hiện sự nắm chắc những nội dung thuộc lĩnh vực được giao quản lý.

Với những vụ việc cụ thể, có thể thấy Bộ đã xử lý dứt điểm, có kết quả, như thông tin về việc tỉnh Bình Dương phát nhầm tiền hỗ trợ cho khoảng 22.000 người, Bộ trưởng cho biết, con số cụ thể không phải là 22.000 người mà chỉ khoảng 1.490 trường hợp, và “đến nay, công việc này đã giải quyết xong và 1,6 tỷ đồng cũng đã thu hồi đầy đủ”. Hay, với tình trạng trục lợi chính sách, qua kiểm tra, Bộ trưởng thẳng thắn thừa nhận “có trục lợi ở một số địa phương”. Ví dụ, với “gói Nghị quyết 42” (Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9.4.2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 - PV), qua kiểm tra, đã phát hiện và xử lý 4 trường hợp ở 4 địa phương, trong đó có những địa phương phải cách chức cả Bí thư, Chủ tịch Mặt trận, Bí thư Đoàn Thanh niên, vì lý do để người nhà trong danh sách hộ nghèo, trong danh sách hưởng chính sách. Trong “gói 68” (Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 - PV) cũng có xử lý, thậm chí đã khởi tố hình sự 2 trường hợp trục lợi chính sách rút tiền. Cũng theo Bộ trưởng, thì “không tránh được việc trục lợi, tuy nhiên, về cơ bản các địa phương đã bảo đảm được công khai, minh bạch, đúng đối tượng”.

Không liên quan trực tiếp đến Covid-19, nhưng chất vấn của đại biểu về việc thực hiện cứu trợ, thiện nguyện và vai trò chủ trì, phối hợp của Bộ với các Bộ, ngành liên quan cũng được Bộ trưởng trả lời rành mạch, thể hiện rõ quan điểm “cá nhân nào, tổ chức nào sai thì chúng ta phải xử lý theo pháp luật, dù chúng ta không muốn”…

Kết thúc phiên chất vấn chiều qua, có 4 đại biểu tiếp tục đặt câu hỏi với lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Trong đó có những nội dung lớn, ở tầm vĩ mô, như vấn đề lao động - việc làm sau đại dịch; đào tạo nghề trong bối cảnh cuộc Cách mạng 4.0; việc cơ cấu lại địa bàn và lĩnh vực đầu tư theo lao động để người lao động hạn chế di cư, để việc "ly nông mà không ly hương"...

Sáng nay, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và các thành viên Chính phủ liên quan còn 50 phút nữa (từ 8h - 8h50) để tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ hai, thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.

Lam Giang