Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Hà Tĩnh Khóa XVIII

Tập trung giải quyết những điểm "nghẽn"

- Chủ Nhật, 25/07/2021, 05:33 - Chia sẻ
Một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng đạt thấp so với kế hoạch; hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19; công tác cải cách hành chính (CCHC) chưa thực sự chuyển biến, chất lượng chưa cao… là những "điểm nghẽn" đòi hỏi chính quyền tỉnh Hà Tĩnh tích cực tập trung giải quyết để hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2021.

Đánh giá toàn diện, chỉ rõ các tồn tại, hạn chế

Cũng như các địa phương khác trong cả nước, Hà Tĩnh bước vào triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm 2021 trong bối cảnh tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 cùng với hậu quả thiên tai để lại đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của Nhân dân. Dù vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội vẫn ghi nhận  những tín hiệu khả quan với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,38%. Thu ngân sách bảo đảm tiến độ; kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh. Sản xuất nông nghiệp được mùa toàn diện. Công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội được triển khai đồng bộ.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh, kết quả đó đến từ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; phương thức lãnh đạo, chỉ đạo có sự điều chỉnh, đổi mới, phù hợp với thực tiễn, giảm hội họp, tăng cường xuống cơ sở. Đáng mừng hơn cả là sự ủng hộ của doanh nghiệp, Nhân dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước thể hiện qua thành công của cuộc bầu cử vừa qua và kết quả thực hiện thực hiện “mục tiêu kép” trên địa bàn.

Dù đạt nhiều kết quả khả quan nhưng như nhận định của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng, việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn. Trong đó, một số chỉ tiêu quan trọng đạt thấp so với kế hoạch cả năm như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế, tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19. Đời sống, việc làm của một bộ phận Nhân dân còn nhiều khó khăn. Tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo còn xảy ra ở nhiều địa phương...

Theo các đại biểu HĐND tỉnh, UBND tỉnh cần ưu tiên nguồn lực, chuẩn bị tốt mọi điều kiện để chủ động ứng phó với mọi diễn biến của tình hình dịch bệnh Covid-19; tập trung cao các giải pháp cải thiện môi trường thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, chiến lược… Bên cạnh đó, chỉ đạo rà soát lại các vụ việc liên quan đến an ninh - trật tự trong nhiệm kỳ trước chưa được điều tra, xử lý; đấu tranh, xử lý các loại tội phạm, tệ nạn xã hội để giải quyết ngay từ đầu nhiệm kỳ, nhất là các vụ việc tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga, UBND tỉnh cần linh hoạt trong thực hiện “mục tiêu kép” để phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, rà soát, xây dựng và trình HĐND tỉnh ban hành các quy định, cơ chế, chính sách trong thời kỳ ổn định ngân sách mới, theo hướng tinh gọn, trọng tâm, trọng điểm... Xây dựng chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, đất đai, thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư chậm tiến độ; tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư của doanh nghiệp.

Các đại biểu tham dự kỳ họp
Ảnh: Hải Phong

Từng bước đẩy lùi tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu

Nhiều đại biểu dành sự quan tâm cho công tác cải cách hành chính và coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để Hà Tĩnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển năm 2021. Theo báo cáo của UBND tỉnh, công tác CCHC trên địa bàn tiếp tục được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tăng so với cùng kỳ. Một số tồn tại, hạn chế trong thực thi công vụ được chấn chỉnh, kỷ luật, kỷ cương hành chính nhà nước được tăng cường, hiệu lực, hiệu quả hoạt động tiếp tục được nâng lên…

Tuy nhiên, một số mặt, lĩnh vực chưa thực sự chuyển biến, chất lượng chưa cao. Phong cách phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức vẫn chưa thực sự cải cách, đổi mới và chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ; chỉ số hài lòng (SIPAS) đối với công chức trực tiếp giải quyết thủ tục theo đánh giá giảm; vẫn còn đơn thư phản ánh liên quan đến hành vi của cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Cùng với đó, một số địa phương, đơn vị còn thiếu chủ động dẫn đến chỉ số CCHC (PAR Index) giảm về thứ hạng...

Nhiều đại biểu thẳng thắn cho rằng: Công tác CCHC cần được quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa, nhất là công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giám sát, góp ý kiến để từng bước đẩy lùi tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu; nâng cao trách nhiệm, thái độ và chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức, nhất là tại các trung tâm hành chính công. Theo Trưởng ban Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần, UBND tỉnh cần thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh thái độ, trách nhiệm và tinh thần phục vụ của công chức, viên chức. Thực hiện nghiêm túc kế hoạch biên chế đã được HĐND tỉnh giao; kịp thời phê duyệt kế hoạch tuyển dụng số công chức, viên chức còn thiếu tại các cơ quan, đơn vị theo đúng quy định.

 

 

Diệp Anh