Tạo tiền lệ xấu!

- Thứ Sáu, 11/06/2021, 05:54 - Chia sẻ
Mới đây là tỉnh Quảng Nam đề xuất chi 12 tỷ đồng để đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu sau khi doanh nghiệp ngưng khai thác, tuyên bố phá sản để xảy ra vấn nạn khai thác trái phép tràn lan... Trước đó, Chi cục quản lý đường bộ 2.3 (Cục quản lý đường bộ 2, Tổng cục đường bộ Việt Nam) đề xuất trích hơn 3,3 tỷ đồng để tháo dỡ trạm thu phí đường bộ hoàn trả lại mặt đường ở Hà Tĩnh...

Việc địa phương, bộ, ngành dùng ngân sách nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư giải quyết hậu quả các dự án, công trình tồn đọng, phá sản, nợ nần hoặc sai trái... gây phản ứng trái chiều trong dư luận. Câu hỏi nhiều người đặt ra là tại sao doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, phá sản hoặc đã thu lợi nhuận xong không giải quyết vấn đề tồn đọng của họ mà Nhà nước lại lấy ngân sách để giải quyết hậu quả, dọn "rác" cho họ? Thêm vào đó là các đề xuất kinh phí quá lớn, không hợp lý, không phù hợp với những đóng góp hoặc xuất phát từ lỗi cố ý, hành vi sai trái của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Đơn cử, Trạm thu phí Cầu Rác dùng để thu phí Dự án BOT Quốc lộ 1A đoạn tránh TP. Hà Tĩnh có chiều dài khoảng 16km, hoàn thành đưa vào khai thác từ tháng 1.2009. Dự án do Công ty TNHH MTV Hạ tầng Sông Đà (Tổng Công ty Sông Đà) làm chủ đầu tư được đặt trạm thu phí Cầu Rác ở xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên cách tuyến đường tránh thành phố Hà Tĩnh hơn 30km về phía nam. Đây cũng là trạm thu phí từng bị người dân huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh tập trung phản đối vì cho rằng họ không đi mét đường tránh nào cũng bị… thu phí. Ngày 21.2.2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu chủ đầu tư trạm thu phí Cầu Rác tạm dừng hoạt động để có cơ sở tính toán và chốt phương án tài chính của dự án. Cuối tháng 12.2020, trạm thu phí Cầu Rác được bàn giao lại cho Chi cục Quản lý đường bộ 2.3 quản lý. Như vậy, sau hơn 10 năm thu lợi, doanh nghiệp đã trả lại “rác” cho cơ quan quản lý.  

Từ thực tế trên, thiết nghĩ không nên dùng ngân sách nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư giải quyết hậu quả trong sản xuất, kinh doanh của họ. Bởi vì, như vậy sẽ tạo tiền lệ xấu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến quy luật cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Nguyên tắc kinh doanh là "lời ăn, lỗ chịu" nếu cứ thua lỗ, phá sản hoặc gây ra hậu quả rồi không giải quyết mà xin hỗ trợ là không hợp lý, không chính đáng.

Mặt khác, đây là nguyên nhân dễ làm phát sinh tiêu cực, có thể làm thất thoát ngân sách nhà nước. Vì khi đó, một số doanh nghiệp làm ăn gian dối, lợi dụng chính sách này để cấu kết "móc nối' với cá nhân, tổ chức có thẩm quyền để "xà xẻo", "móc túi" ngân sách thông qua việc đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ...

Ngoài ra, nếu dùng ngân sách nhà nước để hỗ trợ những trường hợp này sẽ gây nên tình trạng trông chờ, ỷ lại từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào ngân sách nhà nước. Nhiều doanh nghiệp sẽ cố tình đóng cửa, phá sản, nợ nần chồng chất, gây ô nhiễm môi trường... sau khi đã kiếm đủ lợi nhuận hoặc hết thời hạn thuê đất, giao dự án.

Tuyệt đối không xuất ngân sách ra để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, trừ việc hỗ trợ bảo đảm quyền lợi cho người lao động khi doanh nghiệp thua lỗ, giải thể, phá sản.

Có như vậy, mới bảo đảm cạnh tranh công bằng, lành mạnh trong sản xuất kinh doanh, làm ăn, nhất là không tạo tiền lệ xấu là gây ra hậu quả tiêu cực rồi nhờ Nhà nước bỏ tiền ra giải quyết. Đồng thời, điều này còn nhằm nâng cao trách nhiệm, phải gánh hậu quả tiêu cực nếu kém năng lực hoặc thực hiện hành vi sai trái của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Phạm Chung