Tạo thuận lợi tối đa cho cơ quan truyền thông chủ lực

- Thứ Sáu, 26/11/2021, 21:35 - Chia sẻ
Phát biểu tại buổi làm việc với Đài Truyền hình Việt Nam chiều 26.11, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh quan điểm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các cơ quan truyền thông chủ lực phát triển tốt nhất; hỗ trợ để các đơn vị này nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, thích ứng với tình hình mới, đáp ứng nhiệm vụ chính trị được giao.

Chiều 26.11, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã làm việc với Đài truyền hình Việt Nam, nhằm tìm hiểu công tác tổ chức sản xuất chương trình và thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đài; công tác quản lý điều hành, tổ chức bộ máy, tiền lương, vị trí việc làm, tinh giản biên chế và cơ chế quản lý tài chính; việc triển khai một số đề án, đặc biệt là Đề án cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện…

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì buổi làm việc.

Dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Lê Ngọc Quang.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại buổi làm việc

Kênh thông tin đa dạng

Đài THVN hiện có hệ thống kênh thông tin đa dạng, với nhiều loại hình báo chí, trên mọi nền tảng, trong đó truyền hình là trung tâm. Theo báo cáo, Đài Truyền hình Việt Nam (THVN) có 9 kênh truyền hình quảng bá từ VTV1 đến VTV9, giữ vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đài. Hệ thống truyền hình trả tiền có 53 kênh trong nước và 36 kênh nước ngoài với hơn 6,8 triệu thuê bao. Ngoài ra, Đài THVN có tạp chí Truyền hình, báo điện tử VTV News, ứng dụng VTVGo, ứng dụng VTV Giải trí và các kênh chính thức trên mạng xã hội. Trong đó VTVgo đã được cài đặt và sử dụng trên 26,5 triệu thiết bị, hơn 6 triệu khán giả thường xuyên sử dụng với trung bình 450 triệu lượt xem/tháng.

Nghị định số 34/2020/NĐ-CP quy định Đài THVN có 28 đơn vị; 1 đơn vị thành lập theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Trường Cao đẳng truyền hình). Tính đến 30.6.2021, tổng số định biên, lao động được giao là 4.125 người, thực tế sử dụng 3.560 người, trong đó công chức, viên chức là 2.158 người; hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP 185 người; hợp đồng lao động 1.217 người.

Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Lê Ngọc Quang cho biết, đội ngũ làm nghề tâm huyết, trách nhiệm, sáng tạo, luôn cập nhật xu thế công nghệ mới nhất chính là vốn quý nhất của Đài

Đài THVN xác định giai đoạn 5 - 10 năm tới cần có sự đột phá chiến lược khi mà phương thức hoạt động của ngành truyền hình phải thay đổi để thích nghi với bối cảnh mới, sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật và thói quen nghe nhìn của khán giả. Trong bối cảnh lợi thế của truyền hình truyền thống đang ngày càng khó khăn hơn trong cạnh tranh ảnh hưởng và nguồn thu với các phương tiện truyền thông mới trên internet, Đài THVN đang xây dựng chiến lược và thực hiện các bước đi cần thiết để kịp thời nắm bắt thời cơ, tạo đà phát triển mạnh mẽ hơn trong nhiệm kỳ mới, tiếp tục duy trì và nâng tầm vị thế, thương hiệu, uy tín, tiến tới trở thành Đài truyền hình hàng đầu khu vực và Đài truyền hình uy tín trên thế giới.

Cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi

Để đạt được mục tiêu trên, ngoài nỗ lực tự thân, Đài THVN kiến nghị hoàn thiện hệ thống các quy định đối với quảng cáo truyền hình, quyền sở hữu trí tuệ để tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động của các đài truyền hình; kiểm soát chặt chẽ về bản quyền truyền hình, đặc biệt trên OTT.

Xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, bảo đảm duy trì sự cạnh tranh, phát triển lành mạnh của các đơn vị truyền hình trả tiền tại Việt Nam; hạn chế tối đa cạnh tranh bất bình đẳng từ các nền tảng cung cấp nội dung xuyên biên giới, các nền tảng mạng xã hội; nghiên cứu xem xét ban hành giá sàn dịch vụ truyền hình trả tiền để tránh bù chéo giữa viễn thông và truyền hình.

Toàn cảnh buổi làm việc

Sự phát triển của dịch vụ phát thanh - truyền hình qua internet là xu hướng tất yếu và đang dịch chuyển từ cung cấp nguyên kênh chương trình sang cung cấp nội dung theo yêu cầu. Nhiều tổ chức nước ngoài đã triển khai cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền qua mạng xuyên biên giới và thu tiền của khách hàng mà không bị kiểm soát về nội dung, không phải thực hiện biên tập, biên dịch... Vì thế, Luật Báo chí 2016 cần có quy định điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Quy định về điều kiện cấp giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền trong Luật Báo chí nên sửa đổi, bổ sung như sau: “Là doanh nghiệp Việt Nam, đơn vị sự nghiệp công lập được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải được sự chấp thuận về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ”.

 Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý trong quá trình thực hiện cơ chế quản lý tài chính hiện nay, tiếp tục phát huy nội lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Đài THVN kiến nghị sớm ban hành Nghị định về cơ chế quản lý tài chính của Đài theo hướng “là một cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện theo cơ chế tài chính đặc thù của đơn vị sự nghiệp công lập (được vận dụng một số cơ chế như doanh nghiệp), hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận”; quỹ tiền lương hàng năm của Đài xác định theo nguyên tắc: Hoàn thành nhiệm vụ chính trị Đảng, Nhà nước giao, có chênh lệch thu chi, thay vì cơ chế tiền lương như doanh nghiệp, có tính đặc thù hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận hiện nay; được phép cung cấp dịch vụ phát thanh - truyền hình trên hạ tầng internet (OTT) có thu phí…

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tặng quà lưu niệm cho Đài Truyền hình Việt Nam

Tạo thuận lợi tối đa cho cơ quan truyền thông chủ lực

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục ghi nhận Đài THVN đã khẳng định được vị thế đặc biệt, có tầm ảnh hưởng của một đài truyền hình quốc gia, tạo được thương hiệu với một số chương trình, trong đó có chương trình thời sự chính luận. Các chương trình của Đài THVN ngày càng phong phú, đa dạng, nhiều chương trình có sức thu hút với khán giả.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chia sẻ với những khó khăn mà Đài THVN, cũng như các cơ quan báo chí khác, đang phải đối mặt, trong đó có tác động của đại dịch Covid-19, suy giảm nguồn thu từ quảng cáo, sự cạnh tranh của các phương tiện truyền thông mới…

“Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các cơ quan truyền thông chủ lực phát triển tốt nhất; hỗ trợ để các đơn vị này nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, thích ứng với tình hình mới, đáp ứng nhiệm vụ chính trị được giao” - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.

Nhật Linh