Tạo thuận lợi hơn nữa trong chuỗi thủ tục xuất nhập khẩu

- Thứ Năm, 15/07/2021, 14:51 - Chia sẻ
Cơ quan Hải quan và các bộ ngành tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính và chuyển hẳn sang việc giải quyết thủ tục theo phương thức trực tuyến là một trong vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp đưa ra tại hội thảo công bố Báo cáo “Mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu: Kết quả khảo sát năm 2020”. Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam phối hợp tổ chức.
Doanh nghiệp cảm nhận việc tiếp cận thông tin về chính sách, pháp luật đã được cải thiện
Nguồn: ITN

Ghi nhận nhiều điểm sáng

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 cùng những đứt gãy của thương mại toàn cầu diễn ra rất nghiêm trọng trong hơn 1 năm qua, Báo cáo ghi nhận những đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp đối với ngành Hải quan và các bộ, ngành khác có liên quan trong nỗ lực cải cách thủ tục xuất nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp.

Trong đó nổi bật lên là thông tin về chính sách và thủ tục hành chính xuất nhập khẩu dễ tiếp cận hơn. Doanh nghiệp đánh giá cao hơn về chất lượng thông tin do Cơ quan Hải quan cung cấp. Doanh nghiệp cũng hài lòng hơn đối với công tác hỗ trợ, giải đáp của các cơ quan khi doanh nghiệp gặp vướng mắc về tiếp cận thông tin.

Cụ thể, gần 80% doanh nghiệp hài lòng với thông tin cung cấp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan. Các kênh thông tin Cổng thông tin điện tử của các Cục Hải quan tỉnh/thành phố và Cổng thông tin thương mại quốc gia cũng đạt được tỷ lệ hài lòng của doanh nghiệp trên 70%. Doanh nghiệp ít hài lòng hơn với các phương thức cung cấpthông tin truyền thống như gọi điện, gửi công văn, tập huấn/đào tạo hay cung cấp thông tin quaấn phẩm, tờ rơi. Trong đó, 55,6% doanh nghiệp hài lòng với hình thức tiếp cận thông tin qua tờ rơi, ấn phẩm – thấp nhất trong số các phương thức tiếp cận thông tin được khảo sát. So với kết quả khảo sát năm 2018, mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với các phương thức tiếp cận thông tin đều cải thiện. Các phương thức tiếp cận thông tin truyền thống dù khôngphải là ưu tiên tiếp cận thông tin hàng đầu của doanh nghiệp nhưng lại là các phương thức cósự cải thiện rõ rệt nhất trong 2 năm vừa qua.

Việc thực hiện các thủ tục hành chính hải quan cũng thuận lợi hơn đối với các doanh nghiệp. Những chuyển biến tích cực được doanh nghiệp ghi nhận việc khai hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hoá, hoàn thuế/không thu thuế, cho đến giải quyết khiếu nại. 

Một số cải cách lớn của cơ quan Hải quan trong thời gian gần đây cũng được các doanh nghiệp ghi nhận. Đơn cử, giảm bớt chồng chéo, trùng lặp trong kiểm tra sau thông quan, thủ tục xác nhận hàng hoá qua khu vực giám sát qua hệ thống quản lý hải quan tự động.

Đặc biệt, công tác kiểm tra, quản lý chuyên ngành vốn trước đây có nhiều phàn nàn của các doanh nghiệp, thì trong khảo sát 2020 đã ghi nhận những chuyển biến tích cực. Một số bộ, ngành được các doanh nghiệp đánh giá cao như Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mức độ phổ biến của việc chi trả chi phí ngoài quy định trong quá trình thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu cũng đã giảm bớt. Điều này cho thấy, một mặt thể hiện nhận thức của doanh nghiệp trong kinh doanh liêm chính cũng đã có chuyển biến. Mặt khác, cũng thể hiện những nỗ lực của Cơ quan Hải quan và các bộ, ngành khác trong công tác chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ.

Vẫn còn dư địa cải cách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Nguồn: ITN

Vẫn còn dư địa cải cách

Báo cáo này cho thấy còn rất nhiều việc cơ quan Hải quan và các Bộ, ngành khác cần tích cực triển khai trong thời gian tới để tiếp tục tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục kỳ vọng cơ quan Hải quan và các bộ ngành cần đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục hành chính và chuyển hẳn sang việc giải quyết thủ tục theo phương thức trực tuyến. Cơ sở vật chất, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin cần được chú trọng cải thiện nhằm giảm thiểu tình trạng nghẽn mạng, báo lỗi trong quá trình thực hiện thủ tục trực tuyến.

Các doanh nghiệp đề nghị cần tăng tính công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác giải đáp vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Cơ quan Hải quan và các bộ, ngành cũng cần nâng cao năng lực giải quyết công việc và tăng cường kỷ cương, kỷ luật của cán bộ, công chức nhà nước trong quá trình giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp. Nguyên tắc quản lý rủi ro cần được triển khai và áp dụng đầy đủ, toàn diện trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính xuất nhập khẩu.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, đối với cơ quan Hải quan, các doanh nghiệp mong muốn việc cung cấp thông tin, hướng dẫn giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp được chú trọng hơn và thực hiện hiệu quả hơn với đội ngũ chuyên trách để tư vấn và cập nhật thường xuyên thông tin. Doanh nghiệp cũng kỳ vọng các thủ tục có thể thực hiện qua mạng internet một cách hoàn toàn chứ không phải vừa làm trên giấy, vừa làm trên mạng như hiện nay. Cơ quan Hải quan cần có cơ chế kết nối, chia sẻ chung về lịch sử kiểm tra thực tế hàng hóa của doanh nghiệp để tránh kiểm tra trùng lặp; đồng thời cải thiện hiệu quả công tác phối hợp trong giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp. Mục tiêu cuối cùng là giảm thiểu chi phí tuân thủ bất hợp lý và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong cả chuỗi thủ tục xuất nhập khẩu.

Báo cáo dựa trên kết quả phản hồi từ 3.657 doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở các vấn đề về mức độ thuận lợi trong quá trình thực hiện các thủ tục xuất, nhập khẩu trong năm vừa qua, đồng thời phản ánh các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp tới các bộ, ngành sửa đổi các quy định pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi, góp phần tạo thuận lợi cho các hoạt động xuất, nhập khẩu.

Nguyễn Minh