Đầy đủ, bao quát trên nhiều lĩnh vực
Theo Báo cáo kết quả giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương đã rất quan tâm đến công tác triển khai các chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh về phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp. UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch cụ thể hóa các chính sách phù hợp với thực tiễn địa phương. Đồng thời, chỉ đạo cụ từng ngành, địa phương phải tận tâm, nhiệt huyết đồng hành thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và khởi nghiệp.
Trong đó, phải kể đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn; công tác khởi nghiệp, hỗ trợ ươm tạo các dự án khởi nghiệp; công tác xúc tiến thương mại, chuyển đổi số; đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông; chính sách tiếp cận, hỗ trợ tín dụng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn… Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã có 1.723 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 57,4% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh ủy đến cuối nhiệm kỳ (theo chỉ tiêu Nghị quyết số 02-NQ/TU, giai đọan 2021 - 2025 có 3.000 thành lập mới); nâng tổng số doanh nghiệp thực tế còn hoạt động lên 5.250 doanh nghiệp.
Về cơ bản, các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ và hỗ trợ khởi nghiệp đã khá đầy đủ, bao quát trên các lĩnh vực. Đặc biệt, giai đoạn 2021 - 2022, công tác ươm tạo các dự án khởi nghiệp được tỉnh triển khai thực hiện khá hiệu quả. Hệ sinh thái khởi nghiệp toàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực thông qua các hoạt động truyền cảm hứng khởi nghiệp, ươm tạo, kết nối cộng đồng khởi nghiệp, nâng cao năng lực quản trị điều hành, phát triển doanh nghiệp. Tỉnh cũng đang tiến hành thành lập Không gian khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo, kêu gọi đầu tư xây dựng khu "Không gian khởi nghiệp và trưng bày sản phẩm khởi nghiệp" tại KCN Trần Quốc Toản (TP. Cao Lãnh).
Chưa thực sự tạo động lực
Bên cạnh những kết quả đạt được, kết quả giám sát cũng chỉ rõ, việc triển khai các chính sách còn một số khó khăn, tồn tại nhất định nên kết quả tiếp cận các chính sách còn rất hạn chế, hiệu quả mang lại chưa cao, chưa là động lực thúc đẩy hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và khởi nghiệp trên địa bàn. Trong đó, công tác chỉ đạo triển khai các chính sách và hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn đối với cơ chế, điều kiện tiếp cận chính sách chưa được các ngành, các cấp quan tâm đúng mức, còn tình trạng để doanh nghiệp tự bơi trong quá trình tiếp cận các chính sách.
Về cơ chế, chính sách hỗ trợ về khởi nghiệp và phát triển sản phẩn OCOP, theo đánh giá còn thiếu và yếu; chưa thật sự hỗ trợ hiệu quả để phát triển các loại hình. Mặt khác, công tác chỉ đạo, điều phối trong quản lý nhà nước thực hiện các chính sách có mặt chưa chặt chẽ, thiếu quyết liệt. Công tác đánh giá hiệu quả của việc triển khai phổ biến các chính sách đến thành viên, hội viên của các hiệp hội, hội doanh nghiệp, doanh nhân và các tổ chức chính trị - xã hội còn cứng nhắc mang tính hành chính, chưa được quan tâm đúng mức và thường xuyên…
Bên cạnh những yếu tố khách quan, nguyên nhân chủ quan được xác định do chưa tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đối với các đối tượng chịu sự tác động và được thụ hưởng; nhất là trong quá trình xây dựng, ban hành một số chính sách ở địa phương dẫn tới chính sách chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Việc tham mưu ban hành các cơ chế, điều kiện để tiếp cận các chính sách còn mang tính bảo toàn nguồn vốn hỗ trợ; đẩy trách nhiệm rủi ro về cho đối tượng thụ hưởng. Việc cụ thể hóa, tổ chức triển khai thực hiện một số chính sách còn chậm. Cân đối nguồn lực từ ngân sách thực hiện các chính sách còn hạn chế… Ngoài ra, một số chính sách quy định mức đối ứng còn cao và năng lực triển khai dự án của các nhà đầu tư cũng còn hạn chế.
Bảo đảm nguồn lực để các chính sách thực sự khả thi
Trên cơ sở kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân được chỉ rõ, Đoàn giám sát kiến nghị, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức rà soát, đánh giá tổng thể các chính sách liên quan của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và khởi nghiệp còn hiệu lực. Từ đó, đề xuất hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn địa phương. Trong công tác xây dựng, ban hành các chính sách ở địa phương, cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu tác động của chính sách và cân đối nguồn lực bảo đảm để chính sách triển khai mang tính khả thi cao.
Đoàn giám sát cũng nhấn mạnh, UBND tỉnh cần chỉ đạo ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trực tiếp làm cầu nối tạo điều kiện hỗ trợ người sản xuất, kinh doanh trong việc xây dựng đề án kinh doanh, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ các chính sách. Mặt khác, nghiên cứu đề xuất các chính sách của địa phương (ngoài các chính sách Trung ương hiện hành) nhằm hỗ trợ khuyến khích các hộ kinh doanh phát triển lên doanh nghiệp được dễ dàng, thuận lợi, sát thực tiễn.
Cùng với đó, khẩn trương rà soát, hoàn chỉnh các cơ chế, điều kiện và thủ tục hồ sơ thực hiện các nội dung hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận. Đồng thời, xây dựng kế hoạch và tổ chức các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nghề cho người lao động khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực lao động có kỹ năng, có tay nghề của doanh nghiệp và thị trường lao động...