Thảo luận tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Ninh Bình Khóa XIV

Tạo thế và lực cho giai đoạn phát triển mới

- Chủ Nhật, 20/12/2020, 06:41 - Chia sẻ
Dành gần 1 ngày cho phiên thảo luận tại tổ tại kỳ họp, các đại biểu đã tập trung làm rõ các kết quả đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, cũng như cả giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp căn cơ nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra trong năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025, tạo thế và lực cho giai đoạn phát triển mới.

Trần Thị Thùy Dương

Phó trưởng Phòng Tổng hợp, Văn phòng HĐND tỉnh Ninh Bình

Từng bước phát triển du lịch thành ngành mũi nhọn

Kỳ họp thường lệ cuối năm 2020 được đánh giá là kỳ họp vô cùng quan trọng để HĐND tỉnh thảo luận, đánh giá, quyết nghị các giải pháp trọng tâm, tạo thế và lực đưa tỉnh Ninh Bình bứt phá trong giai đoạn mới. Chính vì vậy, chương trình kỳ họp đã dành thời lượng rất lớn cho nội dung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Trong gần 1 ngày làm việc tập trung, trí tuệ, với 35 lượt ý kiến, các đại biểu HĐND tỉnh đã tích cực tham gia phát biểu, đánh giá sâu sắc về các nội dung liên quan đến tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2020, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021; về các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp; về công tác tham gia xây dựng chính quyền và một số ý kiến, kiến nghị cử tri các địa phương quan tâm…

		Đại biểu HĐND tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ - Thùy Dương
Đại biểu HĐND tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ
Ảnh:Thùy Dương

Theo các đại biểu, dù phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt là những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của tỉnh vẫn đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,78%, thu ngân sách tiếp tục duy trì ở mức cao và đạt mức cao nhất từ đầu nhiệm kỳ; sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng; nông nghiệp được mùa, phong trào xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu; văn hóa - xã hội có tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân ổn định; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm... Những con số ấn tượng trên là minh chứng sống động, phản ánh rõ nét quá trình chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt của UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh.

Năm 2021 - năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, trong điều kiện dự báo dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng tiêu cực, các đại biểu HĐND tỉnh thống nhất cao với các nhiệm vụ trọng tâm UBND tỉnh xác định. Đồng thời, đề nghị thống nhất mục tiêu, phương hướng trong năm quan trọng này là: “Từng bước phát triển du lịch theo định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” nhằm phù hợp với điều kiện thực tế và tiêu chí ngành kinh tế mũi nhọn; bổ sung chỉ tiêu thu gom chất thải rắn đô thị, nông thôn; nhiệm vụ về phát triển kinh tế biển…

Đối với nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, các đại biểu nhấn mạnh: Cần rà soát, bổ sung các nhiệm vụ giải pháp cho phù hợp với nghị quyết và chương trình hành động đã được Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII xác định. Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thành quy hoạch chi tiết đô thị TP Ninh Bình; tập trung xây dựng, phát triển thành phố xứng tầm là trung tâm du lịch của khu vực và cả nước. Trong đó, chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, nhất là giao thông cửa ngõ phía nam của thành phố; tính toán kỹ việc sáp nhập TP Ninh Bình và huyện Hoa Lư; quan tâm làm mới và nhựa hóa một số tuyến đường giao thông huyết mạch, liên xã, liên huyện…

Quan tâm các điều kiện phục vụ sản xuất hữu cơ

Tại kỳ họp, bên cạnh các nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, các đại biểu cũng dành nhiều ý kiến tâm huyết, tham gia hoàn thiện các dự thảo nghị quyết trình kỳ họp. Đơn cử, như Dự thảo Nghị quyết quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; chức danh, số lượng, mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố; mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã trên địa bàn, đa số các đại biểu đồng tình với ý kiến thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh. Theo đó, đề nghị bổ sung cụm từ “ngoài định mức chi thường xuyên hiện hưởng” vào mục 9, Điều 1 của dự thảo và thể hiện là: “Khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã là 36 triệu đồng/năm, ngoài định mức chi thường xuyên hiện hưởng”.

Đối với dự thảo Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số chính sách quy định tại Nghị quyết số 39/2018/NQ-HĐND ngày 12.12.2018 của HĐND tỉnh Ninh Bình quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến, bền vững trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2019 - 2020 đến hết năm 2021, các đại biểu nhất trí cao việc bổ sung “Dê” là đối tượng được hỗ trợ chăn nuôi vào dự thảo nghị quyết. Mặt khác, một số đại biểu cho rằng: Nghị quyết số 39 quan tâm tới sản xuất hữu cơ song khó áp dụng do yêu cầu về tiêu chí. Không những vậy, các điều kiện để phục vụ sản xuất hữu cơ tại địa phương như: con giống, phân bón, nguồn nước, diện tích, đất đai… còn không ít bất cập, cần được quan tâm tháo gỡ.

THÙY DƯƠNG