Tạo môi trường thuận lợi phát triển nền tảng số

- Thứ Ba, 07/12/2021, 10:13 - Chia sẻ
Chiều tối 6.12, Viện Nghiên cứu công nghệ vì cộng đồng (Tech For Good Institute, TFGI) , với sự hỗ trợ của Grab tại Việt Nam đã tổ chức tọa đàm "Nền tảng số - Tăng trưởng trong tương lai" theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đây là sự kiện đầu tiên của Viện TFGI tại Việt Nam nhằm tăng cường sự hiểu biết và trao đổi thông tin về công nghệ, đổi mới sáng tạo về nền kinh tế số.
Tiến sĩ Ming Tan, Viện trưởng Viện Nghiên cứu TFGI phát biểu tại buổi tọa đàm

Theo kết quả nghiên cứu về kinh tế nền tảng của Viện Nghiên cứu TFGI cho thấy, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ trong việc tham gia vào nền kinh tế số, là một trong 6 thị trường lớn nhất khu vực Đông Nam Á gồm: Singapore, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, và Philippines với hơn 400 triệu người dùng Internet. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn 30% dân số tại sáu nước Đông Nam Á trên vẫn chưa tham gia vào môi trường trực tuyến, tồn tại một khoảng cách lớn giữa thành phố và nông thôn.

Tiến sĩ Ming tan, Viện trưởng Viện Nghiên cứu TFGI cho rằng: “Thực tế hiện nay, khu vực Đông Nam Á vẫn còn nhiều cơ hội, dư địa để tiếp tục phát triển nền tảng số, kèm theo đó là những rủi ro khi thực hiện chuyển đổi số. Chính vì vậy để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, chúng ta cần những giải pháp sáng tạo phù hợp với bối cảnh của Đông Nam Á”.

Giám đốc điều hành Grab tại Việt Nam Nguyễn Thái Hải Vân
Giám đốc điều hành Grab tại Việt Nam Nguyễn Thái Hải Vân tại buổi tọa đàm

Giám đốc điều hành Grab tại Việt Nam Nguyễn Thái Hải Vân chia sẻ, 2 năm vừa qua, đại dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế. Chính phủ đặt mục tiêu phát triển kinh tế số, chuyển đổi số tạo động lực tăng trưởng cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Với mạng lưới kinh doanh và công nghệ toàn cầu, Grab mong muốn thực hiện nghĩa vụ xã hội thông qua thúc đẩy lộ trình số hoá. Thông qua toạ đàm, Giám đốc điều hành Grab tại Việt Nam mong muốn mở ra không gian cho khu vực công - tư để cùng bày tỏ quan điểm, chuyên môn, và hợp tác thúc đẩy sự đổi mới công nghệ và kinh tế số tại Việt Nam.

ông Vũ Tiến Lộc, Uỷ viên Uỷ ban kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Thành viên ban Cố vấn Viện TFGI phát biểu tại tọa đàm
Ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Thành viên ban Cố vấn Viện TFGI phát biểu tại tọa đàm

Viện TFGI là tổ chức nghiên cứu độc lập, phi lợi nhuận của Đông Nam Á do Grab thành lập, với mục tiêu phục vụ các nhóm đang làm việc và chịu tác động bởi sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số tại khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Thành viên ban Cố vấn Viện TFGI cho rằng, việc hoàn thiện cơ chế chính sách là chìa khoá phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới với thể chế, cơ chế kinh tế số. Theo ông, có 3 điểm quan trọng, được xem là tiền đề để thực hiện kinh tế số, chuyển đổi số tại Việt Nam. Thứ nhất, Đảng và Nhà nước quan tâm, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo về kinh tế, chuyển đổi số và đã ban hành Nghị quyết riêng về lĩnh vực này. Thứ hai đó là ý chí và khát vọng hùng cường của cả hệ thống chính trị cũng như Nhân dân Việt Nam trong tương lai. Thứ ba, Việt Nam là quốc gia có cơ sở hạ tầng viễn thông phát triển với lượng người sử dụng điện thoại, internet cao. Người Việt đam mê công nghệ, dân số trẻ, được đào tạo tốt, bài bản, thích ứng nhanh, năng động. Hiện nay, Việt Nam cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh và đang trong quá trình phục hồi, chính vì vậy kinh tế số là động lực quan trọng cho sự phục hồi dựa trên trên cơ sở đổi mới sáng tạo. 

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số nhấn mạnh nền tảng số là giải pháp đột phá. Chiến lược chuyển đổi số quốc gia cũng khẳng định muốn chuyển đổi số nhanh phải dựa vào nền tảng số.

Văn Anh