Kinh nghiệm quốc tế về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát

Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh

- Thứ Năm, 27/01/2022, 06:17 - Chia sẻ
Qua thực tiễn thí điểm ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng cho thấy, việc thực hiện cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đã tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển của đơn vị kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với các lĩnh vực liên quan như công nghệ thông tin, công nghiệp ô tô, xe máy. Đó là nhận định chung của nhiều ý kiến tại Hội thảo quốc tế về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát do Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì tổ chức vừa qua.

Giảm chi phí xã hội 

Từ năm 2014, nước ta đã xuất hiện một số ứng dụng phần mềm hỗ trợ việc kết nối giữa hành khách và đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách như Grab Taxi, Live Taxi, Taxi Chiều về, Uber, AdTos, iMove. Điều này phản ánh xu thế phát triển của ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giao thông vận tải của quốc tế và Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động này chưa thực sự phù hợp với quy định hiện hành về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô ở thời điểm đó.

Toàn cảnh Hội thảo quốc tế về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát
Ảnh: Hoàng Ngọc

Tại hội thảo, các đại biểu cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, với chủ đề “Siết chặt quản lý vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”, với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”; đồng thời, tạo cơ sở cho việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành các chính sách đáp ứng các vấn đề phát sinh của xã hội, ngày 17.1.2016, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Quyết định số 24/QĐ-BGTVT, ban hành kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Đây chính là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát.

Đánh giá từ Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh cho thấy, nhờ Quyết định số 24, Sở đã nắm bắt được số lượng đơn vị vận tải, số lượng phương tiện, bảo đảm các điều kiện đối với phương tiện như xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, được Sở Giao thông Vận tải cấp phù hiệu xe hợp đồng, đáp ứng đủ các điều kiện khác theo quy định pháp luật đối với loại hình xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng...

Bên cạnh đó, việc triển khai thí điểm ứng dụng khoa học - công nghệ trong hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng đã bảo đảm quản lý được các phương tiện để tham gia kinh doanh vận tải đúng quy định, quản lý được việc thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước và đáp ứng được xu thế tất yếu trong ứng dụng khoa học công nghệ đối với lĩnh vực vận tải.

Đối với hành khách và người dân, việc đưa ứng dụng khoa học, công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng đã tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách trong việc đi lại, như: lựa chọn phương tiện; biết được thông tin của lái xe; biết trước giá cước; tăng khả năng tìm lại hành lý, tài sản; sử dụng dịch vụ tốt thông qua chất lượng của phương tiện, giám sát, đánh giá thái độ phục vụ khách hàng của đơn vị với lái xe, chia sẻ giám sát chuyến đi khi khách hàng muốn sử dụng nhằm nâng cao an toàn cho hành khách. Hành khách sử dụng dịch vụ hài lòng vì thời gian chờ đợi ngắn và được đón chính xác theo địa điểm yêu cầu. Rõ ràng ứng dụng này rất có lợi cho người dân.

Đối với đơn vị tham gia thí điểm, hiệu quả về hoạt động kinh doanh vận tải được các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia thí điểm đánh giá rất cao, nhờ ứng dụng công nghệ nên các đơn vị vận tải đã nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, giám sát đối với lái xe, nâng cao hiệu quả sử dụng phương tiện và từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, phương tiện đến đón đúng địa chỉ với quãng đường di chuyển ngắn nhất. Từ khi các ứng dụng phần mềm được triển khai tại Việt Nam đến nay (có 10 ứng dụng được chính thức hoạt động) đã góp phần vào việc thay đổi chất lượng dịch vụ của hoạt động taxi. Cụ thể các đơn vị taxi như Vinasun, Mai Linh, Thành Công, GroupTaxi, VicTaxi, Taxi Long Biên, SunTaxi, Taxi Phúc Xuyên… cũng đã đầu tư công nghệ phần mềm và đưa vào hoạt động góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ hành khách được ngày càng tốt hơn.

Đối với phát triển kinh tế - xã hội, các đại biểu nhận định, thực hiện cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đã tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển của đơn vị kinh doanh, là động lực để các đơn vị tái cơ cấu bộ máy quản lý điều hành, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ trong tổ chức, quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với các lĩnh vực liên quan như công nghệ thông tin, công nghiệp ô tô, xe máy; tạo thuận lợi và giảm chi phí xã hội cho người dân.

Thay đổi quản lý đáp ứng xu hướng 

Bên cạnh những mặt ưu điểm, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải Trần Bảo Ngọc cho biết, vẫn còn những hạn chế. Đơn cử như, bên cạnh những đơn vị vận tải, đơn vị cung cấp phần mềm để thực hiện thí điểm đã chấp hành tốt các quy định hiện hành và các quy định tại Quyết định số 24/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải thì còn có hiện tượng một số hộ kinh doanh, đơn vị vận tải không chấp hành đúng: không có phù hiệu xe hợp đồng, ký hợp đồng với đơn vị cung cấp phần mềm không phù hợp với quy định, không thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.

Các phương tiện tham gia thí điểm được xác định là xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng bằng văn bản (xe hợp đồng), do vậy không chịu sự ảnh hưởng của hệ thống biển báo hạn chế phạm vi hoạt động như xe taxi dẫn đến công tác tổ chức giao thông trong đô thị chưa đạt hiệu quả cao. Hay tình trạng cạnh tranh giữa kinh doanh vận tải theo hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử với kinh doanh vận tải bằng taxi kết hợp với công tác tổ chức phân luồng giao thông còn chưa hợp lý đối với hoạt động taxi đã phát sinh nhiều kiến nghị từ hiệp hội taxi và phản ứng từ đơn vị kinh doanh vận tải taxi. Chính vì vậy, thời gian qua các Hiệp hội Taxi Hà Nội, Hiệp hội Taxi TP. Hồ Chí Minh, các đơn vị taxi truyền thống có nhiều văn bản kiến nghị. Công tác kiểm tra, xử lý phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải có sử dụng phần mềm Uber, Grab… của Thanh tra Sở gặp nhiều khó khăn.

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đã giúp Bộ Giao thông Vận tải nhận ra những hạn chế nêu trên có nguyên nhân từ công tác tổ chức giao thông còn bất cập đối với loại hình kinh doanh vận tải bằng taxi. Một số quy định từ Luật Giao thông đường bộ và Nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô không còn phù hợp… Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc nhấn mạnh, “việc thay đổi trong quản lý để đáp ứng xu hướng tất yếu của phát triển ứng dụng khoa học - công nghệ trong tổ chức và quản lý vận tải của các cơ quan quản lý (kể cả Bộ Giao thông Vận tải) và đơn vị vận tải thời gian qua còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời sự thay đổi của thực tế”.

Cũng từ những nội dung được đúc rút ra qua thí điểm, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP, bảo đảm phù hợp hơn với thực tiễn, đưa hoạt động kết nối dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin vào nền nếp. Thông qua ví dụ điển hình này, các đại biểu khuyến nghị, cần thiết có cơ chế thử nghiệm có kiểm soát ở các lĩnh vực, ngành nghề khác, từ đó thúc đẩy hơn nữa đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Anh Thảo