Tạo "luồng xanh" cho vaccine...

- Thứ Ba, 17/08/2021, 06:23 - Chia sẻ
Hồi cuối tháng 7, Hiệp hội Da - giày - túi xách Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine hoặc hỗ trợ doanh nghiệp mua vaccine khẩn trương và hợp pháp để tiêm miễn phí cho người lao động của các ngành hàng xuất khẩu.

Cụ thể, các hiệp hội này cho biết đã chủ động tìm nguồn vaccine từ Tập đoàn Royal Stratergic Partner (UAE) và Đại sứ quán Việt Nam tại UAE đã làm việc với Tập đoàn để xác minh về khả năng cung ứng. Do đó, các hiệp hội kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế chủ trì đàm phán với tập đoàn hoặc chỉ định đơn vị nhập khẩu có đủ điều kiện để triển khai các thủ tục nhập khẩu, sau đó ưu tiên hỗ trợ cho các hiệp hội để tiêm cho người lao động trên cơ sở các chi phí do doanh nghiệp các ngành trên chi trả.

Đến đầu tháng 8, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý, có văn bản hỗ trợ Công ty Vimedimex mua vaccine Sputnik V từ UAE và giao Bộ Y tế đàm phán, hỗ trợ 4 hiệp hội mua vaccine hợp pháp. Đây có thể coi là hướng đi mới, là "luồng xanh" cho vaccine nhằm chia sẻ gánh nặng với Nhà nước, đồng thời tạo cơ hội để người lao động có thể sớm tiếp cận với vaccine.

Thực tế, một trong những nội dung được nêu trong Nghị quyết 86 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là tăng cường tìm kiếm và khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chủ động tìm kiếm nguồn và mua vaccine, thuốc điều trị Covid-19. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là các đối tác không làm việc trực tiếp với các hiệp hội, doanh nghiệp mà chỉ làm việc với đơn vị được Chính phủ ủy quyền hoặc cấp phép cho phép nhập khẩu vaccine. Các hoạt động để có thể nhập khẩu được vaccine như trao đổi, đàm phán với đối tác, thực hiện các thủ tục nhập khẩu, vận chuyển và bảo quản, tiêm phải do Bộ Y tế hoặc các doanh nghiệp được chỉ định thực hiện.

Bởi vậy, để có thêm nguồn cung ứng vaccine, ngoài sự nỗ lực của các hiệp hội, các doanh nghiệp, điều quan trọng là phải có cơ chế. Trong Nghị quyết 30 của Quốc hội cũng đã nêu Chính phủ thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng dịch Covid-19, huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển quỹ vaccine; truyền thông đầy đủ, liên tục, chính xác, minh bạch về tiêm chủng, phòng chống dịch để sớm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng... Vấn đề còn lại là thực hiện như thế nào bởi nếu không có cơ chế rõ ràng sẽ rất khó để doanh nghiệp tham gia. Như ý kiến của đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân thì cần có cơ chế hợp tác công - tư rõ ràng, hài hòa lợi ích giữa các bên với mục tiêu tối thượng là sớm đạt được miễn dịch cộng đồng.

Thời gian qua các cơ quan chức năng đã huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh ngoại giao, tìm nguồn viện trợ cũng như thực hiện mua, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy nghiên cứu sản xuất vaccine... nhưng số lượng chưa đủ đáp ứng. Bởi vậy, nên chăng đã đến lúc cần tạo "luồng xanh" cho vaccine - từ khâu đàm phán, nhập khẩu, bảo quản đến phân phối... để giảm gánh nặng cho Nhà nước trong dài hạn.

Khánh Ninh