Tạo "lực đẩy" cho doanh nghiệp du lịch

- Thứ Tư, 30/06/2021, 05:35 - Chia sẻ
Theo số liệu của Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 90% doanh nghiệp du lịch - lữ hành không hoạt động, 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng; phần lớn các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ làm dịch vụ đại lý tour, đại lý vé cho 100% lao động nghỉ việc; doanh nghiệp quốc tế cho 60 - 90% nhân sự nghỉ việc.
Hơn 500 tàu du lịch Hạ Long nằm đóng băng tại bến

Doanh nghiệp “ngấm đòn”

Trước diễn biến dịch Covid-19 phức tạp ở các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Bình Dương, Long An… việc các doanh nghiệp du lịch - lữ hành muốn trở lại hoạt động bình thường trong điều kiện này là chưa khả thi. Quá trình kích cầu du lịch nội địa muốn đạt hiệu quả cần sự ổn định trong hoạt động phòng, chống dịch của từng địa phương. Chính vì vậy, yếu tố an toàn, tâm lý e ngại của hành khách khiến các doanh nghiệp lữ hành gần như chỉ hoạt động cầm chừng.

Ngành du lịch Quảng Ninh hứng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi “bóng ma” Covid-19,  việc “khóa trái cửa” nhằm bảo đảm an toàn cho người dân cũng đồng thời đóng băng hoạt động của doanh nghiệp lữ hành. Đầu tháng 6 vừa qua, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã bắt đầu cho khởi động lại các hoạt động du lịch nội tỉnh. Kỳ nghỉ hè hàng năm sẽ là đợt cao điểm để các địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đón khách từ nhiều nơi, tuy nhiên đối với khách nội tỉnh - đây là tệp khách hàng khó khai thác bởi họ đã quá quen thuộc với các địa điểm du lịch tại nơi mình sống, cùng với đó mức chi tiêu trung bình đối với các sản phẩm du lịch thấp hơn nhiều đối với khách từ tỉnh khác đến.

Tại buổi đối thoại giữa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh phối hợp cùng Chi hội Tàu du lịch Hạ Long với các chủ tàu để tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động du lịch trên vịnh Hạ Long, nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ họ phải đi vay, cầm cố tài sản nhằm duy trì hoạt động, trả lương cho công nhân, trả lãi ngân hàng. Việc cầm cự, chờ đợi của các chủ tàu khó khăn hơn rất nhiều những cơ sở lưu trú trên đất liền. Hàng tuần, những con tàu trên vịnh Hạ Long vẫn phải vận hành để hạn chế hư hỏng máy móc, nội thất, chống han gỉ vỏ tàu... nên chi phí bỏ ra không nhỏ. 

Tương tự như Quảng Ninh, ở một "thánh địa" du lịch khác là Hội An, tỉnh Quảng Nam cũng có vô số doanh nghiệp đang "ngụp lặn" trong khó khăn. Báo cáo của Chi cục Thuế thành phố Hội An có hơn 250 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, trong đó có 62 doanh nghiệp phải chấm dứt hoạt động, bỏ địa chỉ kinh doanh và hơn 2.000 hộ kinh doanh cá thể ngưng hoạt động do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Đối với Hà Nội, tình hình kinh doanh khách sạn, trong tháng 6.2021, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1 - 5 sao ước đạt 25,7%, giảm 0,7% so với tháng 5.2021 và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tính tổng 6 tháng, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1 - 5 sao ước đạt 24%, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2020. Số lượng khách quốc tế đến Hà Nội gần như không có, đa số là các chuyên gia nước ngoài đến làm việc và lưu trú tại địa phương. Hoạt động du lịch trên địa bàn Thủ đô cũng gặp nhiều khó khăn.

Cơ cấu lại sản phẩm du lịch

Theo Sở Du lịch Quảng Ninh, với những yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt trong giai đoạn này, các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch phục hồi hoạt động theo cơ chế chủ động tầm soát dịch bệnh Covid-19; đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng các sản phẩm ưu đãi, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nội tỉnh. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại Quảng Ninh đã tung ra nhiều chương trình giảm giá hấp dẫn. Như tại khách sạn Mường Thanh Luxury Hạ Long Centre, đơn vị đã giảm giá đến 70%, chỉ còn 499.000 đồng/người/đêm hay 850.000 đồng/khách/2 đêm, kèm theo đó là những dịch vụ đẳng cấp của khách sạn 5 sao.

Công ty TNHH Du lịch Global Travel, bên cạnh việc đưa ra gói dịch vụ với mức giá chỉ từ 1,8 triệu/khách/đêm, du khách sẽ có những trải nghiệm tại Vinpeal resort&spa Hạ Long với đầy đủ các dịch vụ như: 3 bữa sáng, trưa và tối tại khách sạn; giảm giá 30% các dịch vụ… Cùng với đó, đơn vị còn hỗ trợ du khách miễn phí xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 2 người lớn tại hệ thống bệnh viện Vinmec trước 3 ngày khởi hành. Từ đó, tạo điều kiện tối đa cho du khách tham quan và trải nghiệm du lịch Quảng Ninh

Trong bối cảnh hoạt động du lịch quốc tế trên thế giới vẫn chưa thể kích hoạt trở lại, ngành du lịch Thủ đô đã chủ động cơ cấu lại các sản phẩm du lịch mới, tập trung thu hút khách du lịch nội địa như tour du lịch đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long” tại khu Di sản Hoàng thành Thăng Long, sản phẩm du lịch trải nghiệm dân gian tại Bảo tàng Dân tộc học, sản phẩm tour du lịch trải nghiệm đêm "Đêm thiêng liêng” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò...  

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, khi dịch Covid-19 được kiểm soát và thành phố nới lỏng một số hoạt động, ngành du lịch Thủ đô vẫn chủ trương đẩy mạnh chương trình "Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội", từng bước phục hồi khách nội địa, hướng tới đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép.

Mới đây, Sở Du lịch Hà Nội đã xúc tiến triển khai chương trình du lịch gắn với Bảo tàng Chiến thắng B52, công tác phát triển ẩm thực gắn với hoạt động du lịch. Với chương trình hợp tác cùng kênh truyền hình quốc tế CNN năm 2021, Sở Du lịch Hà Nội đang đàm phán, thống nhất các điều khoản để tham mưu UBND thành phố ký bổ sung phụ lục Bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2019 - 2024 và năm 2021. Một mặt, phối hợp với kênh truyền hình quốc tế CNN lựa chọn những sản phẩm quảng bá phù hợp với chiến lược truyền thông cũng như các sự kiện lớn của Việt Nam và thành phố Hà Nội năm 2021.

Ngành du lịch Hà Nội xây dựng 3 kịch bản phát triển du lịch Thủ đô trong năm 2021 với chỉ tiêu, kế hoạch đón lượng khách nội địa đạt từ 50 - 70% so với năm 2019, tương ứng đạt từ 11 - 15 triệu lượt khách. Trong đó, ngành du lịch đặt ra mục tiêu phấn đấu cao nhất, thu hút trên 15 triệu lượt khách du lịch nội địa, bằng 70% so với năm 2019 và tăng 2 lần so với năm 2020.

Văn Anh