Tạo hành lang pháp lý phát triển công nghiệp điện ảnh

- Thứ Tư, 14/04/2021, 06:25 - Chia sẻ
Luật Điện ảnh hiện hành vẫn coi điện ảnh là ngành nghệ thuật, chưa phải là ngành công nghiệp. Trong khi đó, công nghiệp điện ảnh là xu thế phát triển tất yếu ở các nước, và là bộ phận quan trọng của công nghiệp văn hóa. Vì thế, Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần tạo hành lang pháp lý phù hợp để phát triển lĩnh vực này. Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện Luật Điện ảnh và góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi), do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ tổ chức ngày 13.4.

Cơ hội cho người Việt xem phim Việt

“Hiện tại ở thị trường điện ảnh Việt Nam, phim có doanh thu cao nhất là “Bố già”, ra rạp năm 2021 với doanh thu hơn 400 tỷ đồng, bằng tiền bán hơn 30 nghìn tấn gạo và không biết là bằng việc lắp ráp bao nhiêu chiếc điện thoại. Tiền sản xuất bộ phim này là 23 tỷ đồng. Và đây mới chỉ là doanh thu trong nước, chưa kể nước ngoài” - Phó Chủ tịch Công ty BHD Ngô Bích Hạnh lấy ví dụ.

Cần có chính sách phát triển công nghiệp điện ảnh
Nguồn: ITN

Thống kê doanh thu những năm qua cho thấy, Việt Nam đang là nước có tỷ lệ doanh thu phòng vé phát triển nhất thế giới, 25 - 40%/năm, và dự báo còn tiếp tục tăng trưởng mạnh. Và khoảng chục năm tới, chắc chắn sẽ có phim Việt đạt doanh doanh thu 100 triệu USD như những thị trường trong khu vực... Vậy Luật Điện ảnh (sửa đổi) có thể giúp gì để điện ảnh Việt Nam có thể đạt được con số này? Theo bà Ngô Bích Hạnh, để ở Việt Nam không phải là chỉ toàn phim Hollywood hay phim nước ngoài chiếm giữ 70 - 80% thị trường, quan trọng hơn, người Việt sẽ có thêm cơ hội được xem phim và tiếp cận với văn hóa nước nhà nếu thị phần phim Việt phát triển, Luật nên thay đổi cách tiếp cận, không chỉ coi điện ảnh là một ngành dịch vụ mà trọng tâm phải là công nghiệp sản xuất phim và các chính sách hỗ trợ phim Việt.

TS. Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, cho rằng: Luật Điện ảnh 2006 xây dựng chủ yếu trên cơ sở quan niệm điện ảnh là ngành nghệ thuật, các điều luật chủ yếu để điều chỉnh hoạt động sáng tác - phát hành - phổ biến tác phẩm điện ảnh. Trong khi đó, điện ảnh từ lâu đã vừa là ngành nghệ thuật tổng hợp, vừa là ngành công nghiệp. Ở Việt Nam, năm 2016 Chính phủ đã ban hành “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó công nghiệp điện ảnh được xác định như một ngành mũi nhọn.

“Điện ảnh, như một ngành công nghiệp, cần được xây dựng và phát triển theo hướng trở thành một trong những hoạt động kinh tế thiết yếu của đất nước, là nguồn thu thuế, nơi tạo ra việc làm và phát triển du lịch... Ngoài ra, ngành điện ảnh còn có tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển và quảng bá hình ảnh của một quốc gia. Nhận thức rõ ràng được tầm quan trọng cả về kinh tế và văn hóa của lĩnh vực này sẽ giúp việc xây dựng chính sách hỗ trợ đi đúng hướng” - bà Phan Cẩm Tú, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Xúc tiến, Phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA) góp ý.

Có chính sách “thân thiện với điện ảnh”

Theo các chuyên gia, như tất cả các ngành và lĩnh vực kinh doanh khác, công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam chỉ có thể phát triển lên tầm cao mới khi được hỗ trợ bởi các chính sách của Nhà nước. Các chính sách được xây dựng cho lĩnh vực này cần bảo đảm sự cân bằng giữa nhu cầu của các đơn vị làm phim với mối quan tâm của Chính phủ và xã hội. Các nhà hoạch định chính sách nên xem xét thiết lập các chính sách và quy định “thân thiện với điện ảnh” nhằm khuyến khích đầu tư vào hoạt động sản xuất phim. Cụ thể, các chính sách và định hướng tốt cho ngành công nghiệp điện ảnh cần tập trung vào việc tạo dựng môi trường phát triển với các thành tố: Chương trình ưu đãi cho sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực điện ảnh được xây dựng một cách có kế hoạch và hệ thống; lực lượng lao động được đào tạo; cơ sở hạ tầng đầy đủ cho hoạt động làm phim; môi trường thân thiện cho việc làm phim; hệ thống quản lý hiện đại cho dịch vụ xem phim theo yêu cầu (VOD)...

Về việc đặt hàng sản xuất phim, theo bà Nguyễn Thị Hồng Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Luật Điện ảnh hiện hành và các văn bản hướng dẫn cần được sửa đổi theo hướng cân nhắc quy định cả hình thức đấu thầu và đặt hàng sản xuất phim. Đẩy nhanh ban hành hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật đặt hàng sản xuất phim làm cơ sở xác định giá đặt hàng sản xuất phim theo quy định. Một số ý kiến cũng cho rằng, cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế liên danh sản xuất giữa Nhà nước và tư nhân như từng làm với phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, sao cho việc hợp tác được bền vững, minh bạch và hai bên cùng có lợi...

Để điện ảnh Việt phát triển, bà Ngô Bích Hạnh đề xuất: Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần có các chính sách thuế, ưu đãi đất đai cho doanh nghiệp trong nước; tạo quỹ đầu tư với các hình thức khuyến khích để doanh nghiệp trong nước đầu tư nhiều hơn vào rạp chiếu phim; tạo nguồn vốn vay lãi suất thấp cho các doanh nghiệp trong nước đầu tư rạp chiếu phim...

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần đẩy mạnh hợp tác sản xuất phim, thu hút các đoàn làm phim nước ngoài vào Việt Nam. Luật cần có quy định cụ thể và minh bạch, rõ ràng về thủ tục, ưu đãi cho đoàn phim nước ngoài đến Việt Nam, cơ chế đối với phim hợp tác sản xuất... qua đó, thúc đẩy công nghiệp điện ảnh Việt Nam phát triển, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh và các ngành dịch vụ liên quan, tạo nguồn thu lớn cho đất nước, giúp điện ảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời quảng bá đất nước, con người Việt Nam, góp phần phát triển du lịch.

Ngọc Phương