DỰ THẢO LUẬT ĐIỆN ẢNH (SỬA ĐỔI)

Tạo hành lang pháp lý nâng tầm điện ảnh Việt

- Thứ Sáu, 29/10/2021, 06:03 - Chia sẻ
Tạo hành lang pháp lý vừa chặt chẽ vừa thông thoáng là một trong những yêu cầu được đại biểu Quốc hội đặt ra khi thảo luận trực tuyến với dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) trong phiên họp chiều qua. Quan trọng hơn, trên nền tảng hành lang pháp lý đó sẽ xây dựng được thương hiệu và nền điện ảnh nước nhà hội nhập, phát triển.

ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông): Nâng tầm điện ảnh Việt để quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia

Điện ảnh là một cách thức để truyền bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia, làm cho khán giả các nước khác liên tưởng ngay khi nhắc đến. Xu hướng hiện nay là các nước đưa vào phim các sản phẩm mới để quảng bá, giới thiệu trước khi đưa sản phẩm đến với công chúng các nước khác. Tại dự thảo Luật cũng đã đề cập, mặc dù chưa chi tiết về vấn đề quảng bá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ lồng ghép trong phim được thể hiện tại Điều 27. Do đó, tôi đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần chú ý nhiều hơn, định hướng nền tảng phát triển nội dung phim Việt Nam, đặc biệt về thế mạnh, nét đặc sắc riêng có của Việt Nam mà bạn bè quốc tế quan tâm hoặc chưa từng biết tới, để khuyến khích các dòng phim chú trọng sản xuất hoặc lồng ghép trong các sản phẩm, thể loại phim như các nước đã làm với cách riêng của Việt Nam.

Tôi kỳ vọng với lần sửa đổi này, Luật Điện ảnh khi được Quốc hội thông qua sẽ tạo được hành lang pháp lý, đủ điều kiện hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thu hút tối đa các nguồn lực xã hội tập trung đầu tư nâng tầm điện ảnh Việt Nam để trong lộ trình điện ảnh có thể đảm đương được sứ mệnh cùng với các loại hình văn hóa nghệ thuật khác quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc… đến với bạn bè quốc tế, với cách tiếp cận luôn hiện hữu, thuyết phục và từng bước chinh phục khán giả thế giới nhằm xây dựng thương hiệu và nền điện ảnh nước nhà hội nhập, phát triển lên một tầm cao mới.

ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương): Nhiều chế định còn khá mơ hồ

Điều khó khăn nhất khi chấp bút dự án Luật Điện ảnh lần này đó chính là đưa một hoạt động mang tính chất kỹ thuật, sáng tạo vào khuôn khổ đường biên của thể chế, trong khi bản chất sáng tạo vốn không có giới hạn. Làm thế nào để hài hòa giữa quản lý nhà nước về hoạt động điện ảnh mà không gây ức chế sáng tạo để người nghệ sĩ thăng hoa cảm xúc trước ranh giới mong manh giữa giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa với những cái mới được định hình trong thế giới phẳng phải là mục tiêu chính của luật lần này. Tuy nhiên, nhiều chế định còn khá mơ hồ của dự luật có thể trở thành vòng cương tỏa vô hình áp lực tư duy sáng tạo của người làm phim. Đã là Luật Điện ảnh thì tất nhiên một trong những phạm vi điều chỉnh phải là quản lý nhà nước về điện ảnh.

Tuy nhiên, khoản 1, Điều 3 định nghĩa: "Điện ảnh là ngành nghệ thuật sáng tạo, áp dụng công nghệ nghe nhìn và các thủ pháp sáng tác để sản xuất phim". Như vậy theo logic, dự luật này phải chế định cho được nội dung liên quan đến quản lý nhà nước về nghệ thuật sáng tạo, áp dụng công nghệ nghe nhìn lẫn các thủ pháp sáng tác để sản xuất phim. Tuy nhiên, thủ pháp nghệ thuật thuộc về kinh điển, quy ước hay thuộc về khả năng sáng tạo của người làm phim. Do đó, với quy định và logic như trên thì Nhà nước phải quản lý gì về thủ pháp sáng tác, quan trọng hơn, nếu theo định nghĩa và logic như phân tích thì có phải dự luật đã trượt khỏi quỹ đạo ngay từ đầu, vì toàn bộ các điều khoản không có quy định nào về nghệ thuật sáng tạo, áp dụng công nghệ nghe nhìn và các thủ pháp sáng tác để sản xuất phim. Định nghĩa là cần thiết và đã định nghĩa thì phải chuẩn xác, nhưng không phải thuật ngữ nào cũng có thể định nghĩa được, nhất là những cảm xúc khởi sinh từ sự tương tác của kịch bản, diễn viên và tài hoa của đạo diễn.

Dự luật lần này có đến 17 điểm quy định các nội dung và hành vi bị nghiêm cấm. Điều đáng nói, nhiều điểm cấm trong dự thảo lại khá mơ hồ, với tầm bao quát khá rộng mà khi áp dụng chắc chắn sẽ trói buộc sự sáng tạo, khả năng thăng hoa của đạo diễn ngay từ những xúc cảm đầu tiên. “Vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp và pháp luật” là khoản chưa cụ thể đầu tiên trong 17 điểm cấm của dự luật. Rà soát Hiến pháp thì chỉ có 4 điều đề cập đến các nguyên tắc, đó là: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín ở Điều 7; tập trung dân chủ ở Điều 8; tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng ở Điều 36 và tranh tụng trong hoạt động xét xử được bảo đảm ở Điều 103. Như vậy, hoạt động điện ảnh phải bảo đảm những nguyên tắc nào trong các nguyên tắc kể trên, đồng thời hoạt động điện ảnh có phải bảo đảm không vi phạm tất cả các nguyên tắc của các luật lệ trong hệ thống pháp luật hay không? Bởi hầu như ở tất cả các luật đều có các điều khoản về nguyên tắc cơ bản. Ngoài ra, như thế nào là làm tổn hại đến giá trị văn hóa, truyền bá tệ nạn xã hội, phá hoại truyền thống văn hóa, đạo đức xã hội cũng cần được minh định, nhằm tránh những cảm tính chủ quan của cơ quan có thẩm quyền khi “cầm cân nảy mực” trong các khâu xét duyệt.

ĐBQH Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam): Quy định rõ ràng, cụ thể hơn về thẩm quyền cấp phép, phân loại phim

Vấn đề chính sách phát triển điện ảnh của một số quốc gia là rất quan trọng. Vì sao phần nhiều người Việt Nam thích xem phim nước ngoài hơn xem phim Việt Nam, xu hướng sử dụng các tác phẩm điện ảnh nước ngoài ngày càng phổ biến, đặt ra cho nền điện ảnh Việt Nam một câu hỏi lớn. Bên cạnh đó, xu thế hợp tác sản xuất phim là một tất yếu, đem lại hiệu ứng rất tích cực, phản ánh sự giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, nếu để phát triển một cách tự phát, không có sự hỗ trợ, quản lý của Nhà nước thì rất khó bảo đảm định hướng của Đảng và Nhà nước.

Vì vậy, Nhà nước phải nắm rõ vấn đề này để có phản ứng chính sách. Khi sửa đổi Luật Điện ảnh lần này, các cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh cần đặc biệt quan tâm và khi thiết kế các quy định sao cho vừa bảo đảm tính chặt chẽ, vừa tạo hành lang pháp lý thông thoáng, khuyến khích thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia hợp tác phát triển điện ảnh Việt Nam. Đây là vấn đề không đơn giản, bởi điện ảnh không những là một ngành kinh tế mà còn là ngành công nghiệp văn hóa.

Về phổ biến phim trên không gian mạng, tại Điều 22 dự thảo Luật, thời gian qua có nhiều ấn phẩm không bảo đảm chất lượng, không phù hợp về chính trị, thuần phong mỹ tục, nhưng vẫn được công chiếu trên không gian mạng. Do đó, để quản lý chặt chẽ phim trên không gian mạng cần quy định rõ chỉ được phổ biến phim trên không gian mạng khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép chứ không nên giao trách nhiệm cho đơn vị tư nhân và cơ quan cấp phép phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Về cấp giấy phép phân loại phim tại Điều 28, phần lớn các tác phẩm điện ảnh được công chiếu trong thời gian qua đáp ứng thị hiếu của người xem, giữ được thuần phong mỹ tục, văn hóa đất nước, góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam đến với nhân dân và bạn bè thế giới. Tuy nhiên, cũng còn một số tác phẩm điện ảnh khâu cấp phép thẩm định chưa chặt chẽ nên dẫn đến tác dụng ngược, dư luận phản đối. Do vậy, đề nghị cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn về thẩm quyền cấp phép, phân loại phim và gắn liền trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra sai phạm, nhằm tạo môi trường thông thoáng cho điện ảnh phát triển và bảo đảm tính chính trị, thị hiếu công chúng giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Anh Phương lược ghi