Tạo hành lang pháp lý liên thông trình độ trong ASEAN

- Thứ Bảy, 01/08/2020, 08:11 - Chia sẻ
Với việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, khu vực đang hướng đến tự do dịch chuyển của hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động có tay nghề. Trong bối cảnh đó, việc công nhận và liên thông trình độ giữa các quốc gia thành viên sẽ thúc đẩy sự dịch chuyển tự do hơn của người lao động và người học vì một cộng đồng ASEAN thống nhất và phát triển đồng đều. Tại Hội nghị trực tuyến về Đối tác nghị viện về hợp tác văn hóa, giáo dục vì sự phát triển bền vững (AIPA-ECC) vừa qua, các nghị sĩ AIPA đã nhất trí thúc đẩy hợp tác liên nghị viện khu vực trong xây dựng và hoàn thiện luật pháp, nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc liên thông trình độ trong khối ASEAN; hài hòa hóa pháp luật, áp dụng chính sách công nhận lẫn nhau nhằm tạo tiền đề cho hợp tác giáo dục, văn hóa trong phát triển bền vững.

Chìa khóa để đi cùng nhau và đi xa 

Tự do dịch chuyển lao động có kỹ năng là một những mục tiêu của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Nhằm tạo điều kiện cho dịch chuyển nội khối cho người lao động và người học giữa các nước thành viên, AEC đã thống nhất ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về lao động kỹ năng ở trình độ cao (MRAs) trong 8 nhóm ngành nghề lĩnh vực gồm các dịch vụ: Kỹ sư, kiến trúc sư, khảo sát đo đạc bản đồ, bác sĩ, điều dưỡng, kế toán và du lịch. Đối với lao động có trình độ trung bình và thấp để tạo thuận lợi cho việc dịch chuyển lao động, AEC có thỏa thuận công nhận lẫn nhau về kỹ năng (MRS). 

Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề liên thông trình độ giữa các quốc gia ASEAN mới ở bước đầu. Mặc dù ASEAN đã xây dựng thống nhất một số hướng dẫn, căn cứ để thúc đẩy thực hiện công nhận, thừa nhận trình độ, kỹ năng làm cơ sở cho việc đề xuất liên thông trình độ nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai do đặc điểm hệ thống của mỗi nước khác nhau.

Mạng lưới trường đại học Đông Nam Á được thành lập năm 1995, theo thỏa thuận của các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN, đến nay đã phát triển gồm 30 trường đại học thành viên chính thức thuộc 10 nước, trong đó có 3 trường đại học của Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đánh giá, “đây là dấu mốc lớn trong công nhận một cách công bằng về chất lượng lao động giữa các quốc gia nội khối ASEAN”. Tuy nhiên, các trường đại học và cơ quan quản lý giáo dục đại học của các nước thành viên cần có những bước tiến xa hơn nữa trong hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm đào tạo cũng như xây dựng cơ chế giám sát chung hài hòa, thống nhất. Liên thông trong giáo dục chỉ có giá trị khi các xác nhận đó được công nhận trong thực tế. Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đây là thời điểm các nước ASEAN cần quy hoạch và đổi mới định hướng phát triển của khu vực. 

Con người là nguồn tài nguyên quý giá nhất và tập trung tối ưu hóa hiệu suất nguồn nhân lực phải là ưu tiên hàng đầu của các nước thành viên ASEAN. “Làm thế nào để một người lao động, một sinh viên, một học sinh tốt nghiệp ở đất nước này có thể tiếp tục học tập và làm việc ở nước thành viên khác mà không mất thời gian gián đoạn chuyển tiếp?” Đặt vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, giải pháp không chỉ giới hạn trong vấn đề liên thông giáo dục, trình độ giữa các nước thành viên ASEAN mà quan trọng hơn là tối ưu hóa nguồn nhân lực trong khu vực. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực không chỉ là đào tạo mới và đào tạo lại, mà còn là công nhận và tận dụng nhân lực có trình độ đã qua đào tạo.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhấn mạnh, chìa khóa để các nước ASEAN có thể đi cùng nhau và đi xa, đạt đến mục tiêu chung dài hạn chính là thúc đẩy chia sẻ tri thức, trao đổi kinh nghiệm, hiểu biết lẫn nhau và lưu thông phân bổ nguồn lực linh hoạt giữa các nước thành viên. Để làm được điều này, ngoài việc cấp thiết xây dựng hạ tầng công nghệ và đồng bộ hệ thống giải pháp số trên nền tảng phát triển công nghệ hiện nay thì quan trọng hơn cả là các nghị viện thành viên AIPA cần trao đổi, thảo luận và hợp tác để xây dựng được hành lang pháp lý, hướng tới công nhận, hợp pháp hóa việc liên thông giáo dục giữa các nước thành viên ASEAN, đặc biệt là trong đào tạo trực tuyến. 

Tuy nhiên, công nhận chất lượng đào tạo và liên thông trình độ giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN là tiến trình phức tạp và khó có thể thực hiện được trong thời gian ngắn. Hệ thống trình độ và kỹ năng nghề của mỗi quốc gia luôn có sự khác biệt nhất định. Bản thân hệ thống của mỗi nước cũng vẫn có những khoảng trống và khó khăn như: Sự tham chiếu, đối sánh tương đương giữa các trình độ, hệ thống bảo đảm chất lượng và lòng tin đối với văn bằng, trình độ giữa các quốc gia. Để tham chiếu, đối sánh và tiến tới công nhận lẫn nhau về trình độ và kỹ năng nghề thì trước hết, phải minh bạch hóa và bảo đảm chất lượng văn bằng trình độ trong hệ thống giáo dục đào tạo, lao động việc làm của mỗi quốc gia. Theo đó, các nước cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về văn bằng chứng chỉ, hệ thống bảo đảm chất lượng trình độ có thể truy cập được bởi các nước tiếp nhận lao động.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị  

Ảnh: Quang Khánh 

Hợp tác nghị viện thúc đẩy liên thông trình độ 

Tại AIPA-ECC, các nghị sĩ AIPA nhất trí cho rằng, giáo dục là chìa khóa và là công cụ tốt nhất để giải quyết một cách toàn diện tất cả các mục tiêu, mang lại những thay đổi cần thiết nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững. Việc phát triển toàn diện con người cả về tri thức và giá trị nhân văn sẽ là yếu tố quan trọng quyết định sự tăng trưởng và phát triển của các quốc gia, dân tộc trong bối cảnh hội nhập của nền kinh tế tri thức. Tác động của đại dịch Covid-19 đang gây ra những khó khăn và thách thức rất lớn đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có lĩnh vực giáo dục, văn hóa. Tuy nhiên, theo các nghị sĩ AIPA, đây cũng là cơ hội để đổi mới các hoạt động này trong tình hình mới.

Từ cách tiếp cận như vậy, các nghị viện thành viên AIPA khẳng định mong muốn thúc đẩy hợp tác, chia sẻ trong việc xây dựng chất lượng giáo dục trong ASEAN và duy trì bản sắc văn hóa khu vực. Nghị quyết được thông qua tại AIPA-ECC khẳng định cam kết thúc đẩy hợp tác giữa các nghị viện thành viên AIPA trong xây dựng và hoàn thiện luật pháp nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc liên thông trình độ trong khối ASEAN và các loại hình đào tạo từ xa, trực tuyến nhằm thích ứng với bối cảnh dịch bệnh và tình hình mới. Đồng thời, khuyến nghị nghị viện các nước hài hòa hóa pháp luật, áp dụng chính sách công nhận lẫn nhau nhằm tạo tiền đề cho việc hợp tác, trao đổi lĩnh vực văn hóa, giáo dục trong phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Nghị quyết kêu gọi các nghị viện thành viên AIPA tăng cường chia sẻ thông tin, các điển hình và bài học giữa các quốc gia thành viên ASEAN trong việc huy động và phát huy nguồn lực cho phát triển giáo dục và văn hóa phục vụ mục tiêu phát triển bền vững; đẩy mạnh gắn kết giữa thành viên AIPA với các cơ chế hợp tác khu vực hiện có về văn hóa, giáo dục, như Tổ chức các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN (SEAMEO) và Hội đồng Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN (ASCC); Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa nghệ thuật ASEAN (AMCA). Nghị quyết cũng hối thúc nghị viện các nước nội luật hóa các cam kết quốc tế về văn hóa, giáo dục với pháp luật của các quốc gia vì mục tiêu phát triển bền vững.

Ngọc Khánh